15/02/2025 13:54 GMT+7

Sợ nhiễm bệnh vì lỡ quan hệ tình dục không an toàn, phải làm sao?

Sau khi phát sinh quan hệ tình dục không an toàn, nghi ngờ đối tác có thể mang bệnh lây qua đường tình dục, nhiều người lo lắng không biết phải làm sao? Liệu có biện pháp nào để dự phòng lây nhiễm bệnh sau khi đã quan hệ?

Lỡ quan hệ tình dục không an toàn, phải làm sao? - Ảnh 1.

Quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh lây qua đường tình dục - Ảnh minh họa

Những bệnh lây qua đường tình dục thường gặp

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc - khoa nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh lây truyền qua đường tình dục là những bệnh mắc phải khi quan hệ tình dục, bao gồm quan hệ qua cơ quan sinh dục, đường hậu môn hay bằng miệng.

Vi khuẩn, vi rút hay ký sinh trùng mang mầm bệnh có thể truyền từ người này sang người khác qua tinh dịch, dịch âm đạo và các dịch tiết khác trên cơ thể.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến: nhiễm Chlamydia, bệnh lậu (Gonorrhea), giang mai (Syphilis), nhiễm HIV/AIDS, mụn rộp sinh dục (Herpes Simplex Virus - HSV), sùi mào gà (HPV)

Theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, thời điểm tầm soát bệnh cụ thể với từng bệnh như sau:

Bệnh giang mai: Khoảng 1 tháng sau khi quan hệ. Nên xét nghiệm lại sau 3 tháng nếu kết quả âm tính.

- HIV: Khoảng 2 tuần sau khi quan hệ. Nên xét nghiệm lại sau 3 tháng nếu kết quả âm tính.

- Viêm gan B: Khoảng 3 - 6 tuần sau khi quan hệ.

- Viêm gan C: Khoảng 2 tháng sau khi quan hệ. Nên xét nghiệm lại sau 6 tháng nếu kết quả âm tính.

- HPV: Khoảng 3 tuần đến vài tháng sau khi quan hệ.

- HSV (vi rút Herpes simplex): Khoảng vài ngày (nếu xét nghiệm dịch tiết) hoặc vài tháng (nếu xét nghiệm kháng thể trong máu) sau khi quan hệ.

Bác sĩ Phúc khuyến cáo thêm cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay khi gặp các triệu chứng sau: đau rát hoặc ngứa ngáy vùng kín, tiết dịch bất thường từ cơ quan sinh dục, đau khi quan hệ hoặc tiểu tiện, xuất hiện mụn nước, vết loét hoặc sưng đỏ bất thường, chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt (đối với phụ nữ).

Bên cạnh đó, sau khi có quan hệ tình dục không an toàn, cần hạn chế mọi hoạt động tình dục trong thời gian chờ đợi, cho đến khi chắc chắn rằng mình không mắc bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục. Điều này phòng tránh lây nhiễm bệnh cho bạn tình.

Có biện pháp nào để dự phòng lây nhiễm sau khi đã quan hệ?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Quách Thị Hà Giang, trưởng khoa điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu trung ương, chia sẻ thực tế có những bệnh nhân ngay sau khi quan hệ tình dục không an toàn đã lo lắng đến bệnh viện kiểm tra mặc dù chưa có biểu hiện lâm sàng.

"Tuy nhiên, thông thường ngay sau khi quan hệ thường sẽ chưa phát hiện ngay ra bệnh. Mặc dù vậy, những bệnh nhân này đã có nguy cơ nhiễm bệnh do quan hệ tình dục không an toàn.

Đến nay, không có thuốc điều trị dự phòng các bệnh lây qua đường tình dục sau khi đã phát sinh quan hệ tình dục, duy nhất chỉ có thể dự phòng nhiễm HIV bằng thuốc PrEP.

Vì vậy, bên cạnh tư vấn làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ hướng dẫn thời gian theo dõi dựa vào thời điểm phát sinh quan hệ tình dục, thời gian ủ bệnh để bệnh nhân tái khám", bác sĩ Giang cho hay.

Bác sĩ Phúc khuyến cáo cách phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục là không quan hệ tình dục khi say rượu hay sử dụng chất kích thích, quan hệ chung thủy một vợ, một chồng.

Đồng thời nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, sử dụng bao cao su khi quan hệ. Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục trước và sau khi quan hệ.

Lỡ quan hệ tình dục không an toàn, phải làm sao? - Ảnh 2.Quan hệ tình dục qua đường miệng có lây bệnh tình dục?

ThS.BS Dương Lê Trung, khoa lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho hay quan hệ tình dục qua đường miệng được hiểu là việc sử dụng miệng để kích thích vùng sinh dục hoặc bộ phận sinh dục (bao gồm dương vật, âm đạo và hậu môn) của bạn tình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên