19/02/2016 00:10 GMT+7

​Ứng phó với xâm nhập mặn và hạn hán

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương ở Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân 2015-2016, diện tích lúa có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển khoảng 339.234 ha, chiếm 35,51 % diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 21,88% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán nặng là 104.731 ha, chiếm 10,90 % diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 6,7% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong các tháng đầu năm 2016, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40% nên mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015 và so với trung bình nhiều năm.

Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50- 60km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5/2016. Do đó, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương ở Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Từ hiện trạng sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 và các dự báo, diễn biến khí tượng thủy văn vẫn còn nhiều phức tạp, để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016, các địa phương cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và Mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn.

Cục Trồng trọt khuyến cáo: thời vụ lúa Hè Thu, cần tập trung vào tháng 4, tháng 5, điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không xuống giống lúa Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.

Vừa qua, Cục Trồng trọt đã  tiến hành kiểm tra tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại 4 tỉnh (Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang). Kết quả kiểm tra cho thấy diện tích lúa bị hạn, mặn của 4 tỉnh là khoảng 58.311 ha. Trong đó, diện tích lúa thiếu nước tưới là 10.691 ha; diện tích lúa thiếu nước tưới các tháng tiếp theo ước khoảng 47.620 ha.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương khẩn trương tăng cường việc lấy ngọt từ nay đến 22-25/2 để tranh thủ trữ nước tối đa vào các hệ thống thủy lợi. Trước khi mở cống hoặc bơm lấy nước ngọt cần phải kiểm tra độ mặn để đảm bảo không lấy nước mặn quá mức cho phép vào đồng ruộng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn để vận hành, điều tiết công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả vào hệ thống. Tổ chức đầu tư, đắp các đập tạm thời vụ để ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh. Chuẩn bị máy bơm, vật tư xăng dầu dự phòng, sẵn sàng bơm lấy nước ngọt, trữ vào hệ thống kênh mương, đồng ruộng khi có điều kiện thuận lợi”.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên