21/09/2022 15:43 GMT+7

Sửa Luật đất đai, cần xóa lãng phí đất hoang và chống đầu cơ

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Tại tọa đàm 'Góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực' do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 21-9, các chuyên gia, nhà làm luật đã chỉ ra những bất cập và hiến kế hoàn thiện luật này.

Sửa Luật đất đai, cần xóa lãng phí đất hoang và chống đầu cơ - Ảnh 1.

TS Trần Du Lịch cho rằng nhiều người hay so sánh giá nhà đất TP.HCM so với Tokyo, New York… nhưng quên rằng thu nhập quốc dân của các quốc gia này gấp mấy chục lần Việt Nam - Ảnh: NGỌC HIỂN

TS Trần Du Lịch cho rằng ai cũng nói đất là nguồn hữu hạn, nhưng việc sử dụng hiệu quả đất đang có 2 vấn đề lớn. Đó là tình trạng lãng phí đất hoang khi trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã chuyển đất nông nghiệp thành đất hoang, xây "đô thị ma" nhưng không ai ở, chỉ có các nhà đầu cơ ôm đất, mua đi bán lại.

Bên cạnh đó, từ việc đầu cơ này đã đẩy giá đất lên cao, tạo nên "cái gọi là giá đất thị trường" vượt sức chịu đựng của người dân, nền kinh tế và doanh nghiệp. 

"Tôi rất phản đối những người hay nói đem giá nhà đất TP.HCM so với Tokyo, New York… nhưng họ quên một điều thu nhập quốc dân của các quốc gia này gấp mấy chục lần nước ta", ông Lịch chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề giá thị trường đối với đất đai, TS Trần Du Lịch nói việc đi tìm giá thị trường chẳng khác nào "đi tìm lá diêu bông". Lấy ví dụ giá đất ở TP.HCM, ông cho rằng với một miếng đất, mật độ xây dựng, tầng cao bao nhiêu sẽ có giá khác nhau nhưng trong Luật đất đai lại chưa đề cập đến vấn đề này.

Đối với phương án đền bù với các trường hợp bị thu hồi đất, theo ông Lịch, cần phải xem lại và cần lưu ý bất cập hiện nay khi chúng ta phát triển theo kiểu người dân "trúng số" hoặc "xui xẻo" khi người mất đất thì thiệt hại, người sau lưng lại hưởng lợi.

"Đây là bài toán không thể nào chấp nhận được, tự nhiên ông mặt tiền lại thiệt hại, còn ông sau lưng lại "trúng số", những bất cập này luật chưa giải quyết được", ông Lịch phân tích.

Đối với đấu thầu dự án theo dự thảo luật, quan điểm của TS Trần Du Lịch là để đấu thầu thì dự án phải có diện tích trên 100ha, nhưng như với Thủ Thiêm đấu giá thất bại, muốn đấu thầu cũng không được vì diện tích quá nhỏ, dù đã có sự mở ra nhưng dự thảo luật vẫn còn những bất cập. 

Điều đó cho thấy việc làm luật hiện nay như "đan tấm lưới để bắt mọi cá", trong khi mỗi địa phương khác nhau nên việc xây dựng luật phải phân cấp, phân quyền cho địa phương, luật chỉ quy định những vấn đề chung của quốc gia theo nguyên tắc.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết liên quan đến giải phóng mặt bằng, TP.HCM đề xuất do đặc điểm khác các tỉnh thành, nên rút thời gian thông báo xuống còn 90 hoặc 60 ngày để thúc đẩy nhanh các khâu khác. Liên quan đến khung giá đất, TP đề nghị có cơ quan chuyên trách để thẩm định giá đất.

Đối với nguồn lực đất đai, ông Thắng cho rằng TP có nguồn lực đất đai của doanh nghiệp khi cổ phần và sau cổ phần hóa và TP đề nghị có phương án sử dụng đất cụ thể, nếu không có quy định thì nguồn lực đất đai đối với các doanh nghiệp sẽ tắc.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nêu quan điểm Luật đất đai gắn chặt với 7 luật khác nhưng đều gặp các vướng mắc, nếu sửa một luật mà không sửa các luật khác cũng sẽ còn các vướng mắc. Do đó, ông Khiết đề xuất các luật phải đồng bộ, tránh chồng chéo.

Người dân khổ sở vì quy hoạch treo

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tư (ngụ Hóc Môn) cho biết ông có nguyện vọng được xây ngôi nhà tạm để che mưa, che nắng trên khu đất bị vướng quy hoạch đã hơn 10 năm với 3 quy hoạch tại Hóc Môn.

Theo ông Tư, ông đã nghỉ hưu, sức khỏe giảm sút, muốn xin xây một cái nhà nho nhỏ để nuôi gà tại phần đất nông nghiệp nói trên nhưng chính quyền cho biết bị vướng quy hoạch, không được xây dựng.

Muốn làm chuồng gà, ông được hướng dẫn "phải làm dự án" trình lên chính quyền và phải đảm bảo vệ sinh môi trường. "Tôi mong chính quyền địa phương cho chúng tôi cất ngôi nhà tạm để cải thiện thu nhập. Khi chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ thì tôi sẽ phá dỡ ngay, không đòi hỏi bồi thường", ông Tư nói.

Đồng thời, ông Tư cũng cho hay khu đất đó vướng quy hoạch quá lâu và đề nghị các cấp chính quyền TP.HCM cần sớm tháo gỡ vấn đề vướng quy hoạch cho người dân.

Chủ tịch Quốc hội: Luật đất đai là luật khó, khi sửa phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân Chủ tịch Quốc hội: Luật đất đai là luật khó, khi sửa phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân

TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu sửa Luật đất đai phải bảo đảm quy định công khai minh bạch, cần có tiêu chí khách quan, thời điểm xác định giá, công bố giá đất... và cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, có phân tích, đo lường, dự báo.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên