04/01/2025 11:03 GMT+7

Sửa Luật Tổ chức Chính phủ: Đề xuất bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng

Tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất thiết kế theo hướng phân định và khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng.

Sửa Luật Tổ chức Chính phủ: Đề xuất bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng - Ảnh 1.

Một phiên họp của Chính phủ vào tháng 12-2024 - Ảnh: VGP

Bộ Nội vụ đang tiến hành xây dựng, lấy ý kiến về dự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Theo Bộ Nội vụ, việc xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được thực hiện trên quan điểm quán triệt các chủ trương của Đảng, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".

Phân định, khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng

Đáng chú ý, tại dự thảo luật đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nội vụ nêu rõ theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ chủ yếu tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ.

Tuy nhiên, qua rà soát 257 luật chuyên ngành, có 152/257 luật đang quy định nhiệm vụ và thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ được giao quyết định rất nhiều quyền hạn cụ thể.

Do đó, dự thảo luật đã thiết kế theo hướng phân định và khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ.

Cụ thể, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội; nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước; nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ.

Đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất để chuyển các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Thủ tướng Chính phủ sang cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, bảo đảm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ theo tinh thần đẩy mạnh phân cấp của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất bổ sung trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ tại dự luật.

Theo đó, bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là thành viên Chính phủ có trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, trường hợp cần thiết ủy quyền cho Phó thủ tướng thực hiện.

Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Bổ sung quy định việc Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.

Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ

Trong đánh giá tổng kết thi hành Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, Bộ Nội vụ nêu rõ việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, có mặt bất cập.

Đặc biệt, việc quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhiều vấn đề cụ thể; thiếu đồng bộ về thẩm quyền quyết định và các nguồn lực, điều kiện đảm bảo thực hiện.

Do vậy, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách và có vị trí, vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc sửa đổi luật nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ.

Đồng thời, thực hiện phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.

Dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm các thành viên khác của Chính phủ. Theo dự thảo tờ trình, Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ gồm Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Việc tách bạch nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Chính phủ, trong đó có các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ mà không để như luật hiện hành nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Cụ thể, họ với tư cách là thành viên Chính phủ cùng tập thể Chính phủ tham gia giải quyết nhiệm vụ của Chính phủ, chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.

Phân định rõ với trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Sửa Luật Tổ chức Chính phủ: Đề xuất bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng - Ảnh 3.Bộ Nội vụ đề xuất loạt chính sách đột phá thu hút, trọng dụng người tài năng, chuyên gia

Bộ Nội vụ đề xuất với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng được ưu tiên tuyển dụng theo hình thức xét tuyển công chức, viên chức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên