15/11/2022 08:12 GMT+7

Sốt ruột với dự án làng đại học kéo dài 25 năm

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Làng đại học Đà Nẵng được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 1997 với tổng diện tích 300ha, nằm ở khu vực giáp ranh hai địa phương là Quảng Nam và Đà Nẵng.

Sốt ruột với dự án làng đại học kéo dài 25 năm - Ảnh 1.

Người dân tận dụng diện tích đất trong vùng dự án để trồng trọt - Ảnh: Đ.C.

Đã 25 năm nhưng dự án này vẫn vướng mặt bằng và vốn. Hệ lụy là cuộc sống của người dân trong vùng dự án vô cùng khổ sở.

Dự án "treo" lịch sử

Xung quanh dự án Làng đại học Đà Nẵng hiện có nhiều ngôi nhà đã xập xệ, xuống cấp, cây cỏ dại mọc um tùm. Bà Lê Thị Anh (trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đang tận dụng đám đất đã giải tỏa tại đây để trồng mớ rau để trang trải thêm cuộc sống. 

"Nhiều năm qua, người dân ở trong vùng dự án này trần ai khổ sở. Xây nhà cửa hay mua bán chi cũng không được, nên cứ phải ở trong cảnh tạm bợ" - bà Anh cho biết.

Ở phía tỉnh Quảng Nam, nhiều người dân cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong báo cáo mới đây của UBND tỉnh Quảng Nam, dự án này có khoảng 110ha thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và 190ha thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Hiện dự án mới chỉ triển khai được một phần thuộc địa phận Đà Nẵng.

Tại Quảng Nam, đến nay mới chỉ triển khai 1,02ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng thuộc diện bị giải tỏa trắng, các hộ bị ảnh hưởng khác chưa được bồi thường và chưa có kế hoạch di dời. Dự án "treo" mãi nên ngần ấy thời gian hạ tầng không được đầu tư, sửa chữa gì từ điện, đường, trường, trạm.

Phía người dân cũng đã mất 25 năm không được thực hiện việc lập hộ mới, tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích đất... và không được phép xây dựng, cải tạo nhà cửa. Chỉ khi Luật xây dựng năm 2013 có hiệu lực, các hộ dân trong khu vực mới được cấp phép xây dựng có thời hạn trong phạm vi đất thuộc dự án.

"Dự án đã trải qua 25 năm nhưng vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, các quyền lợi về đất đai, xây dựng nhà cửa của nhân dân... Qua kiểm tra, rà soát thì dự án phần lớn ảnh hưởng đến đất ở và nhà ở của nhân dân (tỉ lệ đất ở bị ảnh hưởng chiếm khoảng 41% tổng diện tích đất dự án) dẫn đến chi phí bồi thường tăng cao và rất khó khăn, phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư" - UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

Cần gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương ủng hộ việc tiếp tục triển khai dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, bộ ngành trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu.

Trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2023 - 2025. Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50ha.

Phần diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để tỉnh lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ người dân, đồng thời hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ Làng đại học Đà Nẵng.

Phía Đại học Đà Nẵng cho biết cũng đã kiến nghị bộ, ngành trung ương bố trí vốn, đồng thời mong muốn Đà Nẵng và Quảng Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư để dự án được triển khai đúng tiến độ. Dù chưa hoàn thiện nhưng hiện có ba đơn vị sinh hoạt trong Làng đại học Đà Nẵng gồm Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn, Trung tâm giáo dục quốc phòng, Khoa y dược.

Đà Nẵng tự giải quyết bằng kinh phí địa phương

Đây là chia sẻ của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi tháng 3-2022. Đà Nẵng xem các vấn đề liên quan đến dự án Làng đại học Đà Nẵng cũng là vấn đề chung của thành phố. Vì thế, đã thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư.

Theo UBND TP Đà Nẵng, với tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự án tại thành phố này, năm 2017 đã bàn giao 38,6ha. Diện tích còn lại là 71,4ha thì đã giải phóng mặt bằng được trên 40ha, phần còn lại đang được tiếp tục thực hiện.

Quy hoạch cứ quy hoạch nhưng đừng Quy hoạch cứ quy hoạch nhưng đừng 'treo' quyền lợi của dân

TTO - 'Quy hoạch chúng ta vẫn phải quy hoạch nhưng quyền lợi của người dân vẫn cần được quan tâm. Khi đó quy hoạch sẽ nhận được sự đồng thuận hơn của dân' - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) chia sẻ tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên