15/11/2023 15:21 GMT+7

Sinh viên HUFLIT bị trừ 50% điểm vì dùng trí tuệ nhân tạo viết tiểu luận

Một sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM bị giảng viên trừ 50% điểm vì sử dụng các ứng dụng AI viết bài tiểu luận.

Một sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) cho biết bài tiểu luận môn viết của mình bị giảng viên trừ 50% số điểm. Lý do: bài làm sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để viết bài.

Cũng theo sinh viên này, bản thân từng nghe giảng viên nhắc nhở dùng AI viết tiểu luận sẽ tính đạo văn nếu bị phát hiện. Tuy nhiên sinh viên này không nghĩ rằng giảng viên sẽ phát hiện nếu sử dụng các phần mềm dịch thuật.

Giảng viên giải thích rằng việc sử dụng những phần mềm dịch thuật từ Việt sang Anh cũng có nguy cơ tính là sử dụng AI, khi kiểm tra đạo văn bằng các phần mềm chuyên dụng sẽ phát hiện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Vũ - phó hiệu trưởng HUFLIT - cho biết trường có hướng dẫn sinh viên các nguyên tắc sử dụng ứng dụng AI như sự minh bạch, trách nhiệm và hiểu rõ những ưu điểm và hạn chế của các mô hình tạo sinh. 

Văn bản chính thức về chế tài đối với việc sinh viên sử dụng ứng dụng AI làm bài tập thì chưa có, song trường có các quy định về liêm chính học thuật.

"Trong trường hợp này, giảng viên đã dặn dò sinh viên trước khi làm bài tiểu luận không sử dụng các ứng dụng AI làm bài. 

Đây là môn viết, bài tập kiểm tra khả năng viết độc lập của sinh viên. Do đó khi dùng công cụ hỗ trợ, AI đã vi phạm các quy tắc liêm chính. Việc trừ điểm của giảng viên trong trường hợp này là phù hợp" - ông Vũ cho biết thêm.

Không phụ thuộc hoàn toàn vào trí tuệ nhân tạo

Bên cạnh đánh giá về trường hợp cụ thể này, ông Vũ cho rằng AI và các mô hình tạo sinh là sự hỗ trợ tốt cho con người trong học tập, làm việc. Tùy vào môn học có thể tính là vi phạm (ví dụ môn viết đòi hỏi kỹ năng viết của sinh viên) nhưng có môn học có thể tham khảo, học tập trí tuệ nhân tạo. Sản phẩm từ các công cụ tạo sinh có phải là đạo văn hay không hiện nay thế giới vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Nếu hiểu rõ các ưu nhược điểm của AI, kết hợp cùng kiến thức của bản thân, kiểm tra chéo từ nhiều nguồn khác nhau, sản phẩm từ AI là nguồn tham khảo hữu ích. Nếu phụ thuộc hoàn toàn vào AI, đôi khi kết quả sai do không có nguồn tổng hợp hoặc tổng hợp sai, sẽ rất nguy hiểm.

UNESCO: Cần các quy định quản lý nghiêm việc sử dụng AI trong trường họcUNESCO: Cần các quy định quản lý nghiêm việc sử dụng AI trong trường học

UNESCO kêu gọi áp dụng các quy định nghiêm ngặt để quản lý việc sử dụng các công cụ Trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT trong các lớp học.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên