Mấy ngày qua, góc tường đặt chiếc tủ kính trong nhà ông Bríu Đen - trưởng thôn Anonh (xã A Nông, Tây Giang, Quảng Nam) - mỗi ngày lại có thêm những chùm chìa khóa xe máy được treo lên.
Nói không với xe máy dịp Tết
Các chùm chìa khóa được treo ở nhà ông Đen không phải của thành viên trong gia đình mà là của bà con trong thôn.
Lo sợ uống rượu rồi đi xe máy không an toàn, người dân ở đây đã đến đăng ký với trưởng thôn để gửi chìa khóa nhờ cất giúp trong 3 ngày Tết.
Trên chiếc tủ kính nơi treo các chùm chìa khóa có các bảng tên ghi rõ chủ nhân. Đó là ông A Lăng Gạo, Bríu Dũng, Bnươh Tùng…
Ông Đen cho biết các vị trí, bảng tên treo chìa khóa đã được làm sẵn theo danh sách những người trong thôn đã đăng ký theo vận động của chính quyền, công an xã.
Không riêng ở thôn Anonh, nhiều ngôi làng ở huyện Tây Giang, Nam Giang mấy năm nay cũng duy trì hoạt động đặc biệt này. Riêng ở huyện Tây Giang, việc gửi chìa khóa xe máy mấy ngày Tết để hạn chế tai nạn đã được tổ chức thành hẳn phong trào.
Ông Lê Hoàng Linh, bí thư Đảng ủy xã A Xan, cho biết dịp Tết người dân uống rượu bia khá nhiều. Với việc đường sá phức tạp, nguy cơ tai nạn cao dịp Tết nên ông đã chỉ đạo cho các đơn vị, các thôn tổ chức mô hình giữ hộ chìa khóa xe máy cho dân trong thời gian Tết.
"Hiện tại các thôn đã nắm danh sách, vận động bà con nhất trí thực hiện. Từ tối 30 đến mùng 3 Tết năm Ất Tỵ, xe máy bà con sẽ được để ở nhà. Chìa khóa gửi cho thôn trưởng, già làng nhằm hạn chế nguy cơ tai nạn trong mấy ngày xuân" - ông Linh nói.
Phát động toàn dân gửi xe máy dịp Tết
Trước thềm Tết, Công an huyện Tây Giang tổ chức một hoạt động đặc biệt: phát động toàn dân tự nguyện giao nộp chìa khóa xe cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong các ngày lễ, Tết.
Sau lễ phát động, công an giao thông, lực lượng các xã xuống từng thôn, làng để tuyên truyền và ngay lập tức nhận được nhiều cái gật đầu từ người vùng cao.
Chủ tịch xã A Nông Yđêl Bốn cho biết dù giản dị, hoạt động đơn giản nhưng việc tổ chức giữ giúp chìa khóa để người dân không đi xe trong mấy ngày Tết là việc làm rất thiết thực.
"Trước khi thực hiện thì chúng tôi liên tục tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của việc lái xe sau khi uống rượu bia. Bằng hình ảnh trực quan, những câu chuyện sinh động, dễ hiểu nên hầu như bà con đều hiểu rõ sự nguy hiểm của việc lái xe sau khi đã dùng bia, rượu" - ông Yđêl Bốn nhấn mạnh.
Theo Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Tây Giang, sau xã A Nông thì hiện mô hình đã được nhân rộng. Khi công an, cán bộ xuống tuyên truyền thì bà con rất đồng lòng.
Chìa khóa xe máy sẽ được đưa về tại nhà thôn trưởng, già làng hoặc người có uy tín trong cộng đồng.
Khi có việc khẩn cấp hoặc ra Tết thì bà con sẽ được lấy về để đi lại. Với cách làm đơn giản nhưng thực tế này, nguy cơ tai nạn giao thông dịp Tết ở vùng cao sẽ ít hơn.
Không đi xe máy để ăn Tết trọn vẹn
Ông A Lăng Được, người dân xã A Nông, nói rằng khi thấy công an, chính quyền phát động bà con giao gửi chìa khóa, không sử dụng xe đi lại trong mấy ngày Tết thì ông rất ủng hộ.
Ông Được nói lâu nay dù biết đi xe máy sau khi uống rượu là nguy hiểm, sai luật nhưng ở vùng xa bà con uống bia, rượu trong mấy ngày Tết rất dày. Xe máy lại là phương tiện chính để đi thăm nom, chúc Tết nhau.
"Thực ra mình tự giữ chìa khóa cũng được nhưng nhiều khi say lên lại dễ dãi với mình, gia đình. Lúc xảy ra hậu quả mới thấy hối hận.
Từ Tết này chúng tôi cứ gửi chìa khóa lên cho trưởng thôn cho chắc, uống rượu rồi muốn đi đâu cũng không có xe, như thế lại an toàn cho mình để ăn Tết vui vẻ, trọn vẹn" - ông Được nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận