Ông Dương Đình Thống (49 tuổi, quê Thanh Hóa) ngồi trước căn lều nhỏ như cái chuồng gà canh giữ máy cẩu tại một công trình ở Thủ Thiêm - Ảnh: HỮU KHOA
Khu Thủ Thiêm (Q. 2) được xem như một đại công trường của thành phố. Gần 5 năm qua, có hàng trăm lán trại công nhân được dựng lên, bao quanh các công trình xây dựng. Họ chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây như: An Giang, Kiên Giang, Hầu Giang, Cà Mau... Bên cạnh đó, cũng có các công nhân đến từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc nhưng số lượng không đáng kể.
Hơn 4 năm làm thợ hồ ở TP.HCM, anh Đặng Văn Chẵn (30 tuổi) quê Châu Đốc, An Giang trải qua không biết bao nhọc nhằn, nhưng vất vả nhất có lẽ là những lần chuyển lán khi công trình xây xong.
Anh Chẵn chia sẻ: "Năm rồi chuyển lều bốn lần. Chuyển hoài cũng mệt vì mất thời gian dựng lại. Tuy là ở tạm nhưng cũng phải làm cho chắc chắn, kín mưa kín nắng để sau ngày làm vất vả còn có chỗ ngã lưng. Tài sản quý giá nhất chỉ có chiếc xe máy, lều trại không đàng hoàng ăn trộm vào lấy là coi như trắng tay".
Trong nhóm công nhân làm thợ hồ ở khu Thủ Thiêm, có lẽ ông Nguyễn Văn Hùng (58 tuổi) quê Năm Căn - Cà Mau là người có thâm niên nhất.
"Gần 14 năm làm công nhân xây dựng ở đây, tôi đã dựng rồi dỡ bỏ lều không biết bao nhiêu lần. Lúc trước thành phố còn nhiều vùng hoang sơ, anh em cũng dựng lều y như bây giờ, tối ngủ chuột bu đầy. Có lần đang ngủ tôi thấy hai chân nhột nhột, ngồi dậy thấy chuột nó chạy như gà", ông Hùng nhớ lại.
Đang lom khom nhặt mớ rau muống đồng vừa hái được ở cạnh công trường, chị Thạch Thị Giang (55 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết, đàn ông ở sao cũng được, khó khăn nhất là chị em phụ nữ, lều trại không được kín đáo, rồi nhà vệ sinh, mấy việc riêng tư cũng bất tiện. "Nhưng thương nhất là mấy đứa nhỏ, bỏ con ở quê không yên tâm, nên đưa bọn nó lên đây ở cùng, có đứa nào đi học đâu, chắc tới lớn thì đi làm công nhân như tôi" – chị Giang bùi ngùi.
Nhóm công nhân quê Hậu Giang đào đất chuẩn bị dựng lán tại khu Thủ Thiêm - Ảnh: HỮU KHOA
Buổi sáng tại một lán trại được bao bọc bởi hàng rào công trường - Ảnh: HỮU KHOA
Công nhân trên đường về lán trại sau một ngày vất vả trên công trường - Ảnh: HỮU KHOA
Bà Nguyễn Thị Sinh (82 tuổi, quê Hậu Giang) lên ở tại lán trại trông coi cháu và phụ nấu ăn cho các con đi làm thợ hồ - Ảnh: HỮU KHOA
Không có sân chơi, nhóm trẻ con tranh thủ vui đùa trên bãi đất trống của công trường - Ảnh: HỮU KHOA
Mới sinh con được 3 tháng nhưng vợ anh Đặng Văn Chẵn lên phụ chồng trong lán trại ôi bức - Ảnh: HỮU KHOA
Anh Thái Văn Minh mắc võng nằm nghỉ trong một ống cống công trình vì nắng lên lán trại rất nóng - Ảnh: HỮU KHOA
Để tiết kiệm tiền, nhiều công nhân ăn cháu lòng thay cơm với giá 10.000đ/tô bán tại công trường- Ảnh: HỮU KHOA
Ao tù, nước đọng xung quanh các công trường là nơi tắm giặt và nước dùng sinh hoạt của các công nhân sống ở lán trại- Ảnh: HỮU KHOA
Một lán trại mênh mông nước sau cơn mưa đêm - Ảnh: HỮU KHOA
Nước lấy từ công trường được trữ lại trong tấm bạt là nguồn nước sạch dùng để nấu ăn cho các lán trại - Ảnh: HỮU KHOA
Hai thùng khổng lồ dùng để chứa nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt của công nhân - Ảnh: HỮU KHOA
Một cây cầu tõm được dựng lên cạnh lán trại phục vụ nhu cầu vệ sinh của công nhân - Ảnh: HỮU KHOA
Để tiện sinh hoạt các lán trại thường được dựng lên cạnh các ao nước tù, nước đọng trong công trường - Ảnh: HỮU KHOA
Tình trạng ô nhiễm là mối đe dọa sức khỏe các công nhân - Ảnh: HỮU KHOA
Sau giờ làm việc các công nhân tranh thủ chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe - Ảnh: HỮU KHOA
Nhiều đứa trẻ không được đi học khi theo cha mẹ ở tại các lán trại công trường - Ảnh: HỮU KHOA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận