Hôm nay, HĐND TP sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng và Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt.
Nội dung chất vấn sẽ liên quan trách nhiệm của giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và chủ tịch quận UBND quận Bình Tân.
Cụ thể, các vấn đề chất vấn sẽ xoay quanh hạ tầng công nghệ thông tin; an ninh mạng và bảo mật thông tin; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số; việc xử lý tin giả, tin sai sự thật; công tác đầu tư công tập trung các dự án giáo dục; cũng như quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, buổi chiều các đại biểu nghe báo cáo tình hình thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường.
Đồng thời, HĐND sẽ tổ chức giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chương trình cải cách hành chính về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025”.
Kỳ họp cũng sẽ thảo luận, thông qua các dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề; thảo luận, thông qua các dự thảo nghị quyết về các tờ trình của UBND TP. Làm công tác nhân sự (nếu có).
Đề xuất tài khoản mạng xã hội định danh mới được bình luận
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Nga cho rằng hiện nay rất dễ nhận thấy những tài khoản tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Đại biểu đề nghị giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp quản lý thông tin trên mạng xã hội, phòng chống tin giả, tin sai lệch.
Trả lời câu hỏi, ông Thắng cho biết hiện nay thông tin trên mạng Internet chủ yếu từ hai nguồn: các tổ chức, cá nhân trong nước được cấp phép và những trang thông tin không rõ nguồn gốc, tuy dùng tiếng Việt nhưng tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài. Tin giả, tin sai lệch chủ yếu lan truyền qua các mạng xuyên biên giới này.
Với những đơn vị được quản lý nếu có sai phạm thì cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Tuy nhiên việc xử lý tin giả trên các mạng xã hội xuyên biên giới còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân, ông Thắng cho rằng do hiện nay doanh nghiệp mạng xã hội xuyên biên giới chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Khi vi phạm, bị cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ thì đa phần doanh nghiệp tìm cách né tránh.
Bên cạnh đó, với các tin giả, tin sai lệch thì đơn vị liên quan phải kịp thời phát ngôn, xác minh thông tin đến người dân.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các địa phương khác xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không chỉ trên địa bàn TP.HCM. Như vừa qua, TP.HCM đã phối hợp tỉnh Bắc Giang xử lý một tài khoản có bài đăng không đúng về TP.HCM.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp chặt chẽ với Công an TP.HCM giám định tư pháp những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự. Năm 2023 sở đã chuyển 24 hồ sơ và từ đầu năm 2024 đến nay là 18 hồ sơ.
Sở cũng đã tuyên truyền 2 bộ quy tắc và cẩm nang đến người dân gồm quy tắc ứng xử trên không gian mạng và cẩm nang phòng, chống tin giả.
Ngoài ra thời gian qua, qua hệ thống Lắng nghe mạng xã hội cũng đã phát hiện được các trang thông tin điện tử thay đổi thông tin, nguồn gốc hoặc có hành vi vi phạm trên mạng.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng tích cực kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới vi phạm. Từ đầu năm đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã chuyển 30 tài khoản vi phạm trên không gian mạng để xử lý.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục kiến nghị thay đổi thể chế, điều chỉnh nghị định liên quan đến quản lý thông tin trên mạng xã hội. Hiện có nghị định nhưng chưa đảm bảo về pháp lý.
Sở Thông tin và Truyền thông đang kiến nghị sửa đổi theo hướng tài khoản trên mạng xã hội phải có định danh, chỉ có tài khoản định danh mới được bình luận. Những tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới bắt buộc phải chấp hành pháp luật Việt Nam. Đồng thời phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng ở các ngành, địa phương trong việc phát ngôn, phản bác tin giả, tin sai lệch.
Đáng chú ý, Sở Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu thành lập bộ phận xử lý tin giả của TP.HCM đặt tại Trung tâm Báo chí TP.HCM. Bộ phận này sẽ phối hợp với Trung tâm Phòng, chống tin giả của Việt Nam.
Sở cũng tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc nhận diện, chống tin giả, tin sai sự thật.
Vì sao giải ngân chuyển đổi số 0 đồng?
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Khoa đặt vấn đề tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên lĩnh vực thông tin và truyền thông đến nay như thế nào. Thời gian qua có thông tin cho rằng hiện nay giải ngân lĩnh vực này đang 0 đồng.
Ông Lâm Đình Thắng cho biết năm 2024, TP.HCM bố trí 1.290 tỉ đồng cho các dự án công nghệ. Từ tháng 6-2023, các đơn vị đã đề xuất nhu cầu đầu tư về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp về UBND TP.HCM vào tháng 12-2023.
Tuy nhiên qua trao đổi, thẩm định hiện có nơi chưa báo cáo đầy đủ nên đến tháng 5-2024, TP mới có quyết định bố trí vốn. Đây là lý do khiến công tác giải ngân chưa nhanh.
Dự kiến việc giải ngân vẫn hoàn thành trong năm, rơi vào quý 3, quý 4. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án công nghệ - thông tin.
Thông tin thêm ông, ông Thắng cho biết dự kiến tháng 7 này, TP.HCM sẽ đưa vào thử nghiệm hệ thống quản lý đầu tư nền tảng số. Trên nền tảng này, lãnh đạo TP.HCM và các địa phương sẽ theo dõi được công tác giải ngân các dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận