21/06/2024 11:34 GMT+7

Tách người chưa thành niên ra khỏi vụ án: Đại biểu Quốc hội tranh luận lợi hay không lợi?

Đại biểu tranh luận về việc có nên hay không quy định cứng tách vụ án giữa người lớn và người chưa thành niên trong cùng vụ án thành các vụ án khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 21-6, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đại biểu quan tâm tranh luận nhiều ở quy định có nên hay không tách đối tượng phạm tội là người lớn và người chưa thành niên trong một vụ án ra thành các vụ án khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang - phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM - không đồng tình với quy định cứng trong dự luật buộc tách các đối tượng chưa thành niên phạm tội trong cùng vụ án ra với người lớn.

Ông Sang cho rằng việc xét xử chung là cơ sở để hội đồng xét xử đánh giá toàn diện vụ án, xác định chính xác vai trò từng đối tượng trong vụ án. Nếu tách vụ án sẽ phải tách giai đoạn điều tra, xét xử... việc này có thể dẫn đến một số bất cập trong quá trình tố tụng.

"Lấy ví dụ có năm bị can phạm tội cướp giật, trong đó có một đối tượng người chưa thành niên. Trường hợp này khi tách vụ án, tách giai đoạn điều tra, xét xử tuyên mức án 3 năm tù cho các đối tượng người lớn phạm tội 3 hành vi.

Tuy nhiên quá trình điều tra phát hiện đối tượng chưa thành niên thực hiện 4 hành vi phạm tội. Bây giờ xét xử lại những đối tượng như thế nào?", ông Sang nêu.

Từ phân tích đó, ông Sang cho rằng: "Việc quy định cứng tách vụ án không cần thiết, dự luật cần ưu tiên giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội và tùy từng đối tượng để có cơ sở tách hay không tách".

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - Ảnh: GIA HÂN

Có ý kiến ngược lại, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự luật) - cho rằng quy định tách hay không tách vụ án với người chưa thành niên phụ thuộc vào các chính sách trong dự luật.

Trong đó luật quy định thời gian tiến hành tố tụng với người chưa thành niên khác với người lớn. Nếu không tách vụ án dễ dẫn đến việc thời hạn của người chưa thành niên đã hết nhưng người lớn vẫn còn.

Việc này có nguy cơ phải bồi thường khi hết thời hạn điều tra nhưng chưa chứng minh được bị can phạm tội.

Cũng theo bà Thủy, dự luật đưa vào nguyên tắc thông tin của người chưa thành niên được bảo mật trong toàn bộ thời gian giải quyết vụ án.

Nếu gộp chung người lớn và trẻ vào một vụ án, khi ban hành kết luận điều tra, cáo trạng, bản án phải ghi đầy đủ thông tin, diễn biến hành vi phạm tội, nhân thân cả người lớn và trẻ em, đồng thời công khai các văn bản này sẽ khiến nguyên tắc trên không thực hiện được.

Chưa kể nếu gộp chung vụ án, người chưa thành niên sẽ tiếp xúc với những thủ đoạn, hành vi gây án của người lớn, điều này ảnh hưởng xấu đến các em.

Chia sẻ thêm về dự luật, bà Thủy nhận xét: "Dự luật thể hiện tinh thần đủ nguyên tắc để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, nhưng cũng nhân văn để mở đường cho các cháu nhận ra sai lầm, tự sửa chữa và tái hòa nhập cộng đồng".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay tháng 3-2024, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát 3 trường giáo dưỡng trên cả nước. Điều làm đoàn day dứt nhất là hoàn cảnh gia đình các cháu, số lượng các cháu có cha mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, mồ côi cha mẹ chiếm tỉ lệ lớn.

"Chúng tôi thầm nghĩ, giá như các cháu không mồ côi cha mẹ, giá như các cháu có mái ấm đầy đủ mẹ cha, có lẽ các cháu không phạm phải sai lầm như hôm nay.

Và những đặc điểm đó đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế chính sách xử lý phải tính toán đầy đủ các đặc điểm, đặc thù của người chưa thành niên, cũng như cân nhắc toàn diện nguyên nhân điều kiện dẫn đến các cháu phạm tội để có những chính sách biện pháp phù hợp", bà nói.

Xác định tuổi người chưa thành niên?

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) cho rằng có sự mâu thuẫn giữa dự thảo hiện nay với các quy định pháp luật về hộ tịch trong việc xác định tuổi của một người trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của người đó.

Cụ thể đối với trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày sinh, dự thảo quy định lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh. Tuy nhiên pháp luật về hộ tịch thì quy định ngược lại, là lấy ngày đầu tiên của tháng đó làm ngày sinh.

Tương tự, trường hợp xác định được năm, nhưng không xác định được ngày, tháng, dự thảo quy định lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh. Nghĩa là ngày 31-12. Tuy nhiên pháp luật về hộ tịch quy định là lấy ngày 1-1.

Bà Hạnh cho rằng: "Các quy định pháp luật về hộ tịch nêu trên đã có thời gian dài áp dụng trong thực tiễn, chưa phát sinh vướng mắc, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nội dung quy định về xác định độ tuổi của người chưa thành niên nên theo quy định chung".

Quốc hội xem xét luật quy định khởi tố, điều tra, truy tố riêng cho người chưa thành niênQuốc hội xem xét luật quy định khởi tố, điều tra, truy tố riêng cho người chưa thành niên

Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội bổ sung các quy định về tố tụng thân thiện trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đối với người chưa thành niên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên