Ông Abdul Muein Abadi, giảng viên Đại học Quốc gia Malaysia, phát biểu tại diễn đàn về "Trung Quốc hóa" ở Bangi hôm 7-3 - Ảnh: TWITTER
Phát biểu tại diễn đàn về "Trung Quốc hóa" ở Bangi ngày 7-3, ông Abdul Muein Abadi - giảng viên của Đại học Quốc gia Malaysia (UKM) - nói rằng Malaysia nên theo gương các nước láng giềng, đổi tên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở Biển Đông.
Vị chuyên gia về khoa học chính trị nói rằng động thái này nhằm khẳng định chủ quyền của Malaysia ở khu vực tranh chấp.
Ông Muein đề xuất rằng thay vì gọi bằng tên quốc tế biển Nam Trung Hoa (South China Sea) như thường dùng ở nhiều tài liệu quốc tế, Malaysia có thể gọi bằng "Malaysia Raya Sea" để gửi thông điệp tới các tàu cá và tàu hải quân Trung Quốc đi vào vùng biển của Malaysia.
"Tại sao chúng ta cứ tiếp tục sử dụng cái tên biển Nam Trung Hoa? Ba trong số các láng giềng của chúng ta đã điều chỉnh, chúng ta cũng cần có bước đi tương tự" - ông Muein nói thẳng.
Ông Muein hiện nằm trong nhóm nghiên cứu về "Trung Quốc hóa" của Viện nghiên cứu liên ngành và chiến lược quốc tế (IRIS). Ông có các nghiên cứu về tranh chấp lãnh thổ, quan hệ Trung Quốc và đầu tư Trung Quốc.
Theo tờ Malay Mail của Malaysia, Philippines đã đổi tên vùng EEZ của nước này ở Biển Đông thành Biển Tây Philippines (West Philippine Sea) hồi tháng 9-2012, trong khi Việt Nam từ lâu đã dùng tên gọi Biển Đông.
Tháng 7-2017, Indonesia cũng đã đặt tên lại phần phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế nước này ở Biển Đông là biển Bắc Natuna. Động thái này đã bị Trung Quốc phản đối kịch liệt vào thời điểm đó.
Biển Đông là một biển nửa kín, nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương với diện tích khoảng 3,5 triệu km2 trải rộng từ eo biển Malacca tới eo biển Đài Loan. Malaysia hiện cũng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Anifah Aman nói rằng Malaysia, cùng những quốc gia khác trong khối ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, không công nhận cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh vẽ ra để đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Ông nói rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận