13/02/2023 08:04 GMT+7

SpaceX ngăn Ukraine tấn công Nga?

Tỉ phú Elon Musk trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi Công ty hàng không vũ trụ SpaceX của ông tuyên bố không để dịch vụ Internet Starlink tại Ukraine bị dùng cho mục đích chiến tranh.

Binh sĩ Ukraine ngắt kết nối một trạm phát sóng Starlink - Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Ukraine ngắt kết nối một trạm phát sóng Starlink - Ảnh: REUTERS

Các thiết bị Starlink đã có vai trò rất quan trọng với quân đội Ukraine, nhất là từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cách đây gần tròn một năm, ngày 24-2-2022. Do đó, động thái mới nhất của SpaceX được cho sẽ làm thay đổi cục diện xung đột Nga - Ukraine.

SpaceX phải "chọn phe"

Vài ngày sau khi Nga tuyên bố chiến dịch nói trên, ông Elon Musk đã gửi hơn 5.000 thiết bị phát sóng Starlink tới Ukraine. Các thiết bị này giúp Ukraine đảm bảo kết nối Internet, thay cho các trạm phát sóng dưới mặt đất vốn dễ tổn thương hơn trong xung đột.

Nhờ Starlink, quân đội Ukraine có thể duy trì liên lạc trên chiến trường, trong khi người dân có mạng Internet tại nhà, bệnh viện, trường học... Nói cách khác, SpaceX hay cá nhân tỉ phú Musk trở thành nhân tố then chốt trong xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, SpaceX mới đây đã vạch rõ ranh giới giữa mục đích dân sự và quân sự. Trong phát biểu hôm 8-2, Giám đốc vận hành Gwynne Shotwell của SpaceX xác nhận đã ngăn quân đội Ukraine sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh của họ cho mục đích điều khiển máy bay không người lái (drone).

"Starlink chưa bao giờ muốn bị vũ khí hóa, nhưng người Ukraine đã đẩy nó lên theo cách không mong muốn và không có trong bất cứ thỏa thuận nào... Chúng tôi biết quân đội Ukraine dùng nó vào việc liên lạc và điều đó ổn thôi. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ có ý định để nó được dùng cho các mục đích tấn công", bà Shotwell nói trong hội nghị của Cục Hàng không Liên bang Mỹ.

Quyết định của SpaceX lập tức bị giới quan chức Ukraine phản ứng mạnh, họ cho rằng lúc này ông Musk phải chọn phe. 

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, viết trên Twitter: "Một năm kháng cự của Ukraine và các công ty phải quyết định: liệu họ có sát cánh với Ukraine và lẽ phải vì tự do, không tìm cách gây hại, hay là họ cùng phe với Nga và cái quyền được giết chóc, chiếm đất".

Phù hợp với mong muốn của Mỹ?

Trong suốt những ngày qua, ông Musk bị những người ủng hộ Ukraine chỉ trích gay gắt. Một số cho rằng ông đang giúp Nga và không tạo điều kiện cho quân đội Ukraine chiến đấu bảo vệ lãnh thổ. Các bản tin liên quan vấn đề này cũng nhắc lại một đề xuất hòa bình gây tranh cãi của ông Musk vào tháng 10 năm ngoái, hay việc SpaceX từng nhấn nhá việc ngưng cấp dịch vụ Internet cho Ukraine vì tổn thất tài chính.

Tuy nhiên, có khả năng câu chuyện không đơn giản như vậy. Cần nhớ rằng trong tháng 3-2022, tức chỉ vài tuần sau khi Nga khởi động chiến dịch tại Ukraine, truyền thông Anh đã đưa tin về việc quân đội Ukraine dùng Starlink cho các cuộc tấn công bằng drone, tức dùng cho mục đích quân sự.

Theo Telegraph, đơn vị trinh sát trên không Aerorozvidka đã dùng Starlink để giám sát và điều phối drone, tận dụng tốc độ dữ liệu cao để có thông tin liên lạc ổn định cho việc tấn công chính xác. Một sĩ quan Aerorozvidka nói với tờ Times: "Chúng tôi dùng thiết bị Starlink và kết nối đội drone với pháo binh".

Nói cách khác, chưa ai lý giải vì sao tại thời điểm này SpaceX mới đưa ra tuyên bố hạn chế việc sử dụng Starlink để điều khiển drone của quân đội Ukraine.

Vì thế một số luồng ý kiến cho rằng có thể động thái của SpaceX liên quan tới lo ngại về khả năng Ukraine dùng drone cho các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga. Đây là kịch bản Mỹ và phương Tây không mong muốn, nhưng lại đang là điểm nóng trong tình hình Ukraine.

Hồi tháng 12-2022, lo ngại về việc này gia tăng sau khi căn cứ Engels nằm sâu trong lãnh thổ Nga bị tấn công. Ngày 13-1, tờ Kyiv Independent cho biết công ty quốc phòng Ukraine Ukroboronprom đã công bố việc hoàn tất thử nghiệm drone tầm xa mới. Trong tháng 1, ông Musk cũng từng viết trên Twitter rằng "chúng tôi không cho phép Starlink bị dùng cho các cuộc tấn công tầm xa bằng drone".

Cho đến nay chính quyền Tổng thống Zelensky tuyên bố sẽ không dùng "vũ khí phương Tây" để tấn công lãnh thổ Nga. Điều này có nghĩa Ukraine có thể dùng vũ khí của nước khác hoặc tự sản xuất để hành động.

Hôm 6-2, thư ký Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov nói với CNN: "Về lãnh thổ Nga, không ai cấm chúng tôi phá hủy các mục tiêu bằng vũ khí sản xuất tại Ukraine. Liệu chúng tôi có các loại vũ khí như vậy hay không? Vâng, chúng tôi có".

Nga khởi động cuộc tấn công mới ở miền đông Ukraine

Cuối tuần qua, tên lửa Nga đã tấn công các cơ sở hạ tầng điện trên khắp Ukraine. Các quan chức Ukraine cho biết đợt tấn công mới của Nga mà họ dự đoán vài tuần gần đây đã bắt đầu tại miền đông Ukraine.

Trong khi đó hôm 12-2, ông Yevgeny Prigozhin, nhà sáng lập công ty lính đánh thuê Wagner Group, nói lực lượng này đã kiểm soát ngôi làng Krasna Hora, phía bắc thành phố Bakhmut được cho có vị trí chiến lược tại vùng Donetsk, miền đông Ukraine.

Tướng Ukraine: Nga tổ chức 50 cuộc tấn công mỗi ngày ở DonetskTướng Ukraine: Nga tổ chức 50 cuộc tấn công mỗi ngày ở Donetsk

Tướng Valeriy Zaluzhnyi, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, cho biết Nga thực hiện khoảng 50 cuộc tấn công mỗi ngày ở Donetsk, một khu vực ở phía đông nam Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên