Phóng to |
Đi bộ tấp nập trên vỉa hè phố Queen - Ảnh: L.T.M.N. |
Kỳ 1: Những lớp tiếng Anh “thập cẩm” Kỳ 2: Học và trải nghiệm
Phố Queen chạy dài từ bến cảng (Quay Street) đến phố K, tức phố Karangahape mà dân địa phương hay gọi tắt là K’Road vì cái tên quá dài. Phố Queen có thể xem như trung tâm của trung tâm Auckland. Tất cả mọi thứ ở Auckland gần như được nén vào nó khiến nó càng thêm chật chội, thậm chí xô bồ. Người đi bộ lúc nào cũng tấp nập, đặc biệt là đêm xả hơi thứ sáu hằng tuần.
Mặt tiền Auckland
Phố Queen chỉ dài khoảng 3km nhưng không biết cơ man nào là shop (quán ăn, nhà hàng, nhà sách, hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm...), rồi ngân hàng, trường học, rạp chiếu phim, nhà hát nối nhau từ đầu đến cuối phố. Không đủ đất mặt tiền, người ta mở shop dưới hầm và trên các tầng lầu. Đó là chưa kể hàng loạt shop ở các con phố ngang dọc ăn theo phố Queen. Hoàn toàn không có nhà dân vì từng mét mặt bằng ở đây đều được tận dụng tối đa để chào mời khách mua sắm, ăn uống, tất nhiên cả thưởng thức nghệ thuật. Đương nhiên đông khách từ nhiều nước đến thì điều đầu tiên họ cần là đổi tiền.
Lấp sông, lấn biển Theo ông Michael Rovers, thầy giáo dạy tiếng Anh ở Đại học AUT và là cư dân lâu năm ở Auckland, ngày xưa phố Queen chỉ là một con đường nhỏ. Nó đã được mở rộng ra nhiều lần để trở thành trục phố chính như ngày nay. Người ta đã đào đất từ nơi khác đến lấn một phần biển ở đầu phố Queen và lấp một con sông nhỏ ở đoạn ngã tư phố Queen và phố Victoria (một phố mang tước hiệu, còn một phố mang tên nữ hoàng Anh). |
Có ngay! Vô cùng tiện lợi! Cứ vài chục mét có một quầy đổi tiền chiếm mặt tiền chỉ 1-2m thôi, có niêm yết tỉ giá hẳn hoi nhưng khác nhau và thay đổi đến chóng mặt. Mỗi quầy một tỉ giá dù chênh lệch không bao nhiêu. Thế nhưng không ít người mất thời gian khảo sát tới lui cả chục quầy rồi mới quyết định nên đổi tiền ở quầy nào cho được giá.
Bạn có thể mua từng cây kim sợi chỉ ở các cửa hiệu tạp phẩm nhỏ, chiếm mặt tiền rất khiêm tốn. Bạn có thể mua sách hay văn phòng phẩm ở nhà sách Whitcoulls chiếm vị trí hoành tráng ở ngã tư phố Queen và Victoria. Bạn cũng có thể mua thuốc tây hay thực phẩm chức năng ở hiệu thuốc Unichem với bảng hiệu xanh nước biển đặc trưng. Điều khá bất ngờ đối với nhiều du khách là có những cửa hiệu mặt tiền vừa phải nhưng càng vào bên trong càng nở hậu. Có hẳn một siêu thị Metro New World mà cửa ra vào chỉ có vài mét nhưng bên trong bày bán đủ loại hàng hóa, phần mặt tiền còn lại trước đây là ngân hàng nay đang được rao cho thuê mặt bằng.
Phố Queen nhộn nhịp và dày đặc cửa hàng, cửa hiệu mua bán đủ thứ nhưng người ta vẫn ráng chừa cho nó một quảng trường nhỏ đối diện Đại học AUT. Bên trái quảng trường là rạp chiếu phim Event đang chiếu những bộ phim bom tấn của Hollywood. Rạp chiếu phim nằm chung cụm với nhà hát Civic được xây dựng từ đầu thế kỷ trước. Bên phải quảng trường là tòa thị chính thành phố Auckland được thiết kế theo phong cách kiến trúc châu Âu. Mặt tiền cổ kính và chạm trổ rất tinh xảo.
Đi qua tòa thị chính về hướng cuối phố Queen, nhiều người hơi ngán vì phải leo dốc khá cao mặc dù chưa ăn thua gì so với dốc phố Liverpool gần đó. Auckland ngày xưa là vùng đồi núi nên nhà cửa, phố xá bây giờ cũng nhấp nhô theo địa hình phố núi giông giống Đà Lạt. Để người đi bộ có thể nghỉ ngơi, thở dốc, người ta đặt nhiều dãy ghế gỗ cứng chịu được mưa nắng hai bên vỉa hè. Leo dốc xong mà ngồi ngắm toàn cảnh công viên Myers ở cuối phố Queen quả là thư giãn thật bởi dù mùa đông cỏ công viên vẫn xanh mướt. Trong khi đó, phía đối diện công viên Myers ngày càng mọc lên nhiều quán ăn bình dân chuyên bán món ăn Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trông giống như một khu phố ẩm thực châu Á.
Phóng to |
Một đoạn phố Queen, nơi có nhà hát Civic bên phải và Ngân hàng ASB bên trái - Ảnh: L.T.M.N. |
Mọi ngả đường đều về phố Queen
Khách sang hèn ngược xuôi phố Queen chẳng ai để ý ai nhưng thỉnh thoảng cũng có người dừng lại bỏ vài đồng xu vào những chiếc mũ của người ăn xin ngồi co ro bên vỉa hè. Hành khất ở đây thường là dân nhập cư da màu. Trong khi đó những người hát rong thường là dân da trắng. Nhiều du khách vẫn cứ nghĩ người hát rong (busker) cũng như người ăn xin (beggar) vì đều ngả mũ nhận tiền khách qua đường, nhưng ở đây họ tôn trọng busker hơn beggar. Busker rõ ràng là có làm việc, còn beggar chỉ ngồi chờ bố thí.
Ngày nào các busker cũng đổ ra phố Queen làm náo nhiệt trung tâm thành phố. Tôi tình cờ đọc được câu chuyện về anh chàng hát rong trên nội san của sinh viên báo chí Đại học AUT. Daniel White mới 21 tuổi chuyển từ thủ đô Wellington về đây, theo lời anh tâm sự, không phải vì ở thủ đô vừa bị động đất mà vì bạn gái anh đang theo học đại học ở Auckland. Với cây đàn guitar điện, anh biểu diễn trên đường phố kiếm được mỗi ngày vài chục đến vài trăm NZD. Một khoản thu nhập không phải ít, thậm chí hơn cả sinh viên làm ngoài giờ.
Những ngày cuối tuần thường có những nhóm vũ công xuất hiện trên đường phố trình diễn và quyên góp cho các hoạt động từ thiện. Đường phố như lễ hội. Rất hiếm có tiếng còi xe mặc dù xe cộ ngược xuôi như mắc cửi. Xe buýt chạy liên tục trên phần đường sát lề rất đúng giờ và rất an toàn. Bạn có thể đón xe buýt từ đây đi khắp mọi nơi trong thành phố hoặc đi các thành phố lân cận. Xe buýt từ các nơi về Auckland cũng đi qua đây. Khách nước ngoài nếu biết đường ra phố Queen coi như không bao giờ bị lạc. Có người sống ở ngoại ô Auckland mấy mươi năm mà mỗi khi vào trung tâm vẫn phải định hướng bằng cách đảo một vòng qua phố Queen.
Người ta bảo phố Queen là mặt tiền hay là trung tâm của trung tâm Auckland hoàn toàn không ngoa. Chỉ cách đầu phố này vài bước chân là nhà ga trung tâm thành phố. Nhà ga sạch sẽ, hiện đại như khách sạn và có lịch trình các chuyến tàu đến cũng như đi chính xác đến từng phút. Cách nhà ga không xa là con đường lớn chạy qua đầu phố Queen đi thẳng lên Mission Bay (điểm du lịch nổi tiếng ở Auckland). Con đường chạy dọc bờ biển được đặt tên theo đúng chức năng của nó là đường Bến Cảng. Hai bên đường phấp phới màu trắng của những cánh thuyền buồm. Khoảng 65% cư dân Auckland có thuyền buồm để dạo chơi, nghỉ ngơi trên biển vào những ngày cuối tuần. Người ta gọi Auckland là thành phố cánh buồm là vì thế.
______________
(*) Hiện nay nữ hoàng Anh trên danh nghĩa vẫn là nguyên thủ quốc gia NZ mặc dù NZ đã hoàn toàn độc lập từ lâu. Phần lớn người da trắng ở NZ có nguồn gốc từ nước Anh nên họ vẫn giữ mối liên hệ truyền thống với nước Anh và NZ hiện vẫn thuộc Khối liên hiệp Anh.
Kỳ tới: Tìm quán ăn Việt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận