28/11/2014 08:41 GMT+7

​Soạn luật: có tình trạng “đẽo cày giữa đường”?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đó là vấn đề được chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc đặt ra vào ngày 27-11, khi Quốc hội thảo luận dự án Luật ban hành văn bản pháp luật.

Theo ông Lộc, luật hiện hành không có quy định về giai đoạn định hình chính sách cho mỗi văn bản pháp luật, điều này đã khiến các dự thảo không có định hướng chính sách rõ ràng.

Việc thiếu định hướng của các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản ngay từ khi xem xét, đề xuất ý tưởng khiến người soạn thảo giống như anh “đẽo cày giữa đường”, không biết nên kiên định đường hướng nào.

Ảnh: Hoàng Nam
Ảnh: Hoàng Nam

 Quy định về việc xác định các đối tượng điều chỉnh của văn bản và phải lấy ý kiến của đại diện các đối tượng đó một cách trực tiếp, như gửi văn bản đến tổ chức đại diện cho đối tượng điều chỉnh để tránh việc lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của các bộ như hiện nay rất hình thức và không hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Huệ

“Luật trên trời...”

“Thực tế cho thấy một số văn bản ban hành không rõ mục tiêu, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và nguyên tắc xây dựng chính sách, dẫn tới những hiểu nhầm và tranh luận không cần thiết, hoặc nội dung dự thảo không đúng với chủ trương, định hướng của người có thẩm quyền ban hành văn bản. Ví dụ ở một số đề xuất trước đây về quản lý xe ôm, về sức khỏe của người lái xe... Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo cần làm rõ nội dung này” - đại biểu Lộc nêu vấn đề.

Vẫn theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay các bộ, ngành vẫn là cơ quan soạn thảo pháp luật chủ yếu. Có một xu hướng tự nhiên là nhiều chính sách đã dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản, nhưng không có một cơ chế nào hạn chế hệ quả của việc này.

“Do vậy, tôi đề nghị dự thảo luật cần có quy định giới hạn thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tập trung thực thi đầy đủ quyền lập pháp của Quốc hội và quyền ban hành văn bản hướng dẫn luật của Chính phủ” - ông Lộc nói.

Ông Lộc cho rằng “dự thảo chưa đưa ra các giải pháp có hiệu quả nào để giải quyết tình trạng này” và đề nghị bổ sung ba nguyên tắc sau đây vào dự thảo:

“Một là các loại văn bản cấp bộ, ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền, hoặc tăng thêm nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân so với quy định của văn bản cấp trên. Hai là chỉ các văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng trở lên mới có thể có văn bản hướng dẫn. Ba là có cơ chế để kiểm soát và xử lý trách nhiệm của việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn”.

Ảnh: Hoàng Nam

Người dân và doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định, bởi khá nhiều trường hợp công chức ở cơ sở đã từ chối thực hiện thủ tục vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn. Họ cũng sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định vì trong không ít trường hợp, thông tư hạn chế quyền và mở rộng nghĩa vụ của họ nhiều hơn so với luật và nghị định. 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Người dân, doanh nghiệp phải được tham gia

Từ thực tiễn hoạt động của Phòng Thương mại và công nghiệp VN, ông Lộc cho rằng quyền tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình ban hành văn bản pháp luật (đã được Hiến pháp quy định) cần được thể chế hóa đầy đủ trong luật này.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) bày tỏ: “Đây không chỉ là luật về quy trình cho các cơ quan nhà nước ban hành văn bản, mà phải là cơ sở pháp lý cho việc phát huy dân chủ của toàn dân trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, phải thể chế hóa đầy đủ tinh thần thượng tôn pháp luật và đưa tinh thần đó đến cuộc sống của toàn thể nhân dân.

Do đó, tôi đề nghị luật này cần bao quát đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình thực hiện của tất cả các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc ban hành các văn bản pháp luật với quy trình bảo đảm công khai, minh bạch”.

Dự án luật này sẽ được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại kỳ họp giữa năm 2015.

Giám đốc công an tỉnh quân hàm cao nhất là đại tá

Với tỉ lệ phiếu tán thành không cao như nhiều đạo luật khác, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân VN (có 363 đại biểu tán thành, 51 không tán thành và 24 không biểu quyết); Luật công an nhân dân (sửa đổi) với 357 đại biểu tán thành, 62 không tán thành, 19 không biểu quyết đã được Quốc hội thông qua ngày 27-11.

Điểm mới đáng chú ý nhất của hai đạo luật này là quy định rõ từng vị trí có cấp hàm tướng, giới hạn cấp hàm đối với từng chức vụ. Không còn các quy định như địa bàn trọng điểm, vị trí đặc biệt để có thể “vận dụng” thăng quân hàm vượt cấp như trước (hiện nay, người giữ vị trí giám đốc công an nhiều tỉnh, TP đeo lon tướng).

Theo quy định mới, giám đốc công an cấp tỉnh, chỉ huy trưởng và chính ủy bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh có trần cấp hàm cao nhất là đại tá. Riêng tư lệnh, chính ủy Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội, tư lệnh và chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM và giám đốc công an hai TP này có trần quân hàm cao nhất là trung tướng. Tư lệnh hải quân có trần cấp hàm là đô đốc.

Một điểm mới khác được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích và Quốc hội nhất trí là “nâng trần quân hàm trung đội trưởng và tương đương là đại úy, đại đội trưởng và chính trị viên đại đội là thiếu tá để đảm bảo ổn định đội ngũ sĩ quan trong quân đội, cùng với chế độ chính sách khác sẽ đảm bảo cho sĩ quan trẻ chăm lo cho gia đình, yên tâm phục vụ quân đội”.

LÊ KIÊN

Đưa nguyên tắc quốc phòng vào quản lý tài nguyên biển đảo

Dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại hội trường cùng ngày.

Dự thảo này quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải VN, nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN có liên quan trực tiếp đến thăm dò, khai thác tài nguyên chỉ được phép công bố, chuyển giao cho bên thứ ba thông tin, kết quả nghiên cứu khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài nguyên - môi trường.

Về phía Bộ Tài nguyên - môi trường có trách nhiệm thống nhất với Bộ Quốc phòng về việc cho phép công bố, chuyển giao trước khi ban hành văn bản trả lời. Đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) cho rằng quy định như trên chưa đầy đủ vì vấn đề nêu trên không chỉ liên quan đến lĩnh vực quốc phòng mà còn là an ninh quốc gia và đối ngoại, do vậy cần quy định theo hướng có sự tham gia đầy đủ của các bộ có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng vấn đề khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên biển không giống với trên đất liền, vấn đề này có liên hệ chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ... do vậy cần có sự tham gia của Bộ Quốc phòng trong việc lập, phê duyệt chiến lược khai thác, sử dụng bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Dự thảo luật này sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp đầu năm 2015.

V.V.THÀNH

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên