Gần đây diễn viên Nam Thư đã tổ chức buổi gặp gỡ truyền thông, để cung cấp một số thông tin liên quan đến đời tư bị cộng đồng mạng lên án.
Né xin phép họp báo, tổ chức buổi gặp gỡ có vi phạm pháp luật?
Ngay sau buổi gặp gỡ diễn ra, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết chưa nhận được hồ sơ xin phép tổ chức buổi gặp gỡ của Nam Thư và phóng viên.
Đây là một trong nhiều trường hợp nghệ sĩ né xin phép họp báo nên tổ chức thành những buổi gặp gỡ hoặc chia sẻ thông tin.
Tại buổi họp báo định kỳ ở Trung tâm Báo chí TP.HCM vào chiều 8-8, bà Phạm Đắc Mỵ Trân - trưởng phòng báo chí Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - thông tin thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân tổ chức gặp gỡ truyền thông để cung cấp thông tin nhằm né tránh việc xin phép tổ chức họp báo.
Bà Mỵ Trân nói theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 41 Luật Báo chí năm 2016:
"Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ, tính đến thời điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí".
Như vậy, trường hợp cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo nhưng không xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là hành vi vi phạm được quy định cụ thể tại điều 11 nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7-10-2020 (được sửa đổi, bổ sung theo nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27-1-2022) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Mời Nam Thư lên làm việc
"Để ngăn chặn tình trạng này cần có các giải pháp đồng bộ, phối hợp từ nhiều phía. Trong đó, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm do cố tình;
Các cơ quan báo chí cũng cần phải truyền thông rộng rãi để giúp các tổ chức, cá nhân biết được quy định và chấp hành pháp luật, đồng thời nếu phát hiện các trường hợp tổ chức họp báo nhưng không xin phép thì báo nhanh về sở để kịp thời xem xét, xử lý;
Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện cần phải nắm rõ quy định pháp luật, đề nghị bên thuê tổ chức sự kiện cung cấp các văn bản chấp thuận cho phép tổ chức của cơ quan nhà nước.
Khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng có quyền dừng, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 6 điều 41 Luật Báo chí năm 2016" - bà Mỵ Trân trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online.
Đối với trường hợp của Nam Thư, bà Phạm Đắc Mỵ Trân cho biết sẽ mời Nam Thư lên làm việc, nếu có sai phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Thời gian qua, một số TikToker như L.B., N.P. mặc đồ bộ đội có hành động nhảy phản cảm gây bức xúc trong dư luận.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM thông tin nghị định 72/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, khi muốn xử lý vi phạm phải xác định được chủ thể, sau đó xác định hoạt động trên địa bàn nào.
Theo thông tin sở nắm được thì các TikToker này ở Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM không có chức năng xử lý vụ việc của cá nhân trên địa bàn khác.
Trong trường hợp chưa rõ thông tin, sở có thể tổng hợp dữ liệu, video gửi cho Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông vì đây là cơ quan được giao xử lý thông tin xấu, độc, tiêu cực, phản cảm… trên môi trường mạng, các nền tảng xuyên biên giới.
Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bốn quy tắc chung là: tôn trọng, lành mạnh, an toàn - bảo mật thông tin và trách nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận