17/05/2016 15:39 GMT+7

Du mục giữa đáy hồ trơ đáy

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Đợt hạn hán kéo dài vẫn đang “rang cháy” tỉnh Ninh Thuận. Nguồn nước từ nhiều sông, suối cạn kiệt...

Đàn cừu của anh Tuấn được quây ngay vùng đáy hồ khô hạn - Ảnh: Sơn Lâm
Đàn cừu của anh Tuấn được quây ngay vùng đáy hồ khô hạn - Ảnh: Sơn Lâm

Họ cứ bới cơm theo, sáng dẫn xuống chỗ hồ còn nước cho gia súc uống, rồi dẫn ngược lại phía rừng cho ăn. Chiều phải đi một vòng như vậy nữa mới về. Tính ra một người chăn gia súc phải lội bộ mấy chục cây số mỗi ngày

Người chăn dê HOÀNG TRỌNG TÍN

Những đàn dê, bò, cừu phải được gom về nuôi giữa các lòng hồ chứa nước rộng hàng ngàn hecta nhưng cũng chẳng còn bao nhiêu nước.

Mới 7g sáng, cả vùng lòng hồ Sông Trâu, huyện Thuận Bắc đã gay gắt nắng. Hai anh Nguyễn Huy Tuấn và Nguyễn Duy Khanh vẫn bình thản ngồi châm trà uống trên cái phản nhỏ dưới bụi tre.

Chỗ hai người ngồi vốn là mép nước vào mùa mưa của hồ chứa nước Sông Trâu, nhưng giờ mép nước đã rút cách xa hơn cả cây số. Hồ này được thiết kế để chứa được 31,53 triệu khối nước, nhưng lượng nước đo vào ngày 10-5 chỉ còn 1,67 triệu khối.

Chăn thả giữa lòng hồ

“Ông bà ta nói phát tre khó còn hơn ve gái quả chẳng sai” - anh Tuấn bắt đầu câu chuyện về hành trình di chuyển đàn cừu của mình về lòng hồ này. Quanh khu vực lòng hồ cây cối cũng đã cằn.

Để có chỗ ở mát, anh Tuấn và anh Khanh phải mất hơn 3 ngày cùng chi chit vết đứt ở tay để cùng dùng rựa phát bụi tre um tùm duy nhất này lõm vào thành mái che tự nhiên.

Đặt tấm phản, quầy hai tấm tôn làm bếp, một chõng chứa đồ cũng làm bằng tre, võng ngủ, hai lưới chài bắt cá, hai người bắt đầu cuộc du mục giữa lòng hồ Sông Trâu từ hơn hai tháng nay.

Đàn cừu hơn 300 con của anh Tuấn được nhốt trong một rào thép ngay cạnh bụi tre, vài con đã bắt đầu kêu lên inh ỏi.

Anh Tuấn vẫn bình thản châm tiếp trà: “Phải đợi mặt đất khô ráo hoàn toàn, nếu còn ẩm thì cừu ăn sẽ bị lác miệng. Nên chi cái nghề chăn cừu này toàn phải đi giữa nắng!”.

Cả họ hàng nhà anh Tuấn theo nghề chăn cừu hơn 20 năm nay. Đàn cừu của anh vốn dĩ được nuôi ở một trang trại rộng cả mẫu đất ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái, cách hồ Sông Trâu hơn 20 cây số.

“Trang trại nhà mình mạch nước nhiều lắm, trước đây chỉ cần đào xuống hơn 1m là có nước nên mới mua cừu để chăn nuôi...” - anh Tuấn kể.

Nhưng tới tháng 2 vừa qua, anh Tuấn đã đào xuống hơn 8m, đào đến khi đụng đá không thể đào tiếp nữa mà vẫn không có nước.

Đào 4 giếng sâu như vậy khắp trang trại cũng không có nước, anh Tuấn mới phải gom hơn 12 triệu đồng, mướn xe tải đưa đàn cừu của mình về khu vực lòng hồ Sông Trâu tìm nước.

“Trước giờ chỉ việc thả cừu đi loanh quanh trong trang trại rồi chiều nhốt lại, bệnh thì chích thuốc. Giờ nuôi kiểu du mục vầy mới biết khổ” - anh Tuấn nói. Đã có 7 con cừu chết, mất tích và cả bị... chó cắn từ ngày anh Tuấn đưa đàn về đây.

“Lòng hồ rộng mênh mông, cừu mê ăn, lang thang xong lạc là bình thường. Gần như ngày nào cũng phải đi tìm” - anh Tuấn cười.

Lạc, bởi cả lòng hồ Sông Trâu đang có rất nhiều đàn cừu, dê, bò cùng hội tụ về tìm nguồn nước. Những đàn lân cận quanh đó chừng hơn 5 cây số thì sáng lùa đi, chiều lùa về.

Nên dù những người chăn nuôi cứ gặp nhau là anh em, thỉnh thoảng rủ nhau nhậu quên trời quên đất thì cừu, dê thỉnh thoảng vẫn cứ lạc đàn không tìm ra được.

12g, nắng như lửa chiếu trực tiếp xuống mặt hồ, những đứa nhỏ người Raglai sống quanh đây vẫn mình trần trùng trục, vô tư vùng vẫy giữa lòng hồ xăm xắp nước.

Chúng được cha mẹ phân công đi giữ con bò, bầy dê, đàn cừu của mình và gần như đội trọn những ngày nắng tháng 5 đổ xuống đầu. Bà Chamaléa Liên đi quanh quẩn hồ, dùng cái vợt bé bằng lòng bàn tay kiên nhẫn bắt từng con tép.

“Nhà xa lắm, bên kia núi, sáng đi ra đây hơn hai tiếng lận” - bà Liên chỉ tay về dãy núi xa phía bắc hồ khi chúng tôi hỏi nhà.

Vượt núi hai tiếng đồng hồ đi, hai tiếng đồng hồ về mỗi ngày chỉ vì con suối chảy qua nhà bà Liên đã trơ đáy, con bò của bà không có nước uống, các rẫy bắp, rẫy mì quanh nơi bà ở cũng không thể trồng được. Bà đành theo con bò, gia tài duy nhất của bà, với ba đứa con nhỏ ra đây hằng ngày.

Chỉ cần ba cơn mưa...

Từ hồ Sông Trâu, chúng tôi tiếp tục theo tỉnh lộ 705 về hồ Sông Sắt. Hồ Sông Sắt nằm giữa địa phận hai xã Phước Đại và Phước Thành, huyện Bác Ái, là hồ chứa nước lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận với thể tích chứa hơn 69 triệu khối.

Hiện chỉ còn hơn 13 triệu khối, cả một vùng lòng hồ rộng hàng chục ngàn hecta giờ lộ đáy.

8g sáng, con đường từ trung tâm xã Phước Thành ra tới phần nước còn lại của hồ Sông Sắt tấp nập các đàn gia súc. Cầm rựa bửa một gốc cây khô gần mép nước, bà Katơ Thị Nghép than vãn: “Chưa có năm nào lâu mưa như năm nay, từ trước tết đến giờ không được giọt nào”.

Nhà bà Nghép vốn ở trung tâm xã Phước Đại, nhưng từ hai năm nay bà đã ra lòng hồ Sông Sắt dựng lán để trỉa bắp, nuôi giúp chị gái 6 con bò. Nơi bà Nghép cất lán, trỉa bắp cũng thuộc khu vực đáy hồ, phía xã Phước Thành, đàn bò của bà Nghép được thả tự do, tối tự tìm về.

Anh Chamaléa Nhiên, chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết cả xã có hơn 300 đàn gia súc. Người dân Raglai vùng này vốn dĩ nuôi gia súc rất đơn giản, chủ yếu thả để chúng tự ăn trong rừng quanh nhà, chiều đi tìm về.

Nhưng trong đợt hạn nặng này, những con suối, con rạch xung quanh lưu vực hồ đều đã cạn kiệt từ lâu.

Mỗi nhà phải phân công nhau lùa gia súc đi về phía lòng hồ. Từ UBND xã Phước Thành, mùa mưa chỉ cần đi vào gần 2 cây số là đã gặp mép nước hồ. Mà giờ mép nước hồ đã rút đi thêm khoảng 5 cây số.

Mặt hồ khi mới rút nước thì còn có cỏ, nhưng chỉ chừng một tuần là cỏ cũng đã khô cháy, rụi hết. Bà con lại phải dẫn đàn gia súc của mình đi vào rừng tìm thức ăn.

“Họ cứ bới cơm theo, sáng dẫn xuống chỗ hồ còn nước cho gia súc uống, rồi dẫn ngược lại phía rừng cho ăn. Chiều phải đi một vòng như vậy nữa mới về. Tính ra một người chăn gia súc phải lội bộ mấy chục cây số mỗi ngày” - anh Hoàng Trọng Tín, một người chăn dê, cho hay.

“Nhưng thức ăn cũng nhanh hết lắm, hơn 3.000 con đang đổ về sống quanh hồ, nên ngay trong lòng hồ cũng phải di cư mới có nổi thức ăn” - anh Tín nói thêm.

Anh Tín nhà ở xã Phước Thắng, cách hồ Sông Sắt chừng 20 cây số, đã phải chuyển lán lần thứ 3 kể từ khi anh cùng người chú di cư về vùng lòng hồ này. Lúc đầu anh Tín chuyển đàn dê của mình về lòng hồ phía xã Phước Thành.

Nhưng chỉ hơn ba tuần, anh Tín phải chuyển về phía xã Phước Đại để dê tiếp tục có lá mà ăn. Mỗi lần chuyển lán cũng phải mười mấy cây số. Lần di cư này, anh Tín còn mang thêm một số dê từ những người bạn vốn cùng di cư với anh về lòng hồ.

“Chăn dê trong rừng khổ ải lắm. Rừng lạ, dê lạc liên miên. Nhiều người xuống được mấy bữa không chịu nổi, đành gửi tôi chăn thuê giúp luôn” - anh Tín nói.

Chỉ chuyện theo đuôi những con dê băng qua một khoảng lòng hồ rộng mênh mông để chúng uống nước cũng đủ để nhiều dân du mục “bất đắc dĩ” phải nản lòng. Bởi cái nắng ở vùng này khoảng 7g sáng đã bắt đầu gay gắt, cứ như ngọn lửa thiêu đốt mọi thứ tận đến 6g tối.

Dưới ánh đèn phát từ bình ăcquy, rượu vẫn được dân du mục thay phiên nhau nâng lên sau một ngày lội bộ căng thẳng theo sau bầy gia súc, gia tài của họ. Những bầy gia súc du mục ở các lòng hồ Sông Trâu, Sông Sắt đa số vẫn mượt đẹp vì có nước.

Chúng khác hẳn hình ảnh gầy trơ xương, lông bê bết đất vì không được tắm như những đàn gia súc mà chúng tôi bắt gặp trên các nẻo đường khác của tỉnh Ninh Thuận.

Nhưng trong bất kỳ cuộc rượu nào ở các lán giữa lòng hồ, chúng tôi cũng nghe dân du mục chăn gia súc lặp đi lặp lại: “Chỉ chừng ba cơn mưa lớn thôi, chúng sẽ được lùa về nhà...”.

Bao giờ Ninh Thuận có mưa?

Ninh Thuận có tất cả 20 hồ chứa nước với thể tích tổng cộng hơn 192 triệu khối. Theo số liệu đo vào ngày 10-5, hiện chỉ còn tổng cộng 30 triệu khối.

Trong đó hai hồ Ông Kinh (huyện Ninh Hải), Tà Ranh (huyện Ninh Phước) đã hoàn toàn cạn kiệt và hồ Suối Lớn (huyện Thuận Nam) đã dưới mực nước chết. UBND tỉnh Ninh Thuận đã công bố quyết định thiên tai hạn hán từ ngày 1-3.

Ngày 16-5, theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Ninh Thuận, trong tháng 5 xuất hiện một vài đợt mưa rất nhỏ tại các xã miền núi thuộc địa bàn huyện Bác Ái. Những đợt mưa này không đủ “hạ nhiệt” cho đợt hạn hán kéo dài tại Ninh Thuận.

Ninh Thuận tiếp tục chịu ảnh hưởng rìa đông nam cùng áp thấp nóng phía tây, thời tiết nắng nóng.

Nhiệt độ cao nhất tại trạm khí tượng Phan Rang vào ngày 16-5 là 36,8oC. Dự kiến trong những ngày tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng, nhiệt độ trong ngày phổ biến trên 36-37oC.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên