Ảnh: DOÃN HÒA
Tâm đắc với chủ đề cống hiến của tuổi trẻ cho đất nước
Thí sinh đầu tiên rời khỏi hội đồng thi Trường THCS Trường Chinh (TP.HCM), em Đinh Hoàng Thành, chia sẻ vừa đọc đề thì hơi hoảng khi đề thi năm nay không có các dạng câu nhận định về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ giúp thí sinh kiếm điểm.
Tuy nhiên, Thành nhận định đề văn năm nay khá vừa tầm và rất vui khi đã ôn "trúng tủ" bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh. "Rất may là em ôn trúng bài Sóng nên chắc sẽ có điểm cao" - Hoàng Thành tự tin nói.
Lâm Mỹ Vân, học sinh Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM), thi tại điểm thi Trung tâm GDTX Chu Văn An (TP.HCM), nhận xét đề văn khá vừa sức. Phần nghị luận văn học, đề thi cho một vài đoạn trong bài thơ Sóng của thi sĩ Xuân Quỳnh và yêu cầu phân tích vẻ đẹp nữ tính trong thơ của Xuân Quỳnh.
Theo Vân, phần này có thể nhiều bạn sẽ "trật tủ" do chú trọng ôn các bài Người lái đò sông Đà hay Vợ chồng A Phủ.
Về phần đọc hiểu, Vân chia sẻ năm nay có một chút đổi khác khi đề không yêu cầu chỉ ra về các biện pháp tu từ mà đơn thuần chỉ là "đọc và hiểu". Đoạn văn nói về sự đóng góp và cống hiến. "Với đề này mình có thể làm tốt dù không chú trọng lấy điểm cao môn này", Vân nói.
Thí sinh tự tin sau khi kết thúc môn văn tại điểm thi Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trần Huỳnh Thảo Uyên, thí sinh thi ở Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), nhận xét đề văn rất thực tế. Từ phần đọc hiểu, thí sinh được yêu cầu nêu lên suy nghĩ về sống cống hiến trong phần nghị luận xã hội.
Ở phần nghị luận văn học, đề văn Sóng khiến Uyên có phần bất ngờ nhưng yêu cầu phân tích vẫn thuộc dạng dễ và bạn có thể giải quyết xong mà còn dư giờ. Uyên cho rằng đề thi này với sức học của mình có để đạt từ 7.5 điểm.
Tại điểm thi Trường THPT Ba Chúc, huyện Tri Tôn (An Giang), thí sinh Ngô Thị Cẩm Tiên và Hà Gia Khang cho biết đề văn dễ, sát với chương trình ôn tập. "Nếu bạn nào ôn tập rõ ràng và không học tủ thì chắc chắn làm được hơn 60% chương trình đề thi", Khang nói.
Em Trần Hữu Nhân, thí sinh tại hội đồng thi Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn, Quyết Thắng (Đồng Nai), vừa ra khỏi phòng thi liền ôm chầm giáo viên reo lên vui mừng. Nhân cho biết đề thi năm nay khá dễ và có thể đạt điểm cao.
"Nhìn chung đề văn tương đối dễ, bài Sóng cũng dễ. Nhiều bạn học tủ, còn em ôn tất cả nên làm được hết toàn bộ bài thi và có thể đạt điểm tuyệt đối" - Nhân tự tin nói.
Còn em Hoàng Nguyễn Thụy Nhi cho biết do môn văn chỉ xét tốt nghiệp, không xét vào đại học nên không tập trung, nhưng Nhi tự tin làm đủ điểm để tốt nghiệp. Nhi cũng cho biết rất tâm đắc với phần nghị luận xã hội bởi nói về cống hiến của tuổi trẻ cho đất nước, mình có thể học tập và phát triển đất nước lên.
Thí sinh dự thi môn văn tại TP.HCM sáng 7-7 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tại TP Cần Thơ, nhiều thí sinh vui vẻ vì đề thi môn văn có thể đạt 70% số điểm. Em Phạm Thị Hải Yến, lớp 12A6 Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết: "Đề văn năm nay phần đọc hiểu hơi khó nhưng em làm được. Sóng của Xuân Quỳnh em cũng làm được. Em đoán đạt khoảng 7 điểm". Tương tự, thí sinh Tô Thị Ngọc Yến cũng dự đoán mình đạt 7 - 8 điểm.
Ông Nguyễn Hoàng Thành, một phụ huynh, cho biết: "Tui nghỉ làm để đón con nhằm tiếp thêm sức và tự tin cho con mình. Tui hy vọng con làm tốt được bài để đậu vào ngành yêu thích. Mưa hay nắng gì chiều nay tui cũng sẽ đưa đón con hết".
Em Đỗ Anh Thư (thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Chí Thanh, Gia Nghĩa, Đắk Nông) tỏ ra bất ngờ khi đề thi năm nay ra thơ mà không phải văn xuôi. Tuy nhiên, Thư cho rằng đề thi năm nay cũng không quá khó với lực học của Thư. Thư tự tính mình sẽ được 7,5 điểm.
Một thí sinh khác, do không xét tuyển đại học bằng điểm môn văn nên em chỉ làm đủ điểm "chống trượt" rồi xin ra sớm.
Thí sinh Nguyễn Thùy Phương Mai và mẹ vui mừng vì đề thi khá thoải mái - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Thí sinh Nguyễn Thùy Phương Mai (tại điểm thi Trường Võ Chí Công, Đà Nẵng) rời điểm thi trong tâm trạng khá thoải mái. Một mình Phương Mai thi một phòng với 2 giám thị trong phòng và 1 giám thị hành lang nhưng em cho biết không thấy áp lực.
Phương Mai cho biết đề văn theo em là vừa sức. Câu hay nhất là nghị luận xã hội về việc cần thiết phải biết sống cống hiến.
"Theo em, mình đã nhận lại thì phải cho đi điều gì đó. Đây là chủ đề phù hợp lứa tuổi các bạn trẻ và trong thời điểm dịch bệnh, người trẻ cần cống hiến hơn bao giờ hết" - Phương Mai nói.
Phương Mai là thí sinh F2 nhưng được mẹ đưa đi thi bằng xe máy vì hôm qua thí sinh này vừa mới hết diện F2. Danh sách chưa cập nhật nên Mai phải thi ở điểm thi đặc biệt.
Em Lý Thảo My (thí sinh thi tại điểm thi THPT Lý Tự Trọng, Khánh Hòa) chia sẻ: "Đề thi năm nay vừa sức, em tự tin đạt tầm 7 điểm. Bài thơ Sóng của tác giả Xuân Quỳnh được em ôn tập kỹ. Đề khó ở câu 1 đọc hiểu. Mọi năm đề luôn là cấu trúc chỉ ra các phép tu từ hoặc hình thức của văn bản, đoạn thơ, nhưng năm nay 4 câu nhỏ trong câu 1 lại toàn phân tích đưa ra quan điểm của bản thân nên em làm khá tốn thời gian".
Tương tự, thí sinh Trần Trọng Hiếu, tại điểm thi THPT Lý Tự Trọng, cũng đánh giá câu 1 tốn khá nhiều thời gian làm bài, thí sinh phải phân bổ thời gian hợp lý nếu không sẽ không kịp làm câu 2 và 3.
Thị sinh Bảo Thịnh (điểm thi Trần Quốc Tuấn, TP Quảng Ngãi) chia sẻ: "Em chỉ dựa rất ít vào đoạn đọc hiểu, dù đề yêu cầu bám vào đó viết một đoạn văn về việc sống cống hiến. Em bẻ lái qua những anh chị ở tuyến đầu chống dịch. Nhiều anh chị cống hiến bằng những việc khác nhau trong lúc này khiến em rất biết ơn. Em nghĩ đó là mạch nguồn, là suối sông, đại dương, mỗi người biết sống cống hiến thì sẽ dập được dịch. Em hy vọng cách nghĩ của em không đi quá xa so với đề. Em thích nhất câu đó dù chỉ 2 điểm".
Một số thí sinh chỉ lấy điểm tốt nghiệp cho rằng vừa sức. Trong khi đó, thí sinh lấy điểm xét tuyển đại học lại than "hơi căng".
Các thí sinh vui mừng sau khi thi xong tại Trường THPT Lê Hồng Phong, quận 5, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại Huế, nhiều thí sinh tại điểm Trường THPT Thừa Lưu đánh giá đề văn khó và bất ngờ.
Bạn Lê Thị Thúy (THPT Thừa Lưu, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho biết do nhiều năm nay đề thi ra thơ nên không ngờ năm nay đề tiếp tục ra thơ. Em ôn nhiều các đề tài văn xuôi, ít chú tâm vào thơ thì năm nay lại tiếp tục ra thơ. Thúy cũng khá thích thú với câu nghị luận xã hội bày tỏ quan điểm, suy nghĩ về sống cống hiến.
"Em làm khá tốt phần nghị luận xã hội. Cống hiến là sự tận tâm, làm việc tốt cho xã hội, cho một công việc nào đó. Xã hội càng phát triển, bản thân người trẻ phải biết cống hiến", Thúy cho biết.
Còn tại điểm thi Trường THPT Phú Bài (thị xã Hương Thủy), một số học sinh ra khỏi phòng thi sớm chia sẻ đa số đều không trúng tủ vì không nghĩ năm trước ra thơ nhưng năm nay vẫn ra thơ nữa. Tuy nhiên, vì Sóng của Xuân Quỳnh là bài thơ quen thuộc nên nhiều thí sinh vẫn tự tin có thể hoàn thành tốt bài thi của mình. Về phần đọc hiểu tương đối dễ, phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước.
Nhiều thí sinh tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết năm ngoái đề ra thơ nên năm nay các em ôn nghiêng về truyện, nhưng cuối cùng đề thi lại yêu cầu phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh nên nhiều em không “trúng tủ”. Tuy nhiên đa phần các em đánh giá đề vừa sức, không đánh đố nên nếu có ôn thi là làm được.
Thí sinh Phan Anh, THPT chuyên Ngoại ngữ, đánh giá đề thi: “Đề đơn giản, dễ suy luận được. Đoạn thơ không khó, em có thể phân tích dễ dàng. Phần đọc hiểu bình thường. Em thích đề thi năm nay ở tính thống nhất của nó. Phần đầu nói về nước, nguồn gốc của nước. Phần sau là phân tích về sóng, về biển”.
Tại điểm thi Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều thí sinh chia sẻ rất bất ngờ với đề thi văn năm nay.
"Cầm đề thi lên em mất vài phút bất ngờ vì câu 1 dạng đề khác so với các năm, bài đọc hiểu cũng không nằm trong chương trình nên hơi lạ lẫm. May mà dữ liệu đều nằm trong đoạn trích nên em bám lấy đó để làm bài" - Lưu Nguyên Khôi (THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết.
Ngô Hà Vy (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) cũng tỏ ra lúng túng trong thời gian đầu làm bài khi không tìm thấy những dạng bài "ăn điểm" quen thuộc ở phần đọc hiểu. "Nhưng sau khi bình tĩnh lại em làm khá tốt, em cũng không ôn tủ nên khi đề ra vào bài nào em cũng xử lý được. Em hy vọng mình sẽ được 8 điểm dù không đặt nặng về điểm số vì chỉ thi tốt nghiệp".
Các thí sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) bàn luận về đề thi - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tại điểm thi THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều thí sinh ra sớm khi hết 2/3 thời gian thi. Khi được hỏi, hầu hết thí sinh cho biết đề văn tương đối dễ lấy điểm, học cơ bản cũng có thể làm được.
Thí sinh Lưu Hoàng Phương Chi (Trường chuyên Ngoại ngữ) cho biết nếu nắm kiến thức cơ bản sẽ đạt điểm khá.
Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với vẻ mặt vui mừng vì làm được bài.
Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), nhiều thí sinh cho biết đề thi không quá khó nhưng khá bất ngờ khi câu nghị luận văn học vào bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Bạn Lê Hoàng Phương (Trường THPT Yên Hòa) chia sẻ: "Mình khá bất ngờ khi đề thi vào phần thơ vì mình và bạn bè đều nghĩ câu tự luận sẽ vào bài văn xuôi. Tuy nhiên, đề cũng không quá khó vì 3 khổ thơ được trích trong bài Sóng cũng dễ viết".
Thí sinh tự tin bước ra khỏi điểm thi sau khi hoàn thành bài thi môn văn - Ảnh: NAM TRẦN
Thí sinh điểm thi THPT Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) rời phòng với tâm trạng thoải mái - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tại hội đồng thi Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ, Quảng Nam, nhiều thí sinh cho rằng đề văn năm nay không khó, đối với những bạn học trung bình cũng có thể kiếm được 5-6 điểm, những bạn học lực khá với nhiều kiến thức xã hội, cuộc sống thì có thể kiếm được điểm cao hơn.
Thí sinh Nguyễn Ngọc Phong nhận xét đề thi môn ngữ văn năm nay khá nhẹ, rất hay và ý nghĩa, có nhiều kiến thức vận dụng từ thực tế nhưng không quá xa lạ và ngoài sức của thí sinh.
"Em rất tâm đắc ở câu cuối của đề thi khi nói về câu chuyện tình yêu, vẻ đẹp nữ tính của nhà thơ Xuân Quỳnh trong bài thơ "Sóng". Ngoài ra, câu nghị luận xã hội nói về lẽ sống, tích lũy kiến thức rất thực tế và không khó vì khi học ở trường các thầy cô đã đề cập đến những vấn đề này", Phong chia sẻ.
Tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh, Nghệ An, nhiều thí sinh đánh giá cấu trúc đề thi không thay đổi so với các năm trước, song đề hơi dài.
Thí sinh Cao Đức Hải - thí sinh ra sớm nhất tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) - Video: DOÃN HÒA
Ra cổng trường thi sớm nhất tại điểm thi này, thí sinh Cao Đức Hải cho biết em thấy phần đọc hiểu trích một đoạn văn của nước ngoài có phần hơi dài, đòi hỏi học sinh phải phân tích, đọc hiểu. Tuy chỉ chiếm 3 điểm song ở phần đọc hiểu này có 4 câu hỏi phụ. Hơn nữa phần làm văn còn có hỏi 2 điểm liên quan đến phần đọc hiểu, cần phải liên kết với nhau.
"Phần làm văn em rất thích câu hỏi về phải biết sống cống hiến, nhất là đối với thế hệ trẻ như chúng em cần phải suy nghĩ tích cực, sống đẹp cống hiến cho quê hương, đất nước", Hải nói.
Do chỉ thi để lấy điểm xét tốt nghiệp nên Hải tự tin mình làm đạt điểm trung bình trở lên.
TP Vinh tiếp tục đổ mưa lớn sau buổi thi đầu tiên. Một số tuyến phố trước các điểm thi xảy ra ùn tắc cục bộ. Các chiến sĩ công an, lực lượng tình nguyện viên "đội mưa" để hướng dẫn thí sinh, phụ huynh rời điểm thi sớm trong thời gian thành phố này đang giãn cách xã hội vì dịch COVID-19.
Thí sinh Đỗ Thanh Duy tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ sau bài thi văn - Video: HOÀI THƯƠNG
Giáo viên: Đề hay và nhẹ nhàng
Theo ông Phùng Hoài Ngọc - cựu giảng viên dạy môn ngữ văn thuộc Trường đại học An Giang, trong bối cảnh dịch bệnh, đề thi năm nay khá hay khi cho "vẻ đẹp nữ tính" trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh, đồng thời phân loại được học sinh.
Để được điểm cao, thí sinh cần bám sát vào các ý vẻ đẹp: vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ - dịu êm, dịu dàng và trăn trở, có tính chất chủ động, không phải vẻ đẹp mang kiểu cổ điển thụ động trong cuộc sống; luôn luôn khát vọng về tình yêu; luôn nghĩ cả về anh và em - có nghĩa là không ích kỷ, nghĩ về anh để hiểu anh, nghĩ về em để hiểu mình. Đây là tính chất hiện đại của người phụ nữ thể hiện rất thú vị trong bài thơ.
Thầy Đỗ Đức Anh, tổ phó tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho rằng đề văn năm nay có phần đọc - hiểu khá hay. Văn bản của phần này không chạy theo các vấn đề thời sự mà nhẹ nhàng, có độ dài vừa phải, có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao.
Điểm đặc biệt của phần đọc - hiểu năm nay là người ra đề đã "thoát" hoàn toàn ra khỏi việc kiểm tra kiến thức về ngữ pháp tiếng Việt. Không còn dạng câu hỏi về phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ… như trước mà các câu hỏi đúng nghĩa là kiểm tra khả năng đọc - hiểu của thí sinh.
Riêng câu hỏi phần nghị luận xã hội thì dự đoán sẽ có nhiều thí sinh "trúng tủ" bởi vấn đề rất quen thuộc với học sinh trung học.
"Câu hỏi được bàn tán nhiều nhất có lẽ là phần nghị luận văn học. Vì đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT cho ra văn xuôi trong phần nghị luận văn học, đề chính thức lại ra về thơ nên có thể nhiều em không ôn tập kỹ bài Sóng của Xuân Quỳnh. Tuy vậy, yêu cầu của đề bài không khó. Nếu thí sinh có kỹ năng làm bài thì vẫn có thể làm được mặc dù ôn không kỹ.
Tóm lại, với đề văn như năm nay, các thí sinh sẽ dễ dàng đạt từ 7, 8 điểm trở lên nếu có ôn luyện đàng hoàng và có kỹ năng làm bài", thầy nói.
Thí sinh dễ đạt điểm trung bình
Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết đây là đề văn "lệch tủ nhưng thí sinh cả nước sẽ làm được bài ở mức trung bình trở lên".
Theo cô Kim Anh, nhiều giáo viên năm nay ôn luyện phần đọc hiểu cho học sinh nghiêng về thơ do năm trước đã ra vào văn xuôi. Ở phần nghị luận văn học, ít người dự đoán thi vào Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh mà ôn tập nhiều cho học sinh các tác phẩm văn xuôi.
"Lệch tủ cũng hay vì trong phòng thi thí sinh phải sáng tạo. Và đề thi này không khó. Thí sinh dễ dàng đạt điểm trung bình nhưng để có điểm cao ở đề này thì không dễ nên tôi cho rằng mục tiêu ra đề thi đã đạt được", cô Kim Anh nhận xét.
Theo một số giáo viên dạy văn khác ở Hà Nội chia sẻ thì đề thi không độc đáo và cũng không khó. Đoạn ngữ liệu ở câu đọc hiểu dài nhưng thuộc ngữ liệu thông tin và câu hỏi thuần túy ở mức nhận biết. Thí sinh cứ chép từ ngữ liệu ra đã có thể đạt yêu cầu ở câu đọc hiểu.
Đoạn trích trong bài "Sóng" có những ý kiến khác nhau. Một số giáo viên cho rằng đó không phải đoạn thơ đặc sắc của bài nhưng có những giáo viên khác lại cho rằng sử dụng đoạn trích trong đề gây bất ngờ và cũng có ý nghĩa.
Biết hòa nhập, biết chia sẻ, cống hiến là những thông điệp mà câu hỏi nghị luận xã hội hướng đến. Theo nhiều giáo viên, nội dung này cũng dễ liên tưởng đến vấn đề thời sự của đất nước hiện tại.
Thí sinh vui vẻ ra về sau giờ thi văn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, tổng thể đề thi không có gì mới so với những đề thi năm trước về cấu trúc và dạng đề. Đề thi theo đúng tinh thần "chống COVIDD-19" cho nên chấp nhận đề thi không gây khó cho thí sinh, dịch đang đuổi cho nên thi cũng phải nhanh, đề thi dễ thở để mọi người cùng nhau vượt qua.
Phần ngữ liệu đọc hiểu văn bản lựa chọn phù hợp có chất văn chương, vừa khoa học lại vừa rất lãng mạn, giàu tính trữ tình. Câu 4 của phần đọc - hiểu và câu 1 của phần làm văn sự phân định khác biệt chưa rõ ràng. Đúng hơn là 2 câu này rất dễ trùng lặp về nội dung trong bài làm.
Câu 2 của phần làm văn không có gì khó với lứa tuổi thanh niên được nói về những điều mà mình đang ấp ủ. Chưa kể "Sóng" là bài thơ rất hay về tình yêu, và đoạn thơ trích dẫn cũng là đoạn có nhiều cảm xúc và hình ảnh đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận