Sài Gòn xưa được tái hiện trong Ra biển lớn - Ảnh: TFS
Hành trình đó được kể qua năm nhân vật có khát vọng đưa Việt Nam vươn xa. Họ góp phần tạo nên diện mạo kinh tế - văn hóa sôi động của TP.HCM.
Đó là
- Doanh nhân Trương Văn Bền - người sáng lập thương hiệu xà bông Cô Ba được yêu thích qua gần trăm năm;
- Bà Nguyễn Thị Nghĩa - nữ doanh nhân dẫn dắt Liên hiệp hợp tác xã TP.HCM trước thềm đổi mới;
- Giáo sư Đặng Lương Mô - người suốt 40 năm ôm giấc mộng được trở về quê hương để gầy dựng ngành vi mạch mang thương hiệu "Việt Nam";
- Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường - bàn tay vàng trong ngành can thiệp đột quỵ mạch máu não;
- Tiến sĩ Lương Việt Quốc - CEO sáng lập hãng máy bay không người lái phi quân sự với câu chuyện lay động về nghị lực và ý chí chắp cánh cho những ước mơ được bay cao...
Trao đổi về bộ phim, đạo diễn Hồ Thanh Tuấn cho biết: "Thoát khỏi những mặc định của cách kể truyền thống vốn tôn trọng hiện thực khách quan và ít dàn dựng, Ra biển lớn có thủ pháp kể chuyện mới mẻ.
Chúng tôi ứng dụng những ưu điểm của công nghệ sản xuất phim ảnh hiện đại như đồ họa 3D nhằm phục dựng những bối cảnh cần thiết quan trọng trong phim, như Bến Bình Đông - một thương cảng nhộn nhịp bậc nhất Sài Gòn hơn 100 năm trước".
Theo đạo diễn, việc kể câu chuyện về một nhân vật xa xưa, nhất là họ không còn sống nữa chưa bao giờ dễ dàng. Và để câu chuyện sinh động, đoàn phim buộc phải để diễn viên thể hiện.
Đạo diễn của phim Thành phố nghĩa tình (sản xuất năm 2019) cũng nói thêm: "Thông qua những câu chuyện đẹp, biểu trưng cho ý chí, khát vọng, Ra biển lớn muốn gửi gắm rằng Sài Gòn - TP.HCM luôn trao cơ hội cho những ai dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vượt qua thử thách và sẵn sàng sẻ chia, đóng góp những giá trị của mình cho đất nước và cộng đồng.
Sài Gòn - TP.HCM còn là một đô thị đất lành tạo nên những con người hào sảng, nghĩa tình, tận tâm, tận lực và tận tụy góp phần tạo nên diện mạo riêng đáng tự hào cho TP.HCM hôm nay".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận