17/10/2010 03:04 GMT+7

Sông Côn - dòng sông võ học - Kỳ 2: Hội "đổ giàn" trong miền ký ức

LAN PHƯƠNG
LAN PHƯƠNG

TT - Đến tận bây giờ, những người say mê võ thuật ở làng An Thái, An Vinh vẫn còn có thể tả lại nguyên vẹn ngày hội “Đổ giàn” trước đây. Hội “đổ giàn” là nơi hào kiệt trong vùng gặp gỡ, so tài để tôn vinh ngôi làng và võ phái của mình.

SOC57oX5.jpgPhóng to
Tại võ đường của lão võ sư Phan Thọ, các võ sĩ vẫn kể nhau nghe giai thoại về hội “đổ giàn”. Tuy vậy, vẻ đẹp của ngày hội đó giờ đây chỉ còn là những kỷ niệm - Ảnh: L.P.

Kỳ 1: Bóng võ trên dòng sông xưa

Hội xưa bên dòng sông

Cứ bốn năm một lần vào ngày rằm tháng bảy, khi những lễ cúng quan trọng của người làng được cử hành, làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định còn tổ chức thêm phần hội ngay sau đó. Là một trong những trung tâm võ thuật nổi tiếng, An Thái dễ dàng quy tụ những gương mặt lớn như làng võ An Vinh, Thuận Truyền, có khi cả các võ đường từ Quảng Ngãi hay Phú Yên... về tham dự.

Bên dòng sông Côn mùa nước chưa kịp lên, làng dựng hẳn một rạp cao lêu khêu bằng cây gỗ, có khi đến 10m, được dựng trước ngôi chùa Bà, sát tả ngạn con sông. Trên đỉnh cùng của giàn là cờ phướn và heo quay. Ngay sau ngày giờ cúng lễ nghiêm trang, những làng võ lớn ở An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước... tụ lại giàn, có khi mang theo gần 30 võ sĩ của lò mình.

Từ chân cột lên đến đỉnh cao, các cuộc tỉ thí tranh tài khắc nghiệt ào ào diễn ra. Võ sĩ lao mình lên từng nấc của giàn, chiến đấu chống lại những võ sĩ của lò khác cho đến khi chạm được lá cờ và cướp được con heo cúng trên đỉnh giàn. Giàn gỗ được xô ngã ngay sau đó. Có lẽ vì thế hội tên là “đổ giàn”.

Các võ sĩ tham gia cuộc chơi ngoài tài nghệ cao và khả năng chiến đấu tốt, còn phải biết phối hợp với những đồng môn của mình. Những nhóm chuyên leo giàn để cướp cờ và thịt heo phải giỏi phi thân, nhảy nhót. Có nhóm chuyên song đấu cản đối thủ không cho đuổi theo người lấy cờ. Trong lễ hội “đổ giàn”, người học võ ở các làng đem hết mọi ngón nghề ra thi thố cốt giành phần thắng về mình.

Nhà nghiên cứu Phạm Đình Phong:

Sinh hoạt võ thuật đặc sắc

Hội “đổ giàn” là một trong những hoạt động đặc sắc nhất của sinh hoạt võ thuật bên dòng sông Côn của các làng võ ngày xưa. Những ngày diễn ra hội là những ngày sôi động nhất của mùa rằm tháng bảy.

Hội “đổ giàn” thường bắt đầu sau những ngày hoàn tất nghi thức cúng lễ tổ tiên, trời đất. Hội “đổ giàn” thể hiện giai đoạn võ thuật phát triển cực kỳ sôi động ở nơi này. Sau 60 năm bị gián đoạn, năm 2006 lần đầu tiên hội được tổ chức lại nhưng không còn nguyên vẹn các nghi lễ như xưa. Dù vậy người dân tập trung về chiêm ngưỡng lễ hội vẫn rất sôi động.

Cờ trong tay, heo trong tay, các võ sĩ lại phải tiếp tục chiến đấu để đưa được vật phẩm về làng mình, đánh thắng được những bạn bè võ thuật ở làng khác đang tìm cách đoạt chiến thắng từ tay mình. Làng nào có được cả cờ và thịt heo thì làng ấy năm đó nổi danh, người ta nườm nượp tới xin đăng ký học võ ở lò, tha hồ kiếm tiền.

Mỗi khi lễ hội “đổ giàn” diễn ra, cả khu làng võ An Vinh, An Thái sôi sục lên đêm ngày. Các cuộc so tài võ thuật diễn ra khắp nơi, trên mái nhà tranh, trong sân đình, thậm chí trong vườn nhà của bà con. Có những cuộc tranh tài kéo dài qua cả đêm chưa nghỉ. Làng nào giành được cờ và heo thì vui như tết. Thịt heo được chia ra cho mọi người cùng ăn lấy may. Lá cờ giành được cũng là vinh danh sự tài hoa của ông thầy nào đã đào tạo nên đám học trò giỏi, thắng cuộc ngày hôm ấy.

Hội nay trong ký ức

Lão võ sư Phan Thọ, người ở thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, nhớ lại: “Người ta cúng rồi làm cái giàn cao. Lúc cúng chẩn đưa sẵn con heo lên giàn cao. Khi bánh đổ, giàn đổ là mọi người lao vào giành heo. Có bánh đấy nhưng không ai dám giành vì nguy hiểm quá. Làng nào cũng có mấy chục võ sĩ. Ai đánh cứ đánh. Ai dắt heo đi cứ dắt. Lúc đó, tôi chỉ được giao nhiệm vụ dắt heo vì mình bé quá. Các cuộc đấu ghê lắm”.

Khi đó, ông Phan Thọ còn trẻ và vẫn đang miệt mài theo từng ông thầy cóp nhặt từng bài võ. Cũng thời điểm đó, ông chứng kiến huyền thoại về một nữ võ sĩ nổi danh của Bình Định: bà Tám Cản. Bà là em gái thứ tám trong gia đình hương mục Ngạt (cũng là thầy dạy võ nổi tiếng mà võ sư Phan Thọ từng theo học). Bà luôn nằm trong nhóm các võ sĩ cản người muốn đuổi theo lá cờ và con heo mà làng mình cướp được. Một mình bà có lúc chống lại cả mười anh trai trẻ đang hăm he xông tới.

Ông Thọ nhớ lại: “Bà to con, đứng giữa sông chờ sẵn, ai qua bà đánh cản, có khi đánh cùng lúc cả 10 người”. Có lẽ vì vậy ít người biết tên thật nhưng lại không hề xa lạ với cái danh Tám Cản mà người đời đặt cho bà.

Vào thời điểm ấy, thế hệ võ sĩ như ông Phan Thọ mới là những thanh niên còn rất trẻ và tập tành bước vào nghề võ. Việc “dắt heo” mà các đàn anh dành cho ông cũng thể hiện những vai trò đầu tiên mà người học võ tham gia đảm nhiệm để cùng xây dựng danh tiếng cho võ đường. Ngày đó, làng võ An Thái nổi danh dũng mãnh, giành chiến thắng trong rất nhiều phen tranh tài mùa hội như thế này trên sông Côn.

Lão võ sư Trương Văn Vịnh của võ đường Phi Long Vịnh cho biết: “Hồi đó đánh ghê lắm. Bao nhiêu ngón nghề là mấy lò võ đem ra hết. Thời Pháp người ta chơi để biểu dương lực lượng võ thuật. Các phái tranh tài với nhau. Người ta làm một cây cột cao, cúng heo với bò sống trên cao rồi đánh để giành con heo, con bò ấy. Anh ôm con bò lách sao, đánh sao để đem được về đến nhà mình.

Giàn cao chừng 12-15m. Thầy đến cúng rồi đặt cờ và thịt trên cao nhất. Bên tả, bên hữu đánh mà mình vẫn phải về được làng mình. Có đến hai, ba chục anh em chờ sẵn để yểm trợ mình về làng. Ở dưới An Thái, An Vinh gọi lễ là đổ giàn. Ở khu võ nhà chùa này người ta chơi trò giật phướn cũng để so tài cao thấp như bên đó. Trên sông Côn, người đánh võ phải chạy sang bên kia thì may ra thoát, chứ còn đứng giữa sông thì phe kia truy đuổi tới cùng”.

Năm 2006, tại tỉnh Bình Định hội “đổ giàn” được phục dựng với mong muốn tạo lại không gian võ thuật trong những ngày sôi nổi nhất của lịch sử xa xưa.

Lão võ sư Phan Thọ trầm ngâm: “Có lẽ cũng không nên chơi như vậy nữa. Các cuộc tranh tài quá nguy hiểm. Mà nếu làm như năm 2006, cấm các đòn nguy hiểm thì quả thật cuộc so tài không thú vị”.

Trong lễ hội này ba làng võ tham dự là An Thái, An Vinh, Thuận Truyền đều được... phân công sẵn giành con heo nào trên giàn cao. Hơn thế, giàn không dựng cao như trong câu chuyện ngày trước mà người lớn tuổi vẫn kể. Hấp dẫn nhất và cũng là nghiệt ngã nhất của võ cổ truyền Bình Định, qua hội “đổ giàn”, chính là ở vẻ đẹp quá nhiều sát thương mà các thế võ gây ra...

________________________

Võ cổ truyền Bình Định gắn với những giai thoại về các võ sư nổi danh đánh bại nhiều cao thủ võ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước. Khởi đầu của nhiều tượng đài võ thuật ấy là con đường học võ đầy cơ duyên và cả không ít nhọc nhằn.

Kỳ tới: Tầm sư học đạo

LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên