24/02/2023 13:58 GMT+7

Sự thật ‘Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số ô tô’?

Phát biểu của ông Phan Đăng Tuất - chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) - mới đây gây nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng việc “Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số xe ô tô”.

Sự thật ‘Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số ô tô’? - Ảnh 1.

Một dây chuyền sản xuất, lắp ráp linh kiện ô tô tại Việt Nam - Ảnh: H.THANH

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, Tuổi Trẻ Online đã trực tiếp liên hệ với ông Phan Đăng Tuất và đại diện của Hiệp hội VASI thì được biết đây là một trong những nội dung ông Tuất phát biểu tại buổi họp báo về Triển lãm chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô (Automechanika 2023) diễn ra vài ngày trước.

Tại đây, ông Tuất đã đặt câu hỏi về việc “Việt Nam đã có ngành công nghiệp ô tô hay chưa?”. Để trả lời cho câu hỏi này, ông nêu quan điểm Việt Nam “vừa có, vừa chưa có ngành công nghiệp ô tô”.

Việt Nam đã có ngành công nghiệp ô tô chưa?

Giải thích, ông Tuất cho rằng khi đánh giá một nền công nghiệp ô tô thì sẽ dựa trên quy mô thị trường và năng lực sản xuất nội tại của thị trường. Thông thường theo các thống kê quốc tế, một thị trường tiêu thụ 500.000 xe/năm mới là thị trường ô tô hoàn hảo, kéo theo phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Còn hiện nay, "Việt Nam tiêu thụ khoảng 200.000 xe, chủ yếu nhập khẩu lắp ráp thì có gọi là ngành công nghiệp ô tô không? Vì để có nền công nghiệp ô tô cần phải có nền khoa học công nghệ kỹ thuật cơ bản, đến nền công nghiệp vật liệu, sản xuất ra thép hợp kim” - ông Tuất nêu vấn đề.

Dẫn chứng thêm, ông nói trên một chiếc xe ô tô hiện nay hơn 20.000 chi tiết linh kiện, dùng hơn 200 mã kim loại. Tuy nhiên, Việt Nam chưa chế tạo được một mã nào trong số đó, thì không thể gọi là công nghiệp ô tô.

Ông cho rằng đây là sự thật cần được thẳng thắn nhìn nhận và nhắc lại câu chuyện: “Có thời tôi hay nói mỉa mai rằng Việt Nam chỉ duy nhất làm được ốc vít để lắp biển số mà chỉ 6 tháng sau đã gỉ mất rồi”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào trưa 24-2, ông Tuất khẳng định quan điểm đã nêu tại hội thảo trước đó. Ông nói Việt Nam chưa có một ngành công nghiệp vật liệu cho sản xuất xe ô tô. Đây chính là điểm yếu khiến cho ngành sản xuất ô tô Việt Nam chưa thực sự có thế mạnh cạnh tranh do thiếu các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Thiếu công nghiệp vật liệu

Ông cũng nhìn nhận ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã có sự phát triển trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ để sản xuất, gia công nhiều sản phẩm, linh kiện đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó thâm nhập được vào chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp vật liệu, tức là nguyên liệu để sản xuất, chế tạo linh kiện cho xe tô tô của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Đặc biệt trong việc sản xuất thép hợp kim, nên dẫn tới hầu hết các nguyên liệu cao cấp để chế tạo, gia công và sản xuất linh kiện cho ô tô đều phải nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được.

Còn theo ông Ngô Thái Bình (chuyên gia cơ khí, chế tạo), vấn đề của chế tạo máy là công nghệ vật liệu, công nghệ gia công. Linh kiện làm ra vừa phải đáp ứng về mặt kỹ thuật, công nghệ, vừa phải đảm bảo tính cạnh tranh.

Trong khi giai đoạn hiện nay, quy mô thị trường ngành ô tô không lớn, lại có quá nhiều mẫu xe, nên ông Bình cho rằng sẽ gần như không đủ sản lượng kinh tế cho bất kỳ linh kiện nào. Trong khi đó, nền công nghiệp chế tạo ở Việt Nam lại đang thiếu những nền tảng cơ bản khi không làm được vật liệu, không chế tạo được máy móc. Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chuỗi cung ứng phụ thuộc vào nước ngoài.

"Nói không làm được gì là không phù hợp"

Ông Nguyễn Chỉ Sáng - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng mặc dù trong chừng mực hiện nay, ngành công nghiệp luyện kim, công nghiệp vật liệu của Việt Nam có hạn chế. Tuy nhiên, không đến mức Việt Nam không chế tạo, sản xuất được sản phẩm nào. 

Ông cũng nêu quan điểm là không cần thiết khi phát triển ngành công nghiệp ô tô, là cần phải có ngành công nghiệp vật liệu hay có ngành công nghiệp luyện thép để có tất cả các mác thép. Quan trọng khi sản xuất ô tô đó là làm chủ công nghệ để chế tạo sản xuất linh kiện, phụ tùng, thiết bị cho ô tô, tức là chỉ cần có ngành công nghiệp phụ trợ, do hiện nay đã có sự phân công trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất. 

“Trong sản xuất chế tạo ô tô, không có một đất nước nào sản xuất từ A đến Z cả. Quan điểm là phải làm được tất cả là không đúng, có thể mua linh kiện để gia công, lắp ráp. Ví dụ Viện nghiên cứu cơ khí của ta đã làm được bộ Jig hàn (hệ thống đồ gá hàn, rô bốt, khí nén và điều khiển). 

Bộ ấy không đất nước nào có ý định chuyển giao cả, họ giấu kín vì đó là công nghệ cao, không có công nghệ này sẽ không thể tạo ra mẫu mã xe mới. Nhưng ở Việt Nam đã làm được rồi và đã cung cấp cho Vinfast để xuất khẩu đi Mỹ. Hay với Thaco họ đã có máy dập lớn dập luôn thân vỏ, hàn thân vỏ ô tô, đó là những công nghệ hiện đại. Vì vậy nếu nói không làm được gì cũng là không phù hợp” - ông Sáng nêu quan điểm.

Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ - Kỳ 2: Chỉ làm được ốc vít, bao bì… là chính?Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ - Kỳ 2: Chỉ làm được ốc vít, bao bì… là chính?

TTO - Ngoài một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, đa số doanh nghiệp Việt vẫn quanh quẩn giải bài toán khó: vốn, đầu ra, tuân thủ được yêu cầu của chuỗi liên tục cao hơn mà vẫn có lời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên