11/11/2021 18:42 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM: Phần lớn ca chết do COVID-19 là người lớn tuổi, người có bệnh nền

ĐAN THUẦN - KIM ÚT
ĐAN THUẦN - KIM ÚT

TTO - Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo các quận huyện tiếp tục tìm những người lớn tuổi, khó khăn đi lại chưa được tiêm vắc xin thì phải xem xét tiêm sớm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc có những biện pháp bảo vệ.

Sở Y tế TP.HCM: Phần lớn ca chết do COVID-19 là người lớn tuổi, người có bệnh nền - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân lớn tuổi tại Trung tâm hồi sức COVID-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chiều 11-11, TP.HCM tổ chức họp báo thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã chia sẻ một số thông tin về những trường hợp tử vong và bệnh nặng do COVID-19.

Cần có biện pháp bảo vệ người già, người có bệnh nền

Ông Châu cho biết sau khi số ca COVID-19 giảm xuống vào cuối tháng 9, đến nay số trường hợp bệnh nhân phải thở oxy dao động khoảng 1.800 trường hợp; số ca thở máy xâm lấn khoảng 230 đến 250 trường hợp.

Số ca tử vong sau khi giảm thấp nhất khoảng 21 trường hợp vào ngày 30-10, sau đó dao động  từ 21 đến khoảng 43 trường hợp mỗi ngày.

Theo ông Châu, bên cạnh những trường hợp bệnh nhân tại TP.HCM tử vong thì có một số bệnh nhân tại các tỉnh khác do bệnh quá nặng được chuyển về TP.HCM điều trị nhưng không qua khỏi.

"Số ca tử vong trong ngày hôm nay là 38 ca, trong đó 34 trường hợp có bệnh nền. Số ca tử vong từ 18 - 50 tuổi là 2 trường hợp; 15 trường hợp tử vong từ 51 - 65 tuổi (39,5%); số ca tử vong trên 65 tuổi là 21 trường hợp (55%).

Phân tích thêm về tiền sử tiêm vắc xin thì có 20 trường hợp tử vong mà chưa tiêm vắc xin, trong đó có 12 trường hợp trên 65 tuổi, có bệnh nền, thậm chí có trường hợp nằm một chỗ nhiều năm nay.

Có 2 trường hợp tử vong đã tiêm 1 mũi vắc xin; 10 trường hợp tử vong đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, cả 10 trường hợp này đều trên 50 tuổi và có bệnh nền", ông Châu phân tích.

Ông Châu nhận định nhóm nguy cơ cao tử vong do COVID-19 hiện nay là nhóm những người mắc bệnh nền, cao tuổi và đặc biệt là những người bệnh nền nằm một chỗ lâu ngày, chưa tiêm vắc xin.

"Sở Y tế đã khuyến cáo các quận huyện tiếp tục tìm những người già, những người lớn tuổi, những người nằm một chỗ chưa được tiêm vắc xin thì phải xem xét tiêm sớm hoặc có những biện pháp bảo vệ.

Những người trẻ trong gia đình, những người tiếp xúc nhiều phải cẩn thận, tránh việc mang COVID-19 về cho người thân, nhất là những người lớn tuổi", ông Châu khuyến cáo.

Sẽ tăng cường nhân lực cho các trạm y tế để quản lý F0

Sở Y tế TP.HCM: Phần lớn ca chết do COVID-19 là người lớn tuổi, người có bệnh nền - Ảnh 2.

Nhân viên trạm y tế phường 7, quận Phú Nhuận đến nhà lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp nghi nhiễm - Ảnh: DUYÊN PHAN.

Đề cập tới y tế cơ sở, ông Châu đánh giá các trung tâm y tế và trạm y tế các phường, xã đóng vai trò rất quan trọng trong tất cả các chương trình sức khỏe cộng đồng.

Lâu nay khi chưa có dịch, các đơn vị này đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người dân. Tuy nhiên khi đại dịch COVID-19 xảy ra, số ca F0 tăng lên rất nhiều đã bộc lộ những hạn chế trong hệ thống y tế cơ sở do không đáp ứng kịp với số lượng mắc bệnh tăng cao.

Hiện TP.HCM có 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên căn cứ theo những quy định của Thông tư liên tịch số 08/2007 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ thì biên chế hiện nay của trạm y tế tại TP.HCM rất thấp.

"Ví dụ các trạm y tế được phân bổ từ 5 biên chế trở xuống có tới 52 trạm; trạm y tế được phân bổ từ 6-8 biên chế có 173 trạm; trạm được phân bổ từ 9-10 biên chế là 64 trạm. Trong khi đó thực tế TP.HCM khác với các địa phương khác, thực tế mỗi trạm y tế cần ít nhất khoảng 10 người với quy mô trung bình mỗi phường, xã trên địa bàn TP khoảng 30.000 người", ông Châu nói.

Ông Châu chia sẻ có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, trong đó chế độ đãi ngộ, chính sách và các trạm y tế không có sức hút đối với nhân lực. Đặc biệt tại TP.HCM hệ thống y tế tư nhân phát triển rất mạnh, do đó đây là những nơi mà lâu nay người dân tìm đến thay vì các trạm y tế.

Theo ông Châu, để giải quyết vấn đề trên, trong thời gian tới, Sở Y tế TP đã được UBND TP giao xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở trong giai đoạn mới.

"Trong kế hoạch này sẽ có rất nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp trước mắt như tạm thời cử các bác sĩ, nhân viên y tế từ các bệnh viện quận, huyện, các cơ sở điều trị trên địa bàn TP về tăng cường thêm cho các trạm y tế cơ sở để quản lý F0.

Trong vài tháng nữa, hy vọng sẽ có thể điều chuyển các bác sĩ mới ra trường từ Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch về tăng cường cho các trạm y tế cơ sở. Về giải pháp lâu dài, sẽ đề xuất với HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội để thay đổi một loạt chính sách nhằm thu hút thêm nhân lực về phục vụ cho các trạm y tế cơ sở", ông Châu nói.

Ông Châu cho rằng để thu hút nhân lực cho y tế cơ sở không chỉ vấn đề về lương, thu nhập mà còn phải có các chính sách để họ phát triển được nghề nghiệp trong thời gian dài. "Phải có chính sách để những người hoạt động được ở trạm y tế vẫn có thể trở thành những thạc sĩ, tiến sĩ, vẫn có thể được lên ngạch…", ông Châu chia sẻ.

TP.HCM: Hơn 90% trẻ từ 12-17 tuổi đã được tiêm vắc xin

Sở Y tế TP.HCM: Phần lớn ca chết do COVID-19 là người lớn tuổi, người có bệnh nền - Ảnh 3.

Tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi tại Trường tiểu học An Hội (quận Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: HOÀNG AN

Ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết theo thống kê trên toàn TP.HCM, số lượng trẻ em trong độ tuổi 12-17 là 701.820, gồm cả trẻ đi học và không đi học.

Khi thành phố triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em, 665.449 gia đình có trẻ em đồng thuận tiêm, chiếm tỉ lệ 94,8%. Trong quá trình khám sàng lọc, có nhiều trẻ không đủ tiêu chuẩn tiêm nên số trẻ thực sự tiêm được là 651.468 trẻ, chiếm tỉ lệ 92,8%. Có 54 trẻ có phản ứng sau tiêm, đều là phản ứng nhẹ.

Ông Tâm cho biết khó khăn nhất trong công tác tiêm chủng đợt này là di biến động dân cư lớn. Số lượng này chủ yếu ở nhóm trẻ không đi học, từ đó khiến công tác quản lý gặp khó khăn nên thành phố phải tổ chức khảo sát, tiêm vét thêm vài ngày.

Hiện nay, 12 tỉnh thành phố triển khai tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Lào Cai. Số lượng là hơn 1.119.000 liều.

Bộ Y tế: Không có ca tử vong trong thí điểm điều trị COVID-19 bằng thuốc Molnupiravir Bộ Y tế: Không có ca tử vong trong thí điểm điều trị COVID-19 bằng thuốc Molnupiravir

TTO - Bộ Y tế cho biết kết quả thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan và chuyển nặng.

ĐAN THUẦN - KIM ÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên