07/07/2020 10:58 GMT+7

Số ca COVID-19 tăng vọt, nhiều nước tái áp đặt phong tỏa

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Kazakhstan trong ngày 5-7 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tái áp đặt tình trạng phong tỏa toàn quốc, sau khi đã nới lỏng các biện pháp này hồi giữa tháng 5, trong bối cảnh số ca COVID-19 tăng vọt.

Số ca COVID-19 tăng vọt, nhiều nước tái áp đặt phong tỏa - Ảnh 1.

Một phụ nữ cố thoát khỏi cảnh sát bên ngoài các tòa nhà tập thể. Hiện cảnh sát đang áp đặt lệnh phong tỏa các tòa nhà tập thể ở Melbourne, Úc - Ảnh: APP

Mọi người cần thức tỉnh. Dữ liệu đang không nói dối. Tình huống trên thực tế không nói dối.

Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan phát biểu ngày 4-7

Tất cả các trung tâm thương mại, phòng tập thể hình, bể bơi, hiệu cắt tóc và các cơ sở làm đẹp ở Kazakhstan đóng cửa trở lại trong hai tuần.

Ngoài quốc gia Trung Á này, rất nhiều nước khác đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa một thành phố hay một khu vực sau khi đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trước đó. Lý do: gia tăng đột ngột các ca bệnh COVID-19.

Từ Á sang Úc, Âu

Chính quyền Úc ngày 4-7 công bố tái áp đặt phong tỏa tại nhiều khu vực ở Melbourne, thành phố thủ phủ bang Victoria, để ngăn dịch bệnh. Kể từ hôm nay 7-7, cửa khẩu biên giới giữa hai bang đông dân nhất của Úc là Victoria và New South Wales (NSW) cũng sẽ đóng để kiểm soát tình hình COVID-19. Theo Hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên trong 100 năm qua biên giới giữa hai bang Victoria và NSW bị đóng lại.

Số ca nhiễm virus corona tại Melbourne đã tăng đáng ngại trong những ngày qua và bang Victoria chỉ qua một đêm đã tăng thêm 127 ca, mức tăng kỷ lục trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng lên.

Nhiều bang ở Mỹ, chủ yếu ở miền Nam, cũng đã phải khôi phục các chính sách phong tỏa phòng dịch do số ca bệnh mới tăng cao, đặc biệt trong nhóm người trẻ.

Tại châu Âu, ngày 6-7 Tây Ban Nha có thêm một thành phố nữa công bố tái phong tỏa vì lo ngại nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Thành phố A Marina thuộc vùng Galicia với khoảng 70.000 dân của Tây Ban Nha phong tỏa từ ngày 5 đến 10-7, sau khi khoảng 200.000 cư dân ở khu vực phía tây Barcelona cũng được yêu cầu ở nhà để phòng dịch bệnh.

Tại Iran, chính quyền cũng đã phải thực thi trở lại các quy định phong tỏa tại những quận bị ảnh hưởng dịch nặng nhất, khi số người chết vì COVID-19 đã lại đạt mốc cao kỷ lục lần thứ hai trong tuần này.

Theo Hãng tin ISNA, trong ngày 5-7, Iran ghi nhận 163 người chết trong 24 giờ, tăng 10% so với ngày hôm trước và cũng đã vượt qua kỷ lục số người chết trong ngày trước đó. Ngay sau khi số ca nhiễm tăng vọt toàn quốc, Chính phủ Iran đã trao quyền tự quyết việc tái áp đặt các quy định giãn cách xã hội cho chính quyền địa phương.

Việc phong tỏa cục bộ tại mỗi địa phương lúc này được kỳ vọng sẽ giúp ngăn ngừa khả năng xấu nhất là phải đưa toàn bộ đất nước một lần nữa trở lại tình trạng bị phong tỏa.

Vì sao?

Liên tiếp trong nhiều cuộc họp báo gần đây về đại dịch COVID-19, các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh thông điệp kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu hãy "thức tỉnh" trước dịch bệnh. WHO sốt ruột vì "quá nhiều nước phớt lờ những gì dữ liệu đang nói với họ", vẫn tiếp tục gỡ bỏ phong tỏa bất chấp dịch vẫn còn rất nóng.

Sức ép kinh tế là lý do hoàn toàn có thể hiểu được vì sao nhiều nước không thể đóng cửa nền kinh tế của họ lâu hơn nữa, bất chấp dịch vẫn chưa được kiểm soát ở mức đủ an toàn để mở cửa lại.

Song thái độ phớt lờ những biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội của một bộ phận không nhỏ cư dân, thậm chí của một số chính trị gia như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, khiến dư luận thật khó có thể cảm thông trước thực trạng dịch bệnh tái phát nhanh tại những nơi đó.

Một số bãi biển ở Brazil vẫn chật cứng người. Hay một số bang của Mỹ vẫn rất đông đúc người biểu tình, người đi tắm biển trong lễ Độc lập 4-7 và vui chơi ở các điểm công cộng.

Câu chuyện hơn 100 người dự đám cưới rồi đám tang của một chú rể ở bang Bihar (Ấn Độ) bị nhiễm virus corona, hay chuyện một bữa tiệc sinh nhật khiến 18 người trong một gia đình ở bang Texas (Mỹ) nhiễm bệnh COVID-19 khiến dư luận vừa thương vừa giận vì thái độ bất chấp dịch bệnh của người trong cuộc.

Ngay cả các ca siêu lây nhiễm cũng cần phải có điều kiện thích hợp để bùng phát, và việc người dân bất chấp quy định giãn cách, vẫn tụ tập đông người là một trong những điều kiện thích hợp đầu tiên cho chuyện đó.

Dịch COVID-19 sáng 7-7: Mỹ hơn 130.000 ca tử vong, tổng thống Brazil nghi nhiễm corona Dịch COVID-19 sáng 7-7: Mỹ hơn 130.000 ca tử vong, tổng thống Brazil nghi nhiễm corona

TTO - Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới cả về số ca nhiễm và tử vong trong lúc Ấn Độ vượt Nga trở thành vùng dịch lớn thứ 3 thế giới về số người mắc COVID-19. Tổng thống Brazil nghi bị nhiễm bệnh sau khi cương quyết không đeo khẩu trang.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: phong tỏa covid-19