Chiều 21-3, phóng viên Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM trong buổi họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM về việc nhiều trường tư thục tại TP.HCM thu học phí theo các "gói đầu tư" nhiều năm, có gói lên đến 12 năm, liệu có đúng quy định.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, khẳng định: "Tại khoản 1, điều 12 của nghị định 81 có quy định rất rõ, học phí phải được thu định kỳ hàng tháng. Nếu người học tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học".
Về số tháng được thu học phí trong năm học, bà Châu nói cũng theo điều 12 nghị định 81, đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông thì học phí được thu tối đa 9 tháng/năm.
Còn đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên và các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, học phí được thu theo số tháng thực học.
Theo bà Châu, những quy định về thu học phí như trên đã được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM có văn bản hướng dẫn gửi đến các cơ sở giáo dục cả công lập lẫn ngoài công lập trên địa bàn vào mỗi dịp đầu năm học.
Bà nhận định những trường quốc tế đã hoạt động nhiều năm, như Trường AISVN thành lập từ năm 2006, sẽ biết những quy định này.
Còn với dạng "hợp đồng đồng hành", "hợp đồng có hoàn lại" giữa phụ huynh và nhà trường, bà Châu cho biết sở đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng, các cơ quan pháp luật, hướng dẫn phụ huynh thực hiện quyền của mình tại tòa theo Luật Dân sự.
Trước đó vào ngày 20-3, Tuổi Trẻ Online đăng tải bài viết về việc nhiều trường tư thục, quốc tế trên địa bàn thu học phí trước nhiều năm, có thể từ 3 - 12 năm, dưới hình thức những gói "đầu tư giáo dục", gói "tài chính giáo dục".
Nguyên hiệu trưởng một trường quốc tế tại quận 7 (TP.HCM) nêu bài toán: giả sử một trường quốc tế có 1.000 học sinh, khoảng 1/5 phụ huynh, tức 200 người, tham gia gói đầu tư này, trung bình mỗi gói khoảng 5 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền trường quốc tế này huy động được đã lên đến 1.000 tỉ đồng.
"Đây rõ ràng là một số tiền lớn, rất cần có cơ chế để ngăn ngừa trường hợp nhà trường tư lợi dụng hoặc sử dụng số tiền huy động sai mục đích", vị này nói.
Đề xuất quy chế rà soát định kỳ các trường tư thục
Cũng tại buổi họp báo, bà Lê Thụy Mỵ Châu cho biết TP.HCM là địa phương nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư giáo dục, với hơn 3.000 trường tư thục mầm non và hơn 100 trường tư thục nhiều cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông. Do vậy, các vấn đề pháp lý luôn được quan tâm.
Bà Châu cho biết Sở Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất UBND TP.HCM ban hành quy chế phối hợp, giúp Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với các sở ngành có thể rà soát định kỳ, qua đó đảm bảo các nhà đầu tư các trường trên địa bàn phải thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận