Động cơ của chiếc Su-25 thuộc không quân Nga bị bắn hạ tại Syria ngày 3-2 - Ảnh: AFP
Trong sự cố mới nhất, một cường kích Su-25 của Nga bị bắn hạ ngày 3-2 trong khi trách nhiệm vẫn còn bị đặt dấu chấm hỏi.
Sau cái chết của viên phi công chiếc cường kích Su-25, Nga đã cày nát nơi trú ẩn của phiến quân thuộc tổ chức khủng bố Ủy ban giải phóng Levant (Tharir al-Sham - tổ chức hợp nhất giữa Mặt trận Al-Nusra, phân nhánh Al Qaeda tại Syria và nhiều nhóm phiến quân khác) ở khu vực tỉnh Idlib (Syria) bằng vũ khí chính xác phóng đi từ tàu chiến trên Địa Trung Hải.
Nga trả đũa
Theo Bộ Quốc phòng Nga, dữ liệu chặn được từ các cuộc gọi radio cho thấy trên 30 phiến quân đã thiệt mạng sau đợt tấn công. Quân đội Nga không đề cập cụ thể loại vũ khí nào đã được sử dụng.
Trước đó, Nga xác nhận đã mất một chiếc cường kích Su-25 ở tỉnh Idlib - khu vực giảm leo thang quân sự theo thỏa thuận giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - khiến thiếu tá phi công Roman Philippov thiệt mạng. Một đoạn video xuất hiện trên mạng cho thấy phi công đã kịp nhảy dù khi máy bay rơi và đáp xuống khu vực thuộc kiểm soát của Mặt trận Al-Nusra.
Một video khác quay được cảnh chiếc Su-25 bay trên nền trời, tiếp theo, một quả tên lửa đối không được cho là phóng từ hệ thống phòng không vác vai (MANPAD) vụt thẳng theo hướng bay của nó. Người ta có thể nghe thấy rõ tiếng reo hò vang lên xung quanh người cầm camera khi quả tên lửa bắn trúng chiếc Su-25.
Đáng tiếc, viên phi công không tìm được nơi trú ẩn an toàn và thiệt mạng trong cuộc chạm trán với một nhóm phiến quân chưa xác định.
Dù tổ chức Tharir al-Sham đã lên tiếng nhận trách nhiệm, thông tin này chưa được xác thực. Trước đó, hình ảnh thi thể và các vũ khí cá nhân của thiếu tá Philippov được đăng lên mạng xã hội bởi nhóm Jaysh al-Nasr - một lực lượng có liên quan tới quân đội Syria tự do được Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ nhưng Nga thì chống.
Hiện trung tâm hòa giải Syria của Nga đang phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia chia sẻ trách nhiệm tại Idlib - để thu hồi thi thể viên phi công.
Những quốc gia là điểm xuất phát của các vũ khí chống lại quân nhân Nga đừng bao giờ tưởng hành động của họ sẽ không hứng chịu sự trừng phạt
Frants Klintsevich - phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng quốc phòng liên bang Nga
Màn đổ lỗi bắt đầu
Đây là lần thứ hai một chiếc cường kích Sukhoi của Nga bị bắn hạ kể từ lần chiếc Su-24M bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi vào ngày 24-11-2015.
Ngay sau sự cố Su-25, Bộ Quốc phòng Nga lập tức đổ trách nhiệm cho Mỹ vì đã cung cấp các loại khí tài tối tân cho các lực lượng đối lập tại Syria, dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ phải can thiệp quân sự vào khu vực miền bắc Syria.
Ông Frants Klintsevich - phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng quốc phòng liên bang Nga - nhấn mạnh sẽ điều tra chi tiết về loại MANPAD đã được sử dụng, khẳng định "có thông tin nó đã được tuồn vào Syria từ một quốc gia kế cận cách đây nhiều ngày".
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Mỹ phản bác "chưa bao giờ cung cấp tên lửa MANPAD cho bất kỳ nhóm nào tại Syria" và "cực kỳ quan ngại khi những loại vũ khí như vậy được sử dụng".
Trong khi đó, Lực lượng dân quân tự vệ người Kurd (YPG), phe do Mỹ ủng hộ nhưng lại đang đánh nhau với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tố cáo các nhóm khủng bố hoạt động ở tỉnh Idlib của Syria chỉ có thể nhận được sự ủng hộ từ... Ankara mới đủ khả năng bắn rơi máy bay Nga.
Ông Reizan Hedu - đại diện chính thức của YPG - khẳng định chính các nhóm khủng bố đó mới là kẻ đang chiến đấu chống lại quân chính phủ Syria do Nga bảo trợ. "Viên phi công Nga thiệt mạng trong tay đám khủng bố, những kẻ vốn cũng chịu trách nhiệm về cái chết của người Kurd" - ông Hedu tố cáo, đồng thời gửi lời chia buồn đến Nga vì sự hi sinh của người quân nhân.
Nga đưa quân vào Syria hỗ trợ chống khủng bố theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad - trên danh nghĩa vẫn là đại diện hợp pháp của Cộng hòa Ả Rập, kể từ năm 2015. Các cuộc không kích của Nga bị các nhóm đối lập Syria cáo buộc là nguyên nhân khiến hàng ngàn dân thường thiệt mạng trong 2 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận