07/12/2020 16:26 GMT+7

SIPRI: Mỹ, Trung Quốc chi phối thị trường vũ khí toàn cầu

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển, các công ty Mỹ và Trung Quốc đã chi phối thị trường vũ khí toàn cầu trong năm 2019.

SIPRI: Mỹ, Trung Quốc chi phối thị trường vũ khí toàn cầu - Ảnh 1.

Thủy phi cơ AG600 Kunlong do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), đứng thứ 6 trong top 25 của SIPRI, phát triển - Ảnh: Tân Hoa xã

Báo South China Morning Post ngày 7-12 dẫn báo cáo của SIPRI cho biết 12 công ty vũ khí của Mỹ chiếm 61% và 4 công ty Trung Quốc chiếm gần 16% tổng doanh số bán vũ khí và các dịch vụ quốc phòng của 25 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới năm 2019.

Báo cáo của SIPRI cho thấy "top 25" đã bán tổng cộng 361 tỉ USD tiền vũ khí và dịch vụ quốc phòng trong năm 2019, tăng 8,5% so với năm trước đó. Mỹ đã chi phối thị trường này suốt nhiều thập kỷ qua.

Trong top 10 có 6 nhà sản xuất vũ khí của Mỹ, 3 của Trung Quốc và công ty BAE Systems của Anh đứng ở vị trí thứ 7. Các công ty Mỹ như Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics chiếm 5 thứ hạng đầu trong "top 25" này, với tổng doanh số trong năm 2019 là 166 tỉ USD.

Trung Quốc đứng thứ hai với tổng doanh thu tăng 4,8% so với năm 2018, đạt 56,7 tỉ USD trong năm 2019. Giám đốc Lucie Beraud Sudreau, phụ trách chương trình chi tiêu quân sự và vũ khí của SIPRI, cho rằng Trung Quốc có "mức tăng tương ứng nhờ vào những cải cách nhằm hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc kể từ năm 2015".

Báo cáo của SIPRI lưu ý rằng có nhiều công ty khác của Trung Quốc đủ lớn mạnh để được xếp vào danh sách top 25 nhưng Viện không thể liệt kê vào được vì thiếu "các dữ liệu chính xác để so sánh".

Ngày nay, như Reuters đưa tin, ngày càng nhiều quốc gia phương Tây coi Trung Quốc là mối đe dọa quân sự tiềm tàng hơn trước đây. Tuần trước, một báo cáo của NATO cho biết các đồng minh Đại Tây Dương đã phải suy nghĩ kĩ hơn về cách đối phó với Trung Quốc và sự lớn mạnh của quân đội nước này.

Trong khi đó, Airbus của châu Âu và Thales (Pháp) lọt vào danh sách 25 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới của SIPRI, đứng ở vị trí lần lượt là 13 và 14 trong bảng xếp hạng. SIPRI cũng lưu ý rằng tập đoàn Dassault của Pháp đã nhảy từ hạng 38 lên hạng 17 nhờ các thương vụ chiến đấu cơ Rafale trong năm 2019.

Mặt khác, lần đầu tiên một công ty tại Trung Đông đã vào top 25 của SIPRI. EDGE, có trụ sở tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), được thành lập năm 2019, xếp hạng 22 trong danh sách trên.

Nhà nghiên cứu Pieter Wezeman của SIPRI nhận định các công ty của UAE là "một minh họa tốt cho thấy sự kết hợp giữa nhu cầu các vũ khí và dịch vụ quân sự trong nước cao và mong muốn ít phụ thuộc hơn vào các nhà cung cấp nước ngoài đang thúc đẩy sự phát triển của các công ty vũ khí ở Trung Đông như thế nào".

Hai công ty Nga cũng nằm trong top 25, với Almaz Antey ở vị trí thứ 15 và United Shipbuilding hạng 25. Bà Sudreau cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga.

"Nga đã phải chậm kế hoạch hiện đại hóa các trang thiết bị quân đội lại. Kết quả là có ít đơn đặt hàng hơn từ chính phủ Nga, ít dự án mới hơn, và lợi nhuận giảm", bà Sudreau nhận định.

Ấn Độ bác tin Trung Quốc dùng vũ khí vi sóng ở biên giới Ấn Độ bác tin Trung Quốc dùng vũ khí vi sóng ở biên giới

TTO - Ấn Độ ngày 17-11 bác bỏ tuyên bố của một giáo sư Trung Quốc nói rằng Trung Quốc đang sử dụng vũ khí vi sóng để đánh bại lực lượng Ấn Độ ở khu vực tranh chấp Ladakh.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên