08/01/2017 11:06 GMT+7

Sinh viên nghiên cứu từ câu chuyện cuộc sống

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Danh Đặng Bảo Anh và Đào Thị Thu Huyền là hai trong số 121 sinh viên TP.HCM vượt qua nhiều ứng viên khác để đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp TP năm 2016.

Danh Đặng Bảo Anh và Đào Thị Thu Huyền - hai trong số 121
Danh Đặng Bảo Anh và Đào Thị Thu Huyền - hai trong số 121 "Sinh viên 5 tốt" TP.HCM 2016 - Ảnh: Q.L.

Ngẫu nhiên cả hai đề tài đều được hội đồng cùng chấm đạt điểm 9,5/10. Danh Đặng Bảo Anh (khoa địa chất) chọn đề tài “Khảo sát diễn biến và giải pháp hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên năm 2016”, còn Đào Thị Thu Huyền (khoa môi trường) với đề tài “Diễn biến hạn hán ở lưu vực sông Cái - Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận”.

Chọn đề tài từ bức xúc môi trường

Tận mắt thấy cảnh kiệt quệ nguồn nước ngọt quê mình mỗi mùa khô, nhất là mùa khô năm 2016 khiến Bảo Anh ám ảnh. Bởi với miền Tây sông nước, việc phải chờ từng chuyến sà lan chở nước ngọt từ tỉnh khác về bán lại cho người dân tại Kiên Giang không chỉ khác thường mà còn là dấu hỏi lớn đặt ra về vấn đề môi trường.

“Ban đầu mình muốn đi tìm nguyên nhân, lý giải, so sánh giữa các năm và đề ra giải pháp song đó là một nghiên cứu rất rộng, liên quan nhiều nhánh nên cuối cùng mình quyết định nghiên cứu đối với kênh Rạch Giá - Long Xuyên” - Bảo Anh chia sẻ.

Nhưng bắt tay nghiên cứu mới vỡ lẽ nhiều điều. Rất khó để xin được số liệu từ các ban ngành, hoặc những số liệu muốn phục vụ cho đề tài có khi họ chưa làm! Để phân tích mẫu sát thực tế, Bảo Anh phải chọn vị trí lấy mẫu cách nhà hơn chục cây số, phụ thuộc vào lúc triều lên và xuống nên 24g đêm phải chạy vào lấy nước.

Hai đợt lấy mẫu, phân tích hơn 60 mẫu khác nhau mới đủ thông số so sánh tình trạng xâm nhập mặn của nước khi triều lên và xuống. Nghiên cứu của Bảo Anh cung cấp khá toàn cảnh về tình hình xâm nhập mặn của con kênh cùng ảnh hưởng của nó đến đời sống bà con ra sao.

Trong khi đó chuyến thực tập tại Ninh Thuận nảy lên ý tưởng làm đề tài nghiên cứu về hạn hán tại đây của cô sinh viên Đào Thị Thu Huyền. Số liệu của các trạm quan trắc quanh khu vực Huyền chọn nghiên cứu khá ít ỏi nên cô bạn phải tìm đến số liệu đo từ vệ tinh tại các trang thông tin trên mạng, song sai số và độ chênh khá lớn.

Những chuyến thực địa sau đó giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn nhưng đau lòng hơn vì thực trạng hạn hán khu vực sông Cái - Phan Rang nghiêm trọng hơn mường tượng của bản thân và thông số Huyền có được từ nhiều nguồn.

Hơn năm tháng cho một nghiên cứu, đi về giữa TP.HCM và Ninh Thuận, phân tích, tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu, luận văn tốt nghiệp của Thu Huyền đưa ra bản đồ tương đối toàn diện về mức độ hạn hán, tình trạng nặng, nhẹ ở các khu vực khác nhau.

Huyền kể đã nhìn thấy những đàn cừu ốm xơ xác vì thiếu cả thức ăn lẫn nước uống, có nơi người dân cho biết cả năm trời không biết giọt mưa là gì nên họ phải di cư đi tìm nơi có nước.

“Mình muốn đưa thêm thông tin đến bà con để họ chọn được nơi khá hơn và nếu có điều kiện học lên, mình sẽ tiếp tục làm sâu hơn đề tài này” - Huyền bộc bạch.

Học hay, hoạt động sôi nổi

Cả hai bạn đều tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi. Trong đó năm học cuối Bảo Anh có điểm bình quân xuất sắc 9,07, còn Thu Huyền “khiêm tốn” hơn nhưng cũng dừng ở điểm số 8,87. “Hồi năm nhất mình học tài tử nên điểm thấp lắm, có trên 6 điểm chút à, toàn trốn học đi làm” - Bảo Anh tự nhận.

Nhưng văn nghệ thì chàng trai dân tộc Khmer từng là đội trưởng đội văn nghệ khoa địa chất ấy không bỏ buổi nào. Anh cũng là thành viên đội văn nghệ trường và mỗi Mùa hè xanh lại làm “chiến sĩ văn hóa” khắp các mặt trận trường đóng quân.

Bình lặng hơn, Thu Huyền chọn cách phụ việc thầy cô trong phòng thí nghiệm, làm số liệu, nhập liệu theo từng dự án. Mỗi dự án giúp bạn cơ hội học thêm, cập nhật cho mình những cách làm mới và những kỹ năng có được đã được Huyền vận dụng khi thu thập, xử lý thông tin, số liệu cho đề tài luận văn tốt nghiệp. Nhưng cô bạn cũng tranh thủ được ba mùa cận tết để có mặt với các hoạt động Xuân tình nguyện.

Bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học tự nhiên Nguyễn Thái Hà cho biết phong trào “Sinh viên 5 tốt” tại trường không đơn thuần giúp các bạn rèn luyện đạt danh hiệu mà hướng đến tương lai xa hơn, làm sao để có hành trang tốt nhất cho mỗi bạn cạnh tranh trong thị trường lao động và hội nhập.

“Không chỉ vươn lên trong cuộc sống, Bảo Anh và Thu Huyền còn tận dụng kiến thức chuyên môn để nghiên cứu những vấn đề từ chính thực tiễn cuộc sống quê mình là điều đáng trân trọng. Đó cũng là hình ảnh về một lớp sinh viên năng động, sống tích cực của nhà trường thời kỳ hội nhập” - anh Hà bày tỏ.

Tuyên dương điển hình học sinh sinh viên

Tối 8-1, Trung ương Hội Sinh viên VN tổ chức lễ kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên (9-1-1950 - 9-1-2017) tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Hội Sinh viên VN sẽ tuyên dương, khen thưởng 53 “Sinh viên 5 tốt” và 12 “Tập thể sinh viên 5 tốt” cấp trung ương cùng 100 bạn là cán bộ hội sinh viên các cấp của nhiều trường trên toàn quốc được vinh danh giải thưởng “Sao tháng Giêng”.

Cũng trong buổi lễ này, TP.HCM sẽ vinh danh 121 sinh viên các trường đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cùng 5 “Tập thể sinh viên 5 tốt” cấp TP năm 2016. Dịp này, 105 học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tại TP.HCM đạt danh hiệu “Học sinh 3 tích cực” sẽ được tuyên dương, khen thưởng.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên