06/07/2017 12:30 GMT+7

Sử Việt 12 khúc tráng ca sẽ hoàn hảo hơn nếu...

LÊ TIÊN LONG
LÊ TIÊN LONG

TTO - Nếu như không để rơi rớt một số sai sót như nhầm miếu hiệu vua Gia Long, đẩy danh tướng Lê Văn Duyệt sang phía Tây Sơn... thì cuốn sách lịch sử đang gây xôn xao giới độc giả sẽ hoàn hảo hơn.

Cuốn Sử Việt 12 khúc tráng ca

Một sự kiện ra mắt sách vừa gây một "cơn sốt" trong giới độc giả trẻ tại Hà Nội ngày 25-6 vừa qua, đó là cuốn Sử Việt 12 khúc tráng ca.

Đây là một sự kiện khá hiếm hoi, khi một cuốn sách về lịch sử được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt như vậy.

Càng đặc biệt hơn, tác giả lại là một người yêu lịch sử "tay ngang": kỹ sư xây dựng sinh năm 1988 Phan Trần Việt Dũng, bút danh Dũng Phan.

Thực ra, Dũng Phan đã là một cái tên thu hút rất nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội, khi anh là quản trị viên của một fanpage có tên gọi "The X File of History" trên Facebook có tới trên 120.000 người theo dõi với những bài viết khá đầy đủ và hấp dẫn về lịch sử.

Cuốn sách ra đời đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo "fan" của trang này cũng như của cá nhân Dũng Phan, cho nên việc nó được đặt trước tới "cháy hàng" cũng là điều dễ hiểu.

Đọc cuốn sách, có thể thấy được nỗ lực của tác giả trong việc kể lại những câu chuyện lịch sử một cách mạch lạc, hấp dẫn, từ đó khơi dậy niềm yêu thích lịch sử cũng như lòng tự hào dân tộc cho độc giả, nhất là độc giả trẻ.

Qua các trang sách, người đọc có thể có cái nhìn tổng thể về cuộc đời của các bậc anh hùng dân tộc như Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... cùng với những chiến công lừng lẫy của họ.

Mặc dù vậy, chính Dũng Phan chia sẻ cuốn sách được viết và hoàn thành rất gấp gáp, thậm chí việc đọc và sửa lỗi cũng chỉ được bạn anh làm cấp tập trong hai ngày đêm, do đó đã để sót nhiều lỗi cả về thông tin lẫn từ ngữ.

Điển hình như việc tác giả viết: "Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, tức Nguyễn Thái Tổ, niên hiệu Gia Long" (trang 255).

Ngoài vấn đề danh hiệu, vì khi đó Nguyễn Ánh mới xưng vương, phải đến năm 1806 mới xưng là hoàng đế, thì miếu hiệu Nguyễn Thái Tổ là một nhầm lẫn lớn.

Bởi vì sau khi vua Gia Long mất, triều thần mới đặt miếu hiệu của ông là Nguyễn Thế Tổ. Miếu hiệu "Thái Tổ" được vua Gia Long dành để suy tôn cho chúa Nguyễn Hoàng, tổ khai nghiệp ra các đời chúa Nguyễn, và lúc đương thời chỉ xưng là "Tiên vương" (Chúa Tiên).

Hay trang 252 có đoạn: "Võ Văn Dũng với Lê Văn Duyệt cũng định "vây Ngụy cứu triệu", khi dự định tấn công Phú Yên hòng đánh về Gia Định nhưng lại bị Nguyễn Văn Thành chặn lại".

Đọc câu này, đọc giả yêu lịch sử sẽ phải chững lại rồi ngẫm ra: Võ Văn Dũng là tướng của nhà Tây Sơn, Lê Văn Duyệt là tướng nhà Nguyễn, sao lại cùng nhau cầm quân đánh một tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Thành?

Ở đây, tên Trần Quang Diệu phải thay vào chỗ tên Lê Văn Duyệt mới đúng.

Hoặc có khi tác giả có lẽ không chú ý tính logic của vấn đề khi cho rằng năm 1558, Nguyễn Hoàng và các bề tôi thân tín của mình vào Nam và "sẽ phải nằm xuống ở nơi đất khách quê người và phải 250 năm sau, hậu duệ của họ mới có thể quay lại mảnh đất Thăng Long" (trang 208)...

Trong khi ngay trang sau, tác giả đã nhắc lại việc Nguyễn Hoàng đưa quân Bắc ra giúp vua Lê, chúa Trịnh trong suốt 8 năm, từ 1592 (trong sách ghi nhầm thành 1692) đến tận năm 1600 mới thật sự trở về Thuận Hóa lần cuối.

Cũng lỗi ghi sai năm, trang 95 có đoạn: "Sử sách viết: Năm 1422, Lý Huệ Tông không có con trai nên nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng.

Lý Chiêu Hoàng cưới Trần Cảnh. Đến năm 1425, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, nhà Trần từ đó thay nhà Lý".

Các sự kiện quả có đúng như sử chép, nhưng tác giả Dũng Phan chép lại đã sơ suất để sai tới...  200 năm.

Chính xác theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Lý Huệ Tông truyền ngôi cho Lý Chiêu Hoàng năm 1224, và sang năm 1225 thì Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh.

Sử Việt 12 khúc tráng ca
Sử Việt 12 khúc tráng ca

Thông thường, các sách sử rất cẩn thận trong việc sử dụng từ Hán - Việt, bởi độc giả dòng sách này luôn yêu cầu từ ngữ, chi tiết chính xác.

Tuy nhiên, có lẽ do người viết cũng như người soát bản thảo không phải là dân chuyên ngành, nên để lọt nhiều từ Hán - Việt dùng sai như "tựu chung" (trang 111 - phải viết tựu trung mới đúng), hay dùng lẫn lộn hai từ "sát nhập" và "sáp nhập" liên tiếp nhau (trang 257 - trong khi chỉ cách viết "sáp nhập" mới đúng chính tả hiện nay).

Theo thông tin được nhà xuất bản công bố cho báo chí, thì 5.000 bản in đầu tiên đã được bán hết. Hi vọng rằng những sai sót nêu trên sẽ được chỉnh sửa, bổ sung trong lần tái bản, để quyển sách có thể đến với bạn đọc hoàn chỉnh hơn.

LÊ TIÊN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên