Tác giả sách, nữ nhà văn Kim Yi Jeong, trò chuyện với Tuổi Trẻ.
Hoa sen và cây da dù theo tiếng gọi lương tri
* Tập truyện ngắn Hoa sen và cây da dù được ra đời như thế nào, thưa bà?
- Đầu năm 2017, tôi qua Việt Nam thuê một homestay để viết tiểu thuyết. Tình cờ một người bạn rủ tôi đi theo đoàn để thăm viếng, tưởng niệm các nạn nhân vô tội từng bị quân đội Rồng Xanh Hàn bức hại.
Khi tới khu tưởng niệm các nạn nhân tại Quảng Nam, tôi vô cùng sốc khi được nghe thấy mọi chuyện. Tôi gác dự định cũ, bắt tay vào viết tập truyện ngắn.
* Trước khi tới Việt Nam, bà chưa biết việc quân đội Hàn từng gây ra nhiều vụ thảm sát ở Việt Nam?
- Ở Hàn Quốc thì đây là một vấn đề mà Chính phủ chưa thừa nhận và chưa thông tin cho công chúng.
Vì tôi là nhà văn nên tôi đọc được một số tài liệu, các bài viết của bè bạn và từ đó biết một chút về các vụ thảm sát của quân đội Hàn tại Việt Nam. Nhưng tôi không nghĩ mức độ tàn khốc lại kinh khủng, nạn nhân nhiều đến vậy.
* Nhiều người đọc truyện ngắn Hoa sen và cây da dù của bà đều thừa nhận bối cảnh nông thôn, tính cách nhân vật, lời thoại, những chi tiết được bà kể đều rất thật. Cách nào để bà am hiểu rõ văn hóa Việt Nam như vậy?
- Trước đó, tôi đã qua Việt Nam một số lần. Khi viết truyện ngắn này, tôi sống trong nhà của một người Việt Nam và nghe họ kể nhiều về văn hóa.
Tôi cố tưởng tượng ra để thể hiện tác phẩm. Sau đó tôi nhờ bạn bè ở Việt Nam, đặc biệt là nhóm dịch thuật gồm 26 sinh viên Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, hỗ trợ để thể hiện các chi tiết sao cho thật gần gũi.
Trong Hoa sen và cây da dù có các nhân vật là những người mẹ gánh chịu khổ đau vì chiến tranh. Người Hàn Quốc cũng từng gánh chịu khổ đau rất nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên, tôi là người mẹ nên tôi viết trong sự thấu hiểu và đồng cảm đó.
Nói sự thật để cầu nguyện cho hòa bình
* Vì sao tiêu đề cuốn sách lại có tên là Hoa sen và cây da dù?
- Hoa sen và cây da dù là hai biểu tượng già nua và là nhân chứng lịch sử ở hai ngôi làng gồm Hà My, Phong Nhị - nơi xảy ra thảm sát.
Sau vụ thảm sát ở Hà My, tấm bia tưởng niệm các nạn nhân ở đó được vẽ một hình hoa sen màu máu ở phía sau. Sen cũng là loài cây có rất nhiều ở làng quê đó.
Còn ở làng Phong Nhị, dưới gốc cây da dù là nơi rất nhiều phụ nữ và người già đã nằm chồng chất lên nhau lúc lính Hàn xả súng giết hại. Cây da này hiện vẫn còn, là nhân chứng xuyên thời gian. Dưới gốc cây này hiện có đài tưởng niệm vụ thảm sát.
* Thông điệp bà muốn chuyển tải nhất khi viết cuốn sách là gì?
- Khi biết sự thật đau khổ và tàn khốc ở Việt Nam do quân đội Hàn gây ra, tôi đã rất sốc và luôn có cảm giác tội lỗi.
Tôi luôn ám ảnh và nặng nề tới mức không thể suy nghĩ bất cứ điều gì. Tôi có một người bạn Việt. Thay vì thù hận người Hàn như tôi, cô ấy lại rất hiền từ và đối xử tốt bụng, bao dung với tôi. Điều đó lại càng làm tôi day dứt.
Tôi viết cuốn sách và ghi chép lại mọi thứ nhằm công bố tại Hàn Quốc cho dư luận biết mức độ thảm khốc. Cuốn sách cũng được dịch ra tại Việt Nam.
Tôi là nhà văn, tôi có trách nhiệm nói ra và phổ biến sự thật. Đây là nén tâm nhang của tôi cho các nạn nhân vô tội, thay việc cúi đầu xin lỗi. Đó cũng là mục đích lớn nhất mà tôi muốn làm.
* Bà mong đợi điều gì nhất sau khi tác phẩm của mình đến tay công chúng Việt Nam?
- Những gì tôi viết đều là sự thật, được tôi thể hiện qua lăng kính của một nhà văn. Sự thật luôn rất quan trọng. Chúng ta có thể bắt đầu không phải căm thù mà bằng sự thật.
Nếu Chính phủ của chúng tôi thừa nhận sự thật thì chúng ta sẽ khởi đầu một tương lai tốt đẹp, hòa bình.
Tôi cũng hiểu là quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang rất tốt. Nhưng lịch sử cần được hiểu đúng, đủ để chúng ta ứng xử với nhau tử tế hơn, tránh những sai lầm như đã từng có.
Biểu tượng tại nơi khổ đau chồng chất
Hoa sen và cây da dù là tập truyện ngắn kể về nỗi khổ đau không gì bù đắp nổi của người dân làng Hà My và Phong Nhị (Điện Bàn, Quảng Nam) phải gánh chịu do lính Rồng Xanh Hàn Quốc gây ra trong lịch sử.
Sách gồm ba chương, diễn tả không gian bình yên vùng quê bỗng một ngày vô cớ bị lính đánh thuê dồn lại ở đám đất và bắn giết tàn bạo vì nghi là "che giấu cộng sản". Các nhân chứng sống sót trong các vụ thảm sát được tác giả lấy làm nguyên mẫu.
Theo nhà văn Kim Yi Jeong, ba chương trong truyện ngắn Hoa sen và cây da dù đã được in, xuất bản tại Hàn Quốc trong một cuốn sách trước đó.
Sách rất được công chúng Hàn Quốc đón nhận. Mong muốn tác phẩm lan tỏa hơn, tác giả đã nhờ nhóm biên dịch Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng chuyển ngữ và Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành từ đầu năm 2024 này.
Trước Hoa sen và cây da dù, nhà văn Kim Yi Jeong cũng đã có tiểu thuyết Thời gian của ma phát hành tại Việt Nam.
Tại Hàn Quốc, nhà văn Kim cũng xuất bản nhiều đầu sách và đoạt nhiều giải thưởng văn học lớn như Giải thưởng văn học Deasan...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận