03/01/2020 07:11 GMT+7

Sơn Tùng, Chi Pu, Jack và K-ICM 'đua nhau' vào đề thi văn

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Nhiều trường học "chạy theo trend" (xu hướng) khi ra đề kiểm tra, thi môn văn gắn với các ca sĩ, bài hát "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội.

Sơn Tùng, Chi Pu, Jack và K-ICM đua nhau vào đề thi văn - Ảnh 1.

Đề thi văn tốt sẽ khơi gợi giá trị nhân văn cho học sinh. Trong ảnh: học sinh TP.HCM trong kỳ thi chọn vào lớp 10 - Ảnh: TỰ TRUNG

Tính thời sự của đề văn thể hiện ở chỗ đề văn mang hơi thở của thời đại, đề cập đến những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa đối với nhân sinh được nhiều người quan tâm.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh

Học sinh thì em thích em không. Còn giáo viên thì nói nên cẩn trọng hơn khi chọn đề thi từ showbiz (thuật ngữ tiếng Anh chỉ những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí).

Sơn Tùng, Chi Pu, Lê Thiện Hiếu...

Năm học 2019-2020, bộ đôi ca sĩ Jack và K-ICM được đưa vào đề thi lớp 10 một trường ở tỉnh Đồng Nai. Hay ba năm trước, một đề thi văn ở Vĩnh Phúc có nội dung gắn với ca khúc Lạc trôi của ca sĩ Sơn Tùng M-TP.

Trước đó, ca khúc Ông bà anh của giọng ca chuyển giới Lê Thiện Hiếu - thí sinh một cuộc thi trên truyền hình quốc gia - cũng vào đề thi văn ở TP.HCM. 

Năm 2017, nhiều người ngỡ ngàng khi đề thi nói về ca sĩ Chi Pu của một trường THPT tại Phú Thọ. Đề yêu cầu học sinh "hóa thân Chi Pu" viết một bài tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt ca khúc bị "ném đá"...

Bạn Trịnh Thị Hoa Tiên - học sinh Trường THPT Gia Định, TP.HCM - cho biết: "Tôi chưa gặp đề văn có ca sĩ, bài hát của giới trẻ. Nhưng nếu được làm đề có trường hợp này tôi rất thích vì nó gần gũi, thời sự. Nếu so sánh với đề văn có vấn đề thường nhật, gắn với tác phẩm cụ thể thì đề văn có ca sĩ, bài hát sẽ để lại cho tôi nhiều ấn tượng hơn".

Còn bạn Nguyễn Thu Sương, Trường THPT Trường Chinh (TP.HCM), lại bày tỏ không thích đề thi văn có ca sĩ. "Tôi có học kèm nhà cô. Cô cũng hay ra những dạng bài tập chỉ đọc đề thi cũng đã rất vui, hứng thú. Nhưng đặt bút làm bài tôi lại không có cảm xúc" - Sương kể.

Không phải hiện tượng nào cũng tốt

Cô Trần Thị Thu Hiền - giáo viên văn Trường THPT Ernst Thalmann (TP.HCM) - thừa nhận ra đề văn mang hơi hướng hiện đại, lấy ngữ liệu "nóng", mới... luôn tạo cho học sinh thích thú. Tuy nhiên, ra đề văn khá nhiều năm trong các kỳ thi cô Hiền luôn cân nhắc. 

"Đề văn tôi ra luôn định trong đầu trước là hướng đến điều tích cực, sau đó là chọn ngữ liệu. Tôi cũng bắt gặp vài đề văn với ngữ liệu không phù hợp, nói thẳng ra là phản cảm. Bởi nó không giúp học trò tái hiện kiến thức, không định hướng được giá trị sống bởi showbiz thì không phải hiện tượng nào cũng tốt" - cô Hiền nói.

Ngoài ra, cô Hiền nhấn mạnh: "Tôi chọn cho mình cách ra đề theo hướng mới vẫn tạo sự thích thú cho học trò, bằng cách lọc tìm những tấm gương, những nghị lực được báo chí chính thống đưa lên mặt báo, hoặc giới ca sĩ văn nghệ đi lên thật sự bằng năng lực mà nói ra ai cũng công nhận. Hay những vấn đề thời sự khác, vừa xảy ra nhưng có tính định hướng giáo dục".

Tương tự, thầy Nguyễn Tấn Huy - giáo viên văn Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) - nhận định giáo viên sử dụng những bài hát của giới trẻ trong đề thi có lẽ họ muốn đề gần gũi với tâm lý giới trẻ, để tránh khuôn sáo, giáo điều. 

"Nhưng ra đề với ca khúc "hot", "hit" hay ra cái gì điều đó không quan trọng. Vấn đề quan trọng là ra đề như thế nào để hướng học sinh đến suy nghĩ tích cực, bày tỏ trung thực ý kiến của mình. Đề thi đánh giá năng lực ngôn ngữ, năng lực giao tiếp, năng lực cảm thụ văn học, hướng đến những phẩm chất yêu nước, trung thực, nhân ái, bao dung, thành những con người tử tế để hòa nhập cộng đồng mình, phạm vi rộng hơn là nhân loại" - thầy Nguyễn Tấn Huy nói.

Đồng quan điểm, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên), bày tỏ: "Ca khúc "hit" của các "sao" Việt vào đề thi văn sẽ phù hợp nếu ca từ của những ca khúc ấy trong sáng, phù hợp với chuẩn mực xã hội và đáp ứng tốt yêu cầu của đề văn. 

Thế nhưng khi hiện tượng này trở thành phong trào, các thầy cô giáo vì để đáp ứng thị hiếu của học sinh mà sử dụng một cách vô tội vạ, không chọn lọc kỹ lưỡng, phù hợp hay không phù hợp cũng cố đưa vào cho bằng được thì sẽ đem đến những hậu quả tai hại".

* TS Nguyễn Trọng Hoàn (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT):

Không ra đề thi theo thị hiếu nhất thời

Ngoài quy định về tiêu chí chung thì đặc thù ngữ liệu trong đề văn còn phải phù hợp với năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lý của học sinh ở từng lớp học, cấp học.

Từ ngữ được chọn lọc trong phạm vi vốn từ văn hóa, có ý nghĩa tích cực, giáo dục phẩm chất, ngôn ngữ, thẩm mỹ và phù hợp với tâm lý học sinh; có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật; thể hiện tinh thần yêu nước, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung...

Không ra những đề văn chạy theo thị hiếu nhất thời và những vấn đề có tính nhạy cảm chưa được kiểm chứng.

'Tôi yêu Đà Nẵng' vào đề thi văn, lan tỏa những điều tử tế

TTO - Chương trình tôn vinh những gương mặt tiêu biểu về người tốt, việc tốt Tôi yêu Đà Nẵng do báo Tuổi Trẻ và UBND TP Đà Nẵng tổ chức vừa được đưa vào đề thi môn Ngữ văn.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên