Ứng xử với “tình cảm tuổi mới lớn” của con trẻ phải thực sự tế nhị - Ảnh minh họa: T.T.D.
Với tình thương con vô bờ bến, cha mẹ rất dễ có xu hướng bảo bọc con tối đa có thể, từ đó dẫn đến kiểm soát con quá mức, quyết định thay và giải quyết hết những “bài toán” của con.
Cách "thương" đó lại gây bức bối nơi con trẻ vì cản trở con trên hành trình bứt phá để tự lập.
Lời than của "cảnh sát"
Chị Tuyết Ngân (Q.Tân Phú, TP.HCM) đến gặp chuyên viên tâm lý nhờ "giải cứu" tình trạng căng như dây đàn với cô con gái học lớp 8.
Lý do là gần đây, chị thấy con có vẻ "khả nghi" nên bí mật "soi" bàn học của con và phát hiện một cành hoa khô kèm dòng chữ "Nhớ nhiều!".
Cả ngày hôm đó, chị đứng ngồi không yên vì lo lắng con chểnh mảng học hành, rồi tưởng tượng cảnh mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai...
Tối đó, chị đã đưa "vật chứng" ra và mắng con một trận. Chẳng dè, cô bé phản ứng dữ dội: "Sao mẹ tự ý lục lọi đồ của con? Sao mẹ quá đáng vậy?"...
Và, chị đã lần đầu tiên tát tai con. Con gái chị sau hôm đó không nói, không cười, như "người dưng nước lã"...
Không ít bậc cha mẹ từng than thở đứa con tuổi mới lớn của họ gần đây trở nên "khó ưa", "khó gần", "khó hiểu", khiến có vị phụ huynh đành... lén lục tìm những "bí mật" và cả đọc trộm nhật ký của con.
Có cha mẹ còn nhờ người cài phần mềm theo dõi để kiểm soát "hành tung" của con trên Internet. Từ đó dẫn đến những "vết nứt" khi con trẻ biết được và không chấp nhận việc này!
Theo TS Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia), "việc kiểm soát quá mức thường khiến con tuổi mới lớn ức chế, bất mãn, chống đối, phản kháng bằng cách làm ngược lại điều cha mẹ đang cấm, càng cấm càng làm.
Một số khác chán nản, buông xuôi, mất niềm tin vào cha mẹ và không còn động lực vươn lên trong cuộc sống, thậm chí có hành vi nông nổi khi không kiểm soát được cảm xúc".
Ở lứa tuổi dậy thì, trẻ không còn suốt ngày quấn quýt cha mẹ, mà từng ngày tập trưởng thành bằng cách tách khỏi, bứt phá, độc lập, tự lập. Cha mẹ cần cho con khoảng không gian cần thiết và giúp con tập bay với đôi cánh chưa đủ rộng của mình.
TS Nguyễn Thị Bích Hồng (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Giúp con "tập bay"
Bước vào tuổi dậy thì, trẻ phát triển "đại nhảy vọt" về mọi mặt, làm nảy sinh đặc điểm tâm lý nổi bật: cảm giác là người lớn và mong muốn làm người lớn. Lúc này, nhu cầu độc lập của trẻ bùng phát mạnh mẽ.
Dẫu vậy, cả trong thực tế lẫn dưới mắt cha mẹ, trẻ vẫn chưa đủ "khôn" nên cha mẹ có xu hướng tiếp tục bảo bọc, kiểm soát con quá mức khiến con bức bối.
"Như thế là trái với quy luật phát triển tự nhiên, vì con trẻ cần trở thành một cá nhân độc lập, được là chính mình, được chịu trách nhiệm và sống cuộc đời của chính mình", bà Thúy phân tích.
Vậy nên, cha mẹ có thể chọn giải pháp "mềm", đó là trở thành người bạn tin cậy để đồng hành cùng con. Cha mẹ cần dành thời gian cùng con trải nghiệm qua nhiều hoạt động sống: học hành, thể thao, làm việc nhà, vui chơi giải trí...
Đặc biệt, cha mẹ cần chân thành lắng nghe để hiểu rõ vấn đề, cảm xúc, suy nghĩ của con. Khi được người lớn lắng nghe mà không phán xét hay "dạy dỗ", con trẻ sẽ thoải mái chia sẻ, từ chuyện sức khỏe, học hành, bạn bè cho đến những "bí mật" của mình.
Nhờ đồng hành cùng con, cha mẹ có thể đo lường được "vùng phát triển"- chủ yếu là mức độ hiểu biết và năng lực giải quyết vấn đề - của con trẻ. Vì vậy, khi đối diện một chuyện cụ thể, cha mẹ đề nghị con tự giải quyết nếu vấn đề nằm trong "vùng phát triển hiện tại" của trẻ.
Nếu vấn đề thuộc "vùng phát triển gần" của trẻ (hơi vượt quá năng lực của trẻ), cha mẹ thảo luận để con hiểu rõ vấn đề và gợi ý để con tự điều chỉnh giải pháp phù hợp hơn, rồi động viên con tự giải quyết.
Còn nếu vấn đề thuộc "vùng phát triển tương lai" của trẻ, cha mẹ cần giải quyết để "làm mẫu" cho con.
Để đồng hành cùng con, điều quan trọng nhất phải giữ cho được "sợi dây" tình cảm với con. "Sợi dây" đó thật ra đã sẵn có trong quá trình cha mẹ tượng hình con trong bào thai, chào đón con ra đời, dày công nuôi nấng, chăm sóc con trong những năm tháng đầu đời.
Và sợi dây ấy sẽ ngày càng bền chặt hơn trong suốt quá trình cha mẹ động viên và hỗ trợ con đạt đến những "vùng phát triển gần nhất" kế tiếp nhau trong đời. Nếu cha mẹ nào đã lỡ "làm đứt", cần phải nối lại "sợi dây" tình cảm ấy, vì muộn vẫn còn hơn không.
Trong tuần, từ ngày 15 đến 22-6, hộp thư toam@tuoitre.com.vn đã nhận được thư cộng tác của bạn đọc: Phạm Thư, Tiêu My, Huyền Trang, Thái Hoàng... Cảm ơn bạn đọc đã gửi bài, Tổ ấm sẽ tiếp tục chọn để đăng tải.
Ứng xử với chuyện tình bạn khác giới của con
Nếu cha mẹ đo lường rằng con mình biết rõ các biểu hiện của rung động giới tính-thích-yêu và tình bạn-tình yêu, hậu quả và trách nhiệm của quan hệ tình dục sớm, cách phòng ngừa bị xâm hại tình dục, các biện pháp tránh thai... thì có lẽ chỉ cần tỉ tê thêm với con về cách nuôi dưỡng tình bạn trong sáng hướng tới mục tiêu học hành là đã đủ cho con biết cách ứng xử với tình bạn khác giới tuổi mới lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận