18/11/2014 08:00 GMT+7

Sôi động "startup" ở Đông Nam Á

CHÂU LUÂN (Theo NBC News)
CHÂU LUÂN (Theo NBC News)

TTO - Theo nguồn vốn đầu tư mạo hiểm lũ lượt chảy vào thị trường công nghệ châu Á, các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây với hi vọng giành được một chân trên mảnh đất "vàng".

Bà Rosaline Koomang, 52 tuổi, mang 2 dòng máu Mỹ - Trung, hiện là nhà sáng lập công ty startup ConneXionsAsia chuyên về bảo hiểm trợ cấp người lao động tại Singapore

Nhưng tại một thị trường mà khả năng thành công thường dựa vào bối cảnh văn hóa, giao tiếp phi ngôn ngữ và các mối quan hệ cá nhân xây dựng lâu dài, thì có vẻ người ngoài khó mà đột nhập.

Gốc Á - điều kiện kinh doanh “cần”…

"Có nhiều cơ hội ở châu Á cho người Mỹ gốc Á hơn ở Mỹ” - bà Rosaline Koo, mang 2 dòng máu Mỹ - Trung, nhà sáng lập công ty startup ConneXionsAsia (CXA) chuyên về bảo hiểm trợ cấp người lao động tại Singapore, nói.

Lớn lên tại Los Angeles trong thời kỳ bạo loạn ở quận Watts, bang California, nguồn gốc châu Á đã khiến bà Koo trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt.

Với khởi đầu khó khăn như vậy, bà Koo tự biến mình thành "tắc kè hoa" trước mọi tình huống - một yếu tố quan trọng giúp bà trưởng thành trong nhiều vị trí phát triển doanh nghiệp khác nhau suốt 18 năm ở Singapore.

"Tôi có gương mặt châu Á. Tôi nghĩ điều đó có ích. Nhưng khi tôi nói bằng chất giọng Mỹ, người ta vẫn hay nghi ngờ rằng tôi là một người Mỹ kiêu ngạo. Tôi không muốn mình là một người Mỹ xấu xí, tôi chỉ muốn đem sự giao thoa văn hóa Mỹ - Á về để phát triển châu Á".

CXA ra mắt cách đây một năm rưỡi và đã có mối quan hệ đối tác với các công ty lớn như  American Express, Google, và Seagate. Công ty đang chuẩn bị đạt doanh thu 1 tỉ USD trong năm đầu tiên hoạt động vào cuối năm 2014.

Nền tảng văn hóa kép đã dạy bà Koo kỹ năng khéo léo dung hòa những khác biệt văn hóa giữa 14 khu vực mà bà cộng tác ở châu Á.

Một ví dụ khác là Paul Srivorakul - CEO công ty đầu tư mạo hiểm Ardent Capital trụ sở tại Đông Nam Á. Sinh ra tại Thái Lan và lớn lên ở California, anh tự xem mình là người "Thái Mỹ" hơn là "Mỹ Thái".

Cách đây 10 năm, trong một chuyến nghỉ phép về nước du lịch khi còn là nhân viên kinh doanh công nghệ tại AskJeeves, Paul đã quyết định làm một cú nhảy vọt cho mình khi nhìn thấy được cơ hội trong ngành công nghiệp web chưa phát triển của Thái Lan.

Thời điểm đó, trang web vẫn còn là điều gì đó mới mẻ tại Đông Nam Á và giá nhập cảnh hấp dẫn khiến nhiều công ty nhanh chóng nhảy vào thị trường mới nổi này. Vì thế, Paul quay về Mỹ học phát triển web trong 5 tháng và thành lập các trang web mua sắm - bán quảng cáo.

Khởi đầu với công ty truyền thông kỹ thuật số Admax dường như không có đối thủ. Nay Admax đã được mua lại và có lượng người truy cập hằng tháng lên đến 90 triệu người.

"Khi bạn ở Silicon Valley, bạn có đến hàng ngàn đối thủ cạnh tranh nhảy vào chỉ để giải quyết một vấn đề nhỏ xíu. Còn ở đây, rất ít người cạnh tranh", Paul tiết lộ.

Paul Srivorakul - CEO công ty đầu tư mạo hiểm Ardent Capital trụ sở tại Đông Nam Á - cho rằng thị trường châu Á đã chín muồi đối với dân Mỹ gốc Á, với những mối gắn kết văn hóa mạnh mẽ để họ tự tin nhảy vọt - Ảnh: NBC News

Kể từ dự án đầu tiên đó, anh đã bán thêm 2 công ty startup nữa và hiện đang hoàn thiện công ty thứ 3 - aCommerce chuyên về dịch vụ hậu cần thương mại điện tử.

Công ty đầu tư mạo hiểm Ardent Capital của Paul đã đổ 11 triệu USD vào 4 startup Đông Nam Á và gần đây huy động 12,5 triệu USD để đầu tư vào các startup ở Indonesia.

… Nhưng chưa đủ

Paul Srivorakul cho rằng thị trường châu Á đã chín muồi đối với dân Mỹ gốc Á, với những mối dây gắn kết văn hóa mạnh mẽ giúp họ tự tin nhảy vọt. Tuy nhiên viễn cảnh kinh doanh ở châu Á đã thay đổi đáng kể trong 20 năm qua.

Nếu trước đây khoảng trống lớn trong ngành công nghệ tạo điều kiện dễ dàng cho doanh nhân Mỹ gốc Á, thì nay chúng dần mất đi. 

Tương đồng văn hóa có thể dọn đường cho các doanh nhân Mỹ gốc Á nhanh chóng xâm nhập thị trường châu Á, nhưng việc tìm kiếm chỗ đứng tại đây cũng khó khăn như bao người khác.

Với bà Koo, dù gốc Á khiến bà kết nối với các đối tác địa phương tốt hơn nhưng lãnh đạo một nhóm cộng sự nam ở Hàn Quốc và Nhật Bản, bà phải đối diện với 3 thách thức lớn.

"Thứ nhất, tôi là người Mỹ - đó là rào cản tồi tệ nhất. Thứ hai, tôi là phụ nữ. Thứ ba, tôi là người châu Á chứ không hẳn là người da trắng như các sếp lớn ở đây".

Bà Jane Hyun - tác giả quyển sách Breaking the Bamboo Ceiling hướng dẫn chiến lược nghề nghiệp cho người châu Á - cảnh báo rằng nền tảng văn hóa kép không đủ để kinh doanh bùng nổ ở châu Á.

Thậm chí, trong một số trường hợp doanh nhân Mỹ gốc Á còn có thể đối mặt với thách thức từ đòi hỏi của đối tác, "vì họ được kỳ vọng sẽ giống người địa phương nhiều hơn nữa, nhưng lực bất tòng tâm”.

CHÂU LUÂN (Theo NBC News)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên