18/11/2018 14:42 GMT+7

Văn chương Việt - Hàn và câu chuyện ‘ngón nghề’ phản ánh hiện thực

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhà văn nữ Hàn Quốc Eun Heekyung và nhà văn Đỗ Tiến Thụy vừa có cuộc gặp gỡ trao đổi cùng nhau và cùng bạn đọc TP.HCM tại Đường sách hôm 18-11 về câu chuyện văn chương hiện thực.

Văn chương Việt - Hàn và câu chuyện ‘ngón nghề’ phản ánh hiện thực - Ảnh 1.

Nhà văn Eun Heekyung (giữa) đang chia sẻ quan niệm văn chương tại buổi giao lưu cùng nhà văn Đỗ Tiến Thụy (phải) - Ảnh: L.Điền

Đây là một nội dung được Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc và Khoa Hàn Quốc học - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ thực hiện.

Hai nhà văn cách nhau một thế hệ so về tuổi đời, Eun Heekyung đã có 25 năm cầm bút mặc dù bà khởi đầu sự ngiệp văn chương khá muộn: ở tuổi 35. Tuy nhiên, điểm chung của hai nhà văn là trưởng thành trong thời hậu chiến của mỗi nước. 

Và "văn chương của cả hai đều trưởng thành cùng lúc với sự trưởng thành của châu Á về kinh tế xã hội", như lời ông Nguyễn Thành Nam - phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - nhận xét. Cùng với xu hướng "Hàn lưu" lan tràn sang các nước trong khu vực và châu lục, văn chương Hàn Quốc trong mấy năm trở lại đây được biết đến khá nhiều ở Việt Nam. 

Eun Heekyung được bạn đọc Việt Nam biết đến qua quyển Món quà từ cánh chim (Thiều Quang dịch), còn Đỗ Tiến Thụy năm rồi vừa ra mắt quyển Con chim Joong bay từ A đến Z. Nhưng cuộc trò chuyện văn chương không dừng lại ở hai tác phẩm có điểm chung là hình ảnh cánh chim. 

Eun Heekyung cho biết hiện nay công chúng Hàn Quốc đang đắm chìm trong văn hóa đại chúng là các loại hình nghe nhìn. "Trong khi văn chương có tác dụng làm cho người ta nhận thức được giá trị cuộc sống, làm người ta hạnh phúc hơn khi đắm mình vào cuộc sống".

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy chia sẻ đồng cảm với Eun Heekyung, ông tự nhận có theo dõi dòng văn học Hàn Quốc, đã đọc tác phẩm Món quà từ cánh chim, và nhận thấy ở tác giả Eun Heekyung một "bút pháp hiện thực giản dị mà sâu sắc". 

Văn chương Việt - Hàn và câu chuyện ‘ngón nghề’ phản ánh hiện thực - Ảnh 2.

Hai tác phẩm văn chương Việt Hàn do NXB Trẻ ấn hành đề cập tại buổi giao lưu - Ảnh: L.Điền

"Trước kia, tôi cứ hình dung đất nước Hàn Quốc nổi trội là tình yêu, nhưng khi đọc Eun Heekyung, tôi nhận ra hiện thực Hàn Quốc cũng rất khắc nghiệt", ông Thụy nhận định.

Về điểm này, Eun Heekyung cho biết đối với bạn đọc Hàn Quốc cũng có người không thích đọc những nỗi đau, tổn thương mà vốn họ đã đối diện ngoài đời. 

"Họ bảo đọc văn tôi rất mệt, có những bạn trẻ kháo nhau rằng khi yêu thì đừng đọc văn của Eun Heekyung, vì sẽ làm tan vỡ tình yêu. Trong khi cuộc sống thì không phải lúc nào cũng mang đến khả năng chọn lựa giữa tốt đẹp và khó khăn. Tôi chỉ muốn các bạn hiểu tình yêu đúng đắn hơn và đến với nhau bằng tình yêu đẹp đẽ hơn".

Đây cũng chính là chỗ gặp nhau với nhà văn Đỗ Tiến Thụy, ông từng chạm đến các vấn đề gai góc của xã hội Việt Nam đương đại: những mâu thuẫn quyền lực, các tệ tham nhũng, đấu đá nội bộ... và tâm niệm rằng: "Nếu sợ thì đừng viết, đã viết thì đừng sợ".

Và điều thú vị là khi động đến vấn đề phản ánh hiện thực trong văn chương, cả hai nhà văn đều có những quan niệm tích cực đầy thú vị. 

Eun Heekyung cho hay thông qua nhân vật là cô bé 12 tuổi trong Món quà từ cánh chim, cái nhìn của tác giả về xã hội được bộc lộ một cách khách quan. Có điều nhân vật ở tuổi đó nhưng tự cho mình biết hết mọi thứ không cần phải đợi đến tuổi trưởng thành đã gây thắc mắc cho bạn đọc. 

"Nhưng văn học là như vậy, đặc trưng của văn học là nó có thể làm đảo lộn mọi thứ và đặt ra bất kỳ câu hỏi gì, vấn đề gì. Và đây chính là sức mạnh của văn học", Eun Heekyung khẳng định.

Đồng ý với quan niệm về sức mạnh của văn học khi phản ánh hiện thực, nhà văn Đỗ Tiến Thụy cho rằng cái hiện thực trong văn chương có khác với hiện thực ngoài đời thực qua truyền thông báo chí. Tuy nhiên, để chạm đến cái sức mạnh ấy của văn học, người viết phải sáng tạo, "mỗi tác phẩm phải tạo ra một giá trị văn chương mới chứ không đơn thuần là viết về cái gì". 

Ở điểm này, ông Thụy có nhận xét trong những năm gần đây, đội ngũ những người viết trẻ của Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến thủ pháp văn chương, họ phản ánh hiện thực bằng những "ngón nghề" thực sự chứ không phải viết về thực tế đời sống một cách thật thà nữa.

Sự nỗ lực ấy, theo Eun Heekyung là rất cần thiết, bởi nếu không có khả năng tạo ra các giá trị văn chương mới, nhà văn rốt cuộc trở thành người ăn cắp ý tưởng của người khác mà thôi.

Con chim joong “chở” đầy chất sống Con chim joong “chở” đầy chất sống

TTO - Nhà văn Đỗ Tiến Thụy vừa từ Hà Nội vào TP.HCM gặp gỡ bạn đọc tại đường sách trong chương trình Trò chuyện văn chương sáng 25-11, xoay quanh tiểu thuyết của ông Con chim joong bay từ A đến Z.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên