14/05/2018 14:04 GMT+7

Sóng ngầm ở cuộc gặp Trump - Kim Jong Un

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Tín hiệu lạc quan trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un xuất hiện tới tấp. Nhưng người liên quan và đứng ngoài cuộc lại không ngồi yên.

Sóng ngầm ở cuộc gặp Trump - Kim Jong Un - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại một buổi nói chuyện về chương trình hạt nhân - Ảnh: REUTERS

Với việc Triều Tiên công bố thời hạn tháo dỡ bãi thử hạt nhân của nước này, người ta có quyền cảm nhận rằng mối quan hệ của Triều Tiên với phần còn lại đang tốt lên từng ngày, và sự kiện gặp gỡ Trump - Kim sẽ là đỉnh cao của khung cảnh hòa bình tuyệt đối. Nhưng chưa chắc.

Mỹ - Triều xích lại nhau

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 12-5 dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết nước này sẽ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri từ ngày 23 đến 25-5.

Đáp lại, tổng thống Mỹ trong một dòng trạng thái trên Twitter chiều 12-5 (giờ Mỹ) đã ca ngợi hành động trên. "Triều Tiên đã tuyên bố họ sẽ tháo dỡ khu vực thử nghiệm hạt nhân vào tháng này, trước cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12-6. Cảm ơn, một cử chỉ rất thông minh và tử tế!" - ông viết.

Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng nêu chi tiết về việc phá hủy bãi thử trên, bao gồm cho phát nổ các hầm chứa, khóa lối vào, tháo các cơ sở quan sát, công trình phục vụ nghiên cứu, an ninh... Rõ ràng, đó là một thông điệp cho thấy Triều Tiên nghiêm túc với lời hứa của mình ngay trước cuộc gặp quan trọng giữa ông Kim Jong Un với ông Trump. Những cử chỉ thiện chí này cũng được thể hiện qua việc Triều Tiên chấp nhận thả 3 tù nhân Mỹ ngay trước đó.

Câu chuyện Triều Tiên cũng tạo những hiệu ứng tốt đẹp, đầy hứa hẹn cho ông Trump tại quê hương. Đài CNN dẫn khảo sát mới đây cho thấy ngay cả những người Mỹ không ủng hộ ông Trump cũng tỏ ra thỏa mãn với những gì tổng thống của họ đang làm. Có tới 62% người Mỹ vốn không ủng hộ ông Trump, nói rằng họ thực tế tán thành quyết định của tổng thống về việc đàm phán với ông Kim Jong Un.

Câu chuyện giữa Mỹ và Triều Tiên nhiều ngày nay cứ thế, diễn ra theo dạng bên này nới một chút, đầu dây bên kia lại buông lỏng một chút phần nào cũng phản ánh thái độ hòa nhã bên ngoài.

Nhật - Hàn sợ mất phần

Những người yêu hòa bình nói chung có thể tưởng tượng một viễn cảnh tốt đẹp, nhưng người trong cuộc thì không. Trong khi dư luận quốc tế có phần lạc quan, bản thân các nước liên đới như Nhật Bản và Hàn Quốc lại sợ... mất phần.

Hạnh phúc là tấm chăn hẹp, người này ấm kẻ kia ắt chịu lạnh. Nhật Bản đến nay vẫn chưa có tín hiệu gì cho thấy lãnh đạo của họ sẽ gặp ông Kim Jong Un để bàn về những vấn đề Tokyo quan tâm. Khi người Mỹ đón 3 công dân từ Triều Tiên, người Nhật thắc mắc về số phận của các công dân Nhật ở Triều Tiên. Vậy là một cuộc khẩu chiến lại diễn ra.

KCNA ngày 13-5 vì vậy lao vào cuộc công kích Nhật Bản xung quanh việc Tokyo yêu cầu việc trả lại công dân người Nhật phải được đặt làm điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ. KCNA cho rằng Nhật đang "đi ngược xu hướng" về việc "xây dựng một tương lai tươi sáng" cho hòa bình khu vực: "Phản ứng của Nhật Bản đang thổi phồng "vấn đề bắt cóc" vốn dĩ đã được giải quyết. Đó là hành động ích kỷ và ngu ngốc đi ngược lại chiều hướng hòa bình ở bán đảo Triều Tiên".

Câu chuyện tương tự diễn ra ở Hàn Quốc. Bất chấp ở cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae In và lãnh đạo Kim Jong Un trước đó, hai bên đã thống nhất chấm dứt chiến tranh, người Hàn vẫn mong muốn được hồi hương hàng trăm công dân của mình từ Triều Tiên. Bộ Thống nhất Hàn Quốc năm 2014 ước tính ít nhất 516 người Hàn Quốc vẫn còn bị giữ ở Triều Tiên, theo Yonhap.

Việc tồn đọng lấn cấn như vậy cũng là lý do giải thích tại sao truyền thông Hàn Quốc và các phe đối lập vẫn chưa im lặng về Triều Tiên. Hãng Yonhap đặt vấn đề rằng chỉ phóng viên ở 5 nước gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Nga được đưa tin về sự kiện tháo dỡ bãi thử hạt nhân nêu trên, mà không nhắc tới việc đưa các chuyên gia thẩm định tới quan sát.

Chưa hết, bản thân ông Trump cũng không thoải mái tập trung 100%. Dư luận trong nước vẫn lời ra tiếng vào khi ông Trump lạc quan về cuộc gặp ông Kim, trong lúc hủy cam kết thỏa thuận hạt nhân Iran.

Bỏ bãi thử chỉ… cho vui?

Tờ Financial Times trong khi đó dẫn lời chuyên gia Trung Quốc Shi Yinhong tại Đại học Renmin nhận xét rằng việc Triều Tiên bỏ bãi thử hạt nhân chẳng qua chỉ mang tính chất màu mè, bởi "họ không cần bãi thử nữa… nó trở nên vô dụng vì khu vực đồi núi bị hủy hoại hết rồi. Bỏ bãi thử là hành động để đạt lợi ích ngoại giao chứ không ảnh hưởng gì tới năng lực hạt nhân của Triều Tiên về thực tế".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên