25/11/2017 11:16 GMT+7

Tạ Minh Tâm: 'Hát để vui sống chứ không phải kiếm sống'

ĐỖ TRƯỜNG _ Q.N.
ĐỖ TRƯỜNG _ Q.N.

TTO - NSƯT Tạ Minh Tâm nói anh làm nghệ thuật cho thỏa khát khao, khi hoài niệm về tháng ngày tuổi trẻ chinh phục giấc mơ âm nhạc, trước thềm live show kỉ niệm 40 ca hát.

giai điệu tổ quốc - tạ minh tâm [official]

"Tôi cứ sống, cứ hát, cứ làm nghệ thuật cho thỏa khát khao, không trông mong nghệ thuật nuôi cuộc sống vật chất. Tôi tâm niệm, hát để vui sống chứ không phải kiếm sống". 

Tạ Minh Tâm: Hát để vui sống chứ không phải kiếm sống - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Tạ Minh Tâm hiện là Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM - Ảnh: HBSO

Tạ Minh Tâm cười sảng khoái khi được hỏi tâm thế của người đàn ông U60, vững vàng trong sự nghiệp âm nhạc 40 năm qua, anh đáp gọn lỏn hai từ "viên mãn". Ngược dòng thời gian, anh tâm sự cùng chúng tôi về hành trình sống để đạt sự viên mãn ấy.

* Live show mang tên "Tâm" có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Live show này, tôi muốn kỉ niệm 40 năm gắn bó với Nhạc viện TP.HCM, đánh dấu chặng đường 40 năm ca hát, 40 sống, học tập và việc tại đây. Và còn một lí do hơi riêng tư, tôi để dành chia sẻ cùng gia đình, bạn bè trong đêm nhạc. Đây là live show thứ tư của tôi.

Sau ngày 30-4-1975, phong trào văn nghệ quần chúng hoạt động sôi nổi, tôi cũng như mọi thanh niên thời đó tập tành ca hát. Những bài hát cách mạng hào hùng được phổ biến ngân nga khắp nơi đã đưa dắt tôi vào con đường ca hát.

Năm 1977 coi như bắt đầu sự nghiệp âm nhạc khi cậu bé Tâm từ quê nhà An Giang lên thành phố dự thi và đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc tại TP.HCM.

Ngày 25-11-1977, ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người đã giúp tôi trở thành sinh viên Nhạc viện. Tôi học trung cấp, đại học, cao học, cộng tác giảng dạy và giờ lãnh đạo cũng tại Nhạc viện. Nơi đây đã gắn bó hơn 2/3 đường đời đường nghề của tôi. Đó là lí do tôi làm live show Tâm đúng vào ngày 25-11.

* Ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" đã giúp anh đem về huy chương vàng đầu tiên, mở ra con đường ca hát. Sau này, anh có cơ hội gặp gỡ người sáng tác là nhạc sĩ Hoàng Hà?

- Với khả năng, trình độ non trẻ, tôi chưa thể hiện đạt chuẩn ca khúc Đất nước trọn niềm vui. Tôi tham gia cuộc thi hết sức ngây ngô, nhưng ca khúc này đã giúp tôi tiếp cận với âm nhạc.

Tôi có may mắn được gặp nhạc sĩ Hoàng Hà một lần trước khi ông mất (nhạc sĩ Hoàng Hà mất năm 2013 - PV) trong chuyến gặp mặt anh em nghệ sĩ tại Vũng Tàu. Hai anh em thầm cảm ơn nhau, một người ngưỡng mộ nhạc sĩ đã có sáng tác giúp anh ta được khán giả biết đến, và một người biết ơn ca sĩ đã đem ca khúc đến gần công chúng hơn. Nhạc sĩ Hoàng Hà là người dễ mến, đôn hậu.

* Nghe đâu cô giáo Mỹ An trong Nhạc viện đau đầu với cậu sinh Tạ Minh Tâm vì lối hát bản năng, văn nghệ quần chúng đã ăn sâu vào máu thịt cậu ấy? Làm sao từ giọng ca quần chúng vươn lên thành giọng ca đỉnh cao, thưa anh?

- Cô Mỹ An là cô giáo đầu tiên của tôi. Ngày đó tôi chưa có biểu hiện tố chất làm ca sĩ. Ngoài chất giọng tốt ra, tôi yếu mọi mặt: kiến thức âm nhạc, năng khiếu âm nhạc, trình diễn...Thời gian đó khó khăn vô cùng, cô Mỹ An phát chán tôi. Tôi lo lắng, cảm giác không thể theo nổi chương trình học.

Nhưng nhờ đánh giá thẳng thắn của cô, bản thân tôi nghị lực vươn lên. Tôi sợ quay về An Giang với hai bàn tay trắng. Viễn cảnh đó trở thành nỗi ám ảnh kinh khủng trong tôi. Tôi phải nỗ lực như người ta nỗ lực vượt qua cái chết vậy.

Hơn 2 năm sau, tôi vươn lên dẫn đầu khoa, trở thành sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc. Trên đà đó, tôi duy trì sức bật, gặt hái thành công ở các cuộc thi trong nước và quốc tế. Trong lịch sử Nhạc viện thành phố, Tạ Minh Tâm là sinh viên đặc biệt và duy nhất được đặc cách lấy kết quả từ cuộc thi quốc tế (Concours Tchaikovsky năm 1986 - PV) để xét tốt nghiệp.

Tạ Minh Tâm hát Đất nước trọn niềm vui 

* Khó khăn trong học tập, nghiên cứu âm nhạc anh đã vượt qua. Nhưng khó khăn trong cuộc sống vẫn còn đó. Anh đã làm từ bán cà phê, thuốc lá đến hướng dẫn viên du lịch…

- Lúc ấy, thị trường âm nhạc không sôi động, đời sống văn hóa chao đảo. Một ca sĩ chính quy, không "máu me" trong thị trường nhạc làm sao có việc.

Tôi làm đủ nghề để sống. Tôi thuê một chỗ nho nhỏ bán cà phê, vợ bán thuốc lá. Tôi còn làm hướng dẫn viên du lịch. Giai đoạn 1987-1990 dịch vụ lữ hành bắt đầu phát triển, mấy đứa lanh lợi hoạt bát, có chút ăn nói như tôi cũng kiếm đủ tiền để sống.

Năm năm trời, dường như tôi tách hẳn con đường ca hát. Thỉnh thoảng lễ lạt, Nhạc viện gọi tôi về biểu diễn. Tuy vậy tôi lo cuộc sống cứ khó khăn thế liệu mình có quay lại được con đường âm nhạc, có được sống với đam mê hay không. 

Việc ca hát bấy giờ không phải là nghề chính, thu nhập không đáng kể. Nhưng chỉ lo vậy thôi, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ nghề.

Chính vì bươn chải, lăn lộn đã cho tôi vốn liếng sống dày dạn, để tư duy ca khúc thêm phần sâu sắc. Tôi cứ sống, cứ hát, cứ làm nghệ thuật cho thỏa khát khao chứ không trông mong nghệ thuật nuôi cuộc sống vật chất. 

Tôi tâm niệm hát để vui sống chứ không phải kiếm sống. Rồi bất ngờ, cứ vô tư ca hát mà giờ đây chính âm nhạc đang nuôi sống tôi đấy!

Nghệ sĩ Tạ Minh Tâm

Có lẽ qua giai đoạn đó, cuộc sống tôi bớt khó khăn, mọi chuyện dần tốt. Cuộc sống hình thành tính cách, tạo nên con người Tạ Minh Tâm.

* Phải nói rằng, hai album "Tình ca đỏ" 1 và 2 đã khoác chiếc áo mới cho nhạc cách mạng. "Tình ca đỏ" thiệt mượt mà, dặt dìu, dễ chịu với công chúng! Kể từ đó, không thấy Tạ Minh Tâm có sản phẩm nào tiên phong như vậy?

- Tính tôi ngộ lắm và cũng là cái dở của tôi, tôi thích thì mới làm. Với Tình ca đỏ, tôi thấy đủ rồi. Đủ để mang một hơi thở mới cho nhạc đỏ. Đủ để trở thành bản lề cho lớp trẻ thay đổi cách thể hiện nhạc phẩm cách mạng về sau này.

Thực ra, tôi có thu nhiều bài đăng tải trên mạng, chứ không hứng thú làm album nữa.

* Anh nghĩ nhạc cách mạng ở vị trí nào trong dòng chảy đương đại?

- Nhạc cách mạng vẫn có chỗ đứng, mà đứng chắc chắn bền vững trong đời sống tinh thân công chúng. Nó không bao giờ lỗi thời. Chiến tranh đã lùi xa rồi, đâu phải lúc nào cũng hát nghêu ngao được, nhưng đúng dịp lễ lạt tưởng niệm là những nhạc phẩm ấy bật lên hào hùng. Bởi đây là những sáng tác rất thực, được viết trong bầu không khí, cảm xúc phải nói "một mất một còn" của người đương thời.

Tạ Minh Tâm: Hát để vui sống chứ không phải kiếm sống - Ảnh 5.

"Ngay cả khi thu nhập từ ca hát không đáng kể, tôi cũng không có suy nghĩ bỏ nghề" - Ảnh: HBSO

Ca sĩ trẻ ít hát nhạc cách mạng là do khó hát. Bởi người hát phải hội tụ nhiều yếu tố như kĩ thuật thanh nhạc, tư duy, cảm xúc ca từ, nền tảng lịch sử văn hóa cũng khả năng phân tích âm thanh để xử lý một ca khúc đạt chiều sâu. Người thể hiện phải có vốn sống, trải nghiệm, chịu khó tìm tòi đào sâu bài hát mới mong truyền tải thành công ca khúc cách mạng.

19h30 ngày 25-11, tại Nhạc viện TP.HCM sẽ diễn ra liveshow Tâm của NSƯT Tạ Minh Tâm. Đêm nhạc điểm lại những thành tựu ca hát của người nghệ sĩ bằng một số ca khúc đóng đinh tên tuổi anh.

Phần một là những bài hát Việt Nam như Tổ quốc gọi tên mình, Đất nước trọn niềm vui... Phần hai là những tác phẩm opera đỉnh cao của giọng nam cao (tenor) như La Donna È Mobile, Una Furtiva Lagrima

Trong đêm nhạc, tất cả nghệ sĩ hát mộc, không sử micro, với dàn nhạc giao hưởng gồm 60 nhạc công. Chỉ huy đêm nhạc là NSƯT Trần Vương Thạch. Đạo diễn chương trình là NSƯT Lê Thụy. Võ Thụy Ngọc Tuyền, Cho Hae Ryong, Phạm Thế Vĩ, Võ Hạ Trâm là khách mời đêm nhạc.

Tạ Minh Tâm và Tình ca đỏ 2 Tạ Minh Tâm và Tình ca đỏ 2

TT - Sau thành công của album Tình ca đỏ (4-2008), NSƯT Tạ Minh Tâm tiếp tục giới thiệu đến bạn yêu nhạc album Tình ca đỏ 2 (ảnh) như một lời tri ân đến khán thính giả và cũng để chào đón ngày lễ lớn kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

ĐỖ TRƯỜNG _ Q.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên