11/06/2024 08:10 GMT+7

Sinh viên soạn cẩm nang cấp cứu ngoại viện

Một nhóm sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đã biên soạn cuốn Cẩm nang sơ cấp cứu được các chuyên gia đánh giá dễ đọc, bắt mắt, sát với đời sống.

Sinh viên CLB Cấp cứu ngoại viện hướng dẫn thao tác cố định trong xử trí gãy xương cho người dân - Ảnh: NVCC

Sinh viên CLB Cấp cứu ngoại viện hướng dẫn thao tác cố định trong xử trí gãy xương cho người dân - Ảnh: NVCC

Xem cẩm nang cấp cứu TẠI ĐÂY

Nguyễn Tuấn Đạt, chủ tịch Hội sinh viên trường, cùng các bạn sinh viên Câu lạc bộ Cấp cứu ngoại viện là "tác giả" của cuốn cẩm nang ý nghĩa này.

Đặc biệt sự ra đời của cuốn cẩm nang bắt nguồn từ một sự cố tai nạn thường gặp trong cuộc sống.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, sinh viên NGUYỄN TUẤN ĐẠT nói: "Hiện nay còn rất nhiều người nghĩ kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu chỉ dành cho nhân viên y tế, nhưng thật ra chỉ với những bước sơ cứu cơ bản, đúng cách, kịp thời đã có thể gia tăng khả năng cứu sống hay cải thiện tiên lượng người bị nạn.

Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều tình huống thương tích có thể xảy ra một cách đầy bất ngờ như tai nạn giao thông, gãy xương, điện giật, vết thương chảy máu… gây nguy hiểm cho chính chúng ta và những người xung quanh.

Có rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi bỏ lỡ "thời gian vàng" mà những người có mặt tại hiện trường hoàn toàn có thể xử lý được nếu trang bị đủ kiến thức và kỹ năng.

Sinh viên NGUYỄN TUẤN ĐẠT

Sinh viên NGUYỄN TUẤN ĐẠT

* Chọn học ngành y, bạn thấy tầm quan trọng của cấp cứu ngoại viện ra sao?

- Khi theo học, tôi mới biết cách sơ cứu vết thương bằng xức dầu chưa phải là cách sơ cứu đúng. Từ trải nghiệm của chính bản thân, cũng như nhận ra còn rất nhiều tình huống xử lý dân gian khác mà chúng ta vẫn hay sử dụng có thể tăng thêm nguy hiểm cho bệnh nhân. 

Điển hình như việc đắp lá vào vết thương rắn cắn mà không vào bệnh viện, hay thoa kem đánh răng vào vết bỏng…, tôi và các bạn CLB Cấp cứu ngoại viện nảy ra ý tưởng biên soạn cẩm nang này với mong muốn lan tỏa những lợi ích hay cung cấp kiến thức về sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách.

Sau khi nảy ra ý tưởng, tôi đã trình bày với ban giám hiệu nhà trường, được ban giám hiệu và các thầy cô bộ môn cấp cứu ngoại viện ủng hộ. 

Thế là trong hơn ba tháng, tôi cùng các bạn sinh viên trong CLB Cấp cứu ngoại viện của trường đã biên soạn ra cẩm nang này cùng với sự hỗ trợ của các thầy cô bộ môn cấp cứu ngoại viện.

* Bạn có biết nghiên cứu nào về kiến thức của người dân Việt Nam về sơ cấp cứu?

- Tôi chưa thấy nhiều những nghiên cứu tập trung vào kiến thức, thái độ, thực hành của người dân Việt Nam trong vấn đề sơ cấp cứu. Theo tôi, hầu hết người dân nhận thức được tầm quan trọng của sơ cấp cứu. 

Tuy nhiên, kiến thức và kỹ năng thực hành sơ cấp cứu đúng cách có lẽ còn hạn chế. Nguyên nhân có thể do mọi người chưa chủ động tìm hiểu kiến thức về sơ cấp cứu cũng như chưa được tiếp cận các khóa đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu thường xuyên, dẫn đến bị động không biết phải làm gì hoặc biết nhưng thực hiện chưa đúng cách khi gặp phải tình huống thật sự.

Ở nhiều nước, người dân coi sơ cấp cứu là một kỹ năng thực hành xã hội rất cần thiết, được tiếp cận ngay từ khi còn rất nhỏ.

* Nội dung trong cẩm nang này được giới chuyên môn đánh giá là đảm bảo những thông tin chuẩn xác về sơ cấp cứu. Nhóm các bạn đã tham khảo từ những nguồn tài liệu nào để soạn ra cuốn cẩm nang này?

- Trong ngành y có một câu nói nổi tiếng mà tôi khá tâm đắc là "First, do no harm", có nghĩa là "Trước tiên, đừng làm hại". Khi cung cấp thông tin cho cộng đồng thì những thông tin này phải được kiểm chứng đảm bảo về mặt chuyên môn.

Những vấn đề được lựa chọn trong cẩm nang là những vấn đề thường gặp trong thực tế. 

Từ đó, ban biên soạn là những bạn sinh viên đang theo học chuyên ngành cấp cứu ngoại viện sẽ tìm kiếm và tổng hợp từ những tài liệu học tập của bộ môn, nội dung tập huấn từ các chương trình sơ cấp cứu hay tài liệu từ những sách nước ngoài để ra được nội dung cẩm nang.

Từ những kiến thức chuyên ngành, các thành viên ban biên tập diễn giải lại sang ngôn ngữ thường thức để người đọc có thể hiểu và áp dụng được.

Sau đó, tất cả nội dung sẽ được các thầy cô bộ môn cấp cứu ngoại viện kiểm tra, nhận xét, sửa chữa để chuẩn xác về mặt chuyên môn nhưng vẫn đảm bảo tính thường thức. 

Sau cùng, cuốn cẩm nang được gửi đến các bạn sinh viên, các thầy cô trong trường để nhận thêm ý kiến đánh giá trước khi chính thức đăng lên các phương tiện truyền thông mạng xã hội.

Nhóm biên soạn cũng rất vui khi ra mắt sản phẩm và gửi cuốn cẩm nang này lên cho thầy hiệu trưởng nhà trường, thầy đã đăng ngay cẩm nang trên trang cá nhân của thầy. 

Đó là sự tin tưởng, động viên đối với công sức của nhóm biên soạn và giúp nhóm có thể lan tỏa được xa hơn những thông tin trong cẩm nang này.

* Mong muốn của nhóm về cẩm nang này? Và kế hoạch của nhóm trong thời gian tới?

- Trong thực tế có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra. Dù đã nỗ lực để lựa chọn trong lúc biên soạn, nhưng cuốn cẩm nang này sẽ vẫn còn nhiều thiếu sót cần bổ sung thêm trong tương lai. 

Trong thời gian tới, nhóm có thể tiếp tục cập nhật thêm nội dung cho cẩm nang dưới sự hỗ trợ của thầy cô bộ môn.

Với những kiến thức cần thiết về sơ cấp cứu trong cẩm nang, nhóm sinh viên chúng tôi mong rằng cẩm nang sẽ đến được với càng nhiều người dân càng tốt.

Nên thêm những clip để người xem dễ thực hiện sơ cấp cứu

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, nhận xét Cẩm nang sơ cấp cứu của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM được thiết kế dễ đọc, có màu sắc bắt mắt. Mục lục cẩm nang đều là những tình huống cấp cứu thường gặp trong đời sống. Cẩm nang là sách điện tử nên giới trẻ cũng dễ tiếp cận.

Nội dung cần chú ý hạn chế từ chuyên ngành để người đọc dễ hiểu hơn. Nếu nhóm biên soạn thực hiện được những clip minh họa cho những tình huống cấp cứu trong cẩm nang thì người đọc, người xem sẽ dễ thực hiện được các tình huống sơ cấp cứu.

Chàng sinh viên bách khoa làm nước giặt, nước rửa chén, các bà các chị mêChàng sinh viên bách khoa làm nước giặt, nước rửa chén, các bà các chị mê

Nước giặt, nước rửa chén của chàng sinh viên bách khoa đã được bán cho một số tiệm tạp hóa ở các tỉnh miền Tây, TP.HCM và Bình Định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên