Chiều 5-7, đại diện nhiều trường đại học trong top 10 thế giới về đào tạo ngành nhà hàng khách sạn đã có buổi gặp gỡ cùng học sinh TP.HCM trong sự kiện do dự án Swiss Edu Hub của các cựu học sinh Thụy Sĩ tổ chức.
"Khủng hoảng" thiếu lao động
Ông John Daly - giám đốc học thuật khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Swiss Education, đang sở hữu trường SHMS đứng top 2 thế giới về ngành nhà hàng khách sạn (QS 2025) - cho biết nhiều quốc gia đang ghi nhận sự khủng hoảng nhân sự trong ngành nhà hàng khách sạn.
Sau dịch COVID-19, hơn 3 triệu nhân lực chất lượng cao trong ngành nhà hàng khách sạn đã rời khỏi thị trường việc làm. Hiện tại, dù du lịch đã phục hồi nhưng các khách sạn lớn vẫn đang "đỏ mắt" săn lùng nhân lực giỏi, trong khi các trường đại học, cao đẳng chưa đáp ứng được nhu cầu lao động.
Ông cho biết theo báo cáo từ các tổ chức quốc tế, trong 10 năm tới, thế giới sẽ cần thêm khoảng 26 triệu việc làm trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn. 60% việc làm mới là ở khu vực châu Á. Riêng Việt Nam, đang thiếu hụt khoảng 40% nhân lực đủ tiêu chuẩn quốc tế.
"Không phải là không có lao động, mà là thiếu lao động chất lượng đáp ứng chuẩn quốc tế. Khách du lịch quốc tế ngày càng gia tăng những đòi hỏi về chất lượng phục vụ trong khi nhiều lao động không đáp ứng được các tiêu chuẩn này", ông John Daly nói.
Tương tự, GS.TS Đào Mạnh Hùng - chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam - nhận định Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt cho các khách sạn 4-5 sao.
Có khách sạn Việt Nam đang thiếu 70-80% nhân lực chất lượng cao.
Nhiều trường đại học, cao đẳng Việt Nam đang đào tạo thêm những khóa ngắn hạn nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu.
Vì sao đưa công nghệ vào chương trình nhà hàng khách sạn?
Ông La Tất Thành - trưởng đại diện tại Việt Nam, Trường Quản trị du lịch và khách sạn IMI (Thụy Sĩ), hạng 17 thế giới về ngành nhà hàng khách sạn (QS 2025) - cho biết những bước tiến về công nghệ sau dịch COVID-19, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI), đòi hỏi chương trình đào tạo của các trường du lịch cũng phải thay đổi theo.
Cụ thể, trường IMI và nhiều trường tại Thụy Sĩ đang đưa các học phần về công nghệ cho sinh viên nhà hàng khách sạn.
Sinh viên được học cách sử dụng các app, công cụ AI phân tích dữ liệu, thói quen của khách từ đặt phòng đến chi tiêu, nhờ đó có thể tăng hiệu quả cho khâu dự đoán và đưa ra các quyết định ở vị trí quản lý.
"Sinh viên nhà hàng khách sạn ngày càng được chú trọng trang bị tư duy về công nghệ để luôn có thể cập nhật công nghệ cho công việc của mình", ông Thành nói.
Trong khi đó, ông Tarek Kouatly - giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Sommet Education, sở hữu trường Les Roches đứng top 5 về ngành nhà hàng khách sạn (QS 2025) - cho biết nhiều trường đang chuyển đổi một số học phần sang online để có thêm thời gian thực hành, và tăng cường thêm các nội dung thực tế mới cho sinh viên.
Chẳng hạn, trường đang dạy cho sinh viên cách đưa công nghệ vào các sản phẩm, dịch vụ của khách sạn, tuy nhiên cân bằng được với tương tác giữa người với người.
Bên cạnh đó, là các học phần mới như quản trị rủi ro, khủng hoảng nhằm cung cấp cho sinh viên kỹ năng có thể đương đầu với những tình huống bất ngờ như COVID-19 trong tương lai.
"Sinh viên Việt Nam trong ngành nhà hàng khách sạn luôn được đánh giá cao về sự chăm chỉ và sẵn sàng học hỏi, nhưng hạn chế của họ là ngôn ngữ. Các bạn nên dành thời gian để học thêm các ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng tự tin khi giao tiếp", ông Tarek Kouatly nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận