21/05/2018 17:45 GMT+7

Sợ rớt lớp 10, học sinh Hà Nội đổ xô vào trường tốp giữa

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Hôm nay 21-5 là thời hạn cuối cùng học sinh Hà Nội được điều chỉnh nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019. Theo ghi nhận, rất nhiều học sinh đổi nguyện vọng sang trường tốp giữa.

Sợ rớt lớp 10, học sinh Hà Nội đổ xô vào trường tốp giữa - Ảnh 1.

Phụ huynh xem điểm thi vào lớp 10 của con em trong kỳ tuyển sinh năm học 2017-2018 - Ảnh: VĨNH HÀ

Với số lượng học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 năm nay tăng 22.000 so với năm học trước, Hà Nội đã phải tăng thêm 12.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường THPT công lập so với năm trước.

Tuy nhiên nhiều học sinh vẫn căng thẳng, vì chỉ với 62% số học sinh được vào trường công lập thì vẫn sẽ có gần 31.000 học sinh bị rớt.

Trường tốp giữa vọt lên xếp đầu về tỉ lệ "chọi"

Theo số liệu do Sở GD-ĐT Hà Nội công bố, có 94.964 lượt học sinh đăng kí nguyện vọng 1 và 89.602 lượt học sinh đăng ký nguyện vọng 2. Nhưng số lượng đăng ký vào từng trường có những biến động rất rõ so với năm trước.

Trong khi một số trường thuộc tốp đầu có số lượng đăng ký giảm, tỉ lệ "chọi" cũng giảm thì nhiều trường tốp giữa vọt lên xếp đầu về tỉ lệ "chọi". Một số trường tốp giữa có số học sinh đăng ký cả hai nguyện vọng đều tăng cao.

Những năm trước, một số trường thuộc tốp giữa của Hà Nội như THPT Nguyễn Trãi, THPT Quang Trung (Q.Đống Đa), THPT Đống Đa, THPT Đoàn Kết (Q.Hai Bà Trưng)… có số lượng đăng ký nguyện vọng 2 cao hơn hẳn, vì đây là những trường có chất lượng đứng đầu tốp giữa. Năm nay, không chỉ số lượng nguyện vọng 2, số đăng ký nguyện vọng 1 cũng tăng vọt.

Cụ thể, THPT Quang Trung (Q.Đống Đa) có 1.325 học sinh đăng ký nguyện vọng 1 (năm trước chỉ trên 900), 3.135 nguyện vọng 2; THPT Trung Văn có 1.173 học sinh đăng ký nguyện vọng 1 (năm trước là 774); THPT Nguyễn Trãi có 1.456 nguyện vọng 1 và 1.795 nguyện vọng 2; THPT Chương Mỹ B có 888 nguyện vọng 1, 3.455 nguyện vọng 2...

Nhiều trường tốp giữa có số đăng ký nguyện vọng 2 tăng ở mức "khủng" như THPT Trần Hưng Đạo có trên 5.000 học sinh đăng ký, THPT Tây Hồ có trên 3.000 học sinh đăng ký, THPT Trần Nhân Tông có trên 2.400 học sinh đăng ký…

Theo một hiệu trưởng của trường "tốp giữa", nhà trường cũng bất ngờ với con số đăng ký "khủng". Trường THPT Nhân Chính các năm trước chỉ có tỉ lệ "chọi" ở mức 1.2-1.3 thì năm nay là 3.0. Tương tự, trường THPT Trương Định cũng là một trường tốp giữa nhưng được xếp vào nhóm trường có tỉ lệ "chọi" cao nhất thành phố.

Trong khi đó nhiều trường tốp đầu hạ nhiệt như THPT Việt Đức, Trần Phú (Q.Hoàn Kiếm), THPT Thăng Long…

"Lo con không đỗ được vào trường tốp trên nên chuyển nguyện vọng 1 xuống trường đứng đầu tốp giữa cho chắc chắn. Nhưng không ngờ số lượng đăng ký trường tốp giữa lại tăng vọt", chị Thu Hằng, một phụ huynh có con học trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Nội) chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một số phòng GD-ĐT các quận nội thành Hà Nội cũng cho biết số lượng điều chỉnh nguyện vọng trong ngày 21-5 cũng nhiều hơn so với đợt điều chỉnh nguyện vọng của kỳ tuyển sinh năm trước.

Đa số trường hợp điều chỉnh rơi vào các trường có số lượng đăng ký quá cao theo số liệu vừa được Sở GD-ĐT Hà Nội công bố.

Tuy nhiên, kể cả sau khi điều chỉnh nguyện vọng, nhiều hiệu trưởng các trường tốp giữa vẫn dự đoán "điểm chuẩn sẽ tăng 1-2 điểm so với năm trước".

Song theo kinh nghiệm của các chuyên gia về tuyển sinh, với một số trường đứng đầu thành phố, dù số lượng đăng ký dự tuyển giảm, tỉ lệ "chọi" giảm nhưng chưa chắc điểm chuẩn đã giảm do nhiều học sinh có lực học tốt đều chọn các trường này để đăng ký nguyện vọng 1.

Chọn không phù hợp có thể trượt cả hai nguyện vọng

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, mỗi học sinh có 2 nguyện vọng vào trường THPT công lập trên cùng một khu vực tuyển sinh. Toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh được bố trí theo địa bàn các quận, huyện liền kề.

Mỗi khu vực tuyển sinh đều được bố trí để có đại diện các trường tốp đầu, trường tốp giữa và các trường tốp dưới, có trường ngoài công lập. Việc chia tốp này cũng chỉ mang tính tương đối dựa trên mức điểm chuẩn đầu vào trong nhiều năm, uy tín về chất lượng giáo dục…

Cũng theo quy định của Hà Nội, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét nguyện vọng 2. Điểm chuẩn nguyện vọng 2 vào một trường THPT công lập bắt buộc phải cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1. Chính vì thế, việc cân nhắc để tăng cơ hội đỗ là vấn đề các phụ huynh học sinh đặc biệt quan tâm.

Ngoài điểm chuẩn hàng năm, các con số như chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 vào các trường là căn cứ để phụ huynh cân nhắc.

Theo các chuyên viên của Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội, thông thường học sinh nên đăng ký nguyện vọng 1 vào trường ở tốp cao hơn, hoặc trường mình có mong muốn vào nhất. Còn nguyện vọng 2 thì vào một trường tốp dưới, nhưng phải chọn trường có điểm chuẩn năm trước thấp hơn hẳn trường có nguyện vọng 1.

Bởi nếu đăng ký cả hai nguyện vọng vào trường cùng tốp hoặc các trường có khả năng điểm chuẩn không chênh lệch nhiều thì rất có khả năng trượt cả hai nguyện vọng.

Hà Nội: tỉ lệ chọi vào lớp 10 nhiều trường cao ngất Hà Nội: tỉ lệ chọi vào lớp 10 nhiều trường cao ngất

TTO - Chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 540 nhưng lại có đến 1.646 thí sinh đăng kí, Trường THPT Nhân Chính có tỉ lệ chọi vào lớp 10 cao nhất trong số các trường ở Hà Nội.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên