30/04/2021 10:25 GMT+7

Sinh viên tránh mất tiền oan vì chiêu lừa tuyển gia sư trên mạng

PHẠM TRANG
PHẠM TRANG

TTO - Nhiều trang gia sư trên mạng đăng thông tin tuyển gia sư nhưng sau khi sinh viên trao đổi, đóng lệ phí qua mạng, tiền mất mà lớp dạy cũng không nhận được.

Sinh viên tránh mất tiền oan vì chiêu lừa tuyển gia sư trên mạng - Ảnh 1.

Tham gia ngày hội việc làm do các trường đại học tổ chức là một trong những phương pháp để tìm việc làm an toàn - Ảnh: P.T.

Cung cấp số tài khoản và yêu cầu sinh viên phải đóng phí 30-35%... trước khi liên lạc với phụ huynh để nhận lớp làm gia sư. Sau khi tiền được chuyển đi lập tức tài khoản mạng xã hội của người tuyển chặn tin nhắn sinh viên.

Tiền mất, lớp không có

N.T.A.T. - sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết do tin tưởng nhóm tuyển gia sư có gần 50.000 thành viên nên khi thấy thông tin lớp dạy phù hợp với chuyên ngành đã chủ động nhắn tin nhận lớp. 

Sau tầm 15 phút trao đổi, người tuyển cho biết mỗi tuần dạy hai buổi, mỗi buổi hai giờ, học phí 1,5 triệu đồng/tháng và phí nhượng lại 300.000 đồng.

"Thấy thông tin về lớp học khá chi tiết, mình đã chuyển tiền cho chủ số tài khoản trên và yên tâm chờ tới ngày nhận lớp. Không ngờ, khi tới địa chỉ được cung cấp trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, TP.HCM thì đó lại là một căn nhà hoang. Mình gọi điện cho phụ huynh và người nhượng lớp đều 'thuê bao.... ', lúc đó mới biết là đã bị lừa" - T. cho biết.

Cũng như trường hợp trên, T.T. - sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại - kể do muốn kiếm việc làm thêm để trang trải một phần chi phí sinh hoạt nên đã tham gia một nhóm gia sư tại TP.HCM. Thấy thông tin nhượng lại lớp báo bài cho học sinh lớp 2 với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng, phí nhận lớp 30% nên nhận ngay.

"Người nhượng lớp chụp chứng minh nhân dân và hứa uy tín nên mình yên tâm và chuyển phí cho họ. Đến ngày đi dạy, mình chạy hơn chục cây số mà vẫn không tìm thấy địa chỉ. Gọi cho phụ huynh thì số điện thoại sai. Mình mở điện thoại để liên lạc với người nhượng lớp thì tài khoản đã bị chặn" - T. nói.

Sau khi biết mình bị lừa, T. lên nhóm gia sư và chia sẻ về sự việc thì không ngờ có hơn 10 bạn cũng bị chủ tài khoản trên lừa với những thông tin và mức phí như nhau. Những người lừa đảo đã dùng tin nhắn chuyển tiền của người này gửi qua cho người khác để tạo được lòng tin.

Nên liên hệ tại các trung tâm uy tín

Ông Lê Nguyễn Nam - phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM - cho biết: "Hiện nay trung tâm đang giới thiệu việc làm gia sư cho sinh viên với mức giá 150.000 - 200.000 đồng/giờ. 

Trước khi nhận việc, sinh viên sẽ được trang bị các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để vừa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị doanh nghiệp vừa đảm bảo quyền lợi của sinh viên khi cộng tác với các đơn vị. Các yêu cầu tuyển dụng trước khi đăng tải trên phần mềm của trung tâm đã được thẩm tra trước, đáng tin cậy và không mất phí nên sinh viên có thể yên tâm đăng ký làm việc".

Ông Võ Bình Nguyên - phó giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết: "Một trong những nguyên nhân sinh viên bị lừa là do thông qua những trung tâm giới thiệu việc làm không uy tín. Đối tượng mà các trung tâm này nhắm đến là sinh viên chưa có kinh nghiệm, mong muốn tìm những công việc làm thêm nhẹ nhàng với mức lương cao. 

Do đó, để có việc làm thêm an toàn, sinh viên nên liên hệ tại các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín như các trung tâm việc làm trực thuộc các trường đại học, trung tâm giới thiệu việc làm của thành phố và Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM...".

Ông Nguyên cũng cho biết trung tâm luôn có những khóa học ngắn hạn bồi dưỡng các kỹ năng cho sinh viên khi tìm kiếm việc làm. 

Bên cạnh đó, trung tâm thường xuyên tiếp nhận và đăng tải thông tin tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên trang thông tin của trường để sinh viên nắm bắt và lựa chọn công việc phù hợp, đồng thời tổ chức ngày hội việc làm tạo cầu nối giữa sinh viên và các đơn vị tuyển dụng...

Ông Đặng Bá Ngoạn - phó trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM:

Cảnh giác đa cấp và lừa đảo từ môi giới việc làm

Sinh viên thường gặp phải các trường hợp đa cấp và lừa đảo từ các công ty môi giới việc làm cùng các mẩu tin rao vặt hấp dẫn. Sinh viên khi đến nơi sẽ phải đóng trước phí gọi là tiền đồng phục thế chân, tiền bảo hiểm, khi nào làm đủ số tháng thì sẽ nhận lại khoản cọc này.

Ngoài ra, những hình thức lừa đảo sinh viên làm việc online, không mất thời gian di chuyển nhưng vẫn kiếm được khoản thu nhập ổn cũng rất phổ biến.

Trường đã phối hợp với Đoàn trường, các phòng ban chức năng tổ chức những buổi tập huấn chuyên đề kỹ năng về phòng chống cám dỗ, lừa đảo, phòng tránh các tệ nạn xã hội để giúp sinh viên có những kiến thức và kỹ năng để phòng tránh lừa đảo".

Cả chục sinh viên bị lừa trên trang mạng gia sư 49.000 thành viên Cả chục sinh viên bị lừa trên trang mạng gia sư 49.000 thành viên

TTO - Không ít sinh viên đã sập bẫy "tìm việc qua mạng", tiền mất, việc không có, thậm chí bị lôi kéo vào những đường dây đa cấp phải bỏ học.

PHẠM TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên