26/10/2023 15:30 GMT+7

Sinh viên cắm đêm trong quán cà phê 24/7, nguy cơ mất ngủ mãn tính

Tại TP.HCM, các quán cà phê hoạt động 24/7 ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều sinh viên có nhu cầu học và chơi xuyên đêm.

Người làm bài, kẻ chợp mắt, hình ảnh thường thấy tại những quán cà phê thâu đêm - Ảnh minh họa: P.K.

Người làm bài, kẻ chợp mắt, hình ảnh thường thấy tại những quán cà phê thâu đêm - Ảnh minh họa: P.K.

Cà phê đêm chạy deadline

Gần nửa đêm, tiệm cà phê 24/7 trên đường Lương Định Của (TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn tiếp đón những vị khách sống theo múi giờ trái ngược với đại đa số người Việt Nam.

Tại quầy thanh toán, các nhân viên thay phiên nhau đón khách. Bạn Nguyễn Thành Vinh - nhân viên quán - chia sẻ: "Vào mùa thi cử, học sinh sinh viên thường đến quán từ sáng sớm đến tối muộn để học bài. Có những ca lên đến 100 khách".

Không chỉ xuất hiện ở các quận trung tâm, mô hình cà phê 24/7 hướng đến đối tượng khách hàng là sinh viên cũng đã xuất hiện ở làng đại học TP Thủ Đức.

Minh Châu - sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - là khách quen của quán cà phê xuyên đêm trong làng đại học.

Vì không muốn làm phiền các bạn cùng phòng ký túc xá bởi thói quen sống về đêm của mình, Minh Châu chọn các quán cà phê không ngủ làm nơi chạy deadline.

Đã quá nửa đêm nhưng giấc ngủ vẫn chưa đến với nhiều người trẻ - Ảnh: P.K.

Đã quá nửa đêm nhưng giấc ngủ vẫn chưa đến với nhiều người trẻ - Ảnh: P.K.

"Mẹ mình cũng cằn nhằn việc đi cà phê trắng đêm nhiều lắm. Mỗi lần mẹ gọi điện ngay lúc đang đi cà phê, mình đều phải giải thích để mẹ hiểu, mình cần một không gian phù hợp để làm việc, và chắc chắn sẽ ngủ bù để lấy sức vào ngày hôm sau", Minh Châu bộc bạch.

Còn bạn Võ Thị Bích Trâm - sinh viên năm hai Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - thường đến cà phê đêm vào lúc 20h và về lại ký túc xá vào 9h sáng hôm sau.

Dù biết sinh hoạt như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, Trâm vẫn chọn học xuyên đêm vì cho rằng đây là khoảng thời gian mình làm việc năng suất nhất.

Theo Bích Trâm, khi về đêm, không gian yên tĩnh hơn và nhìn mọi người xung quanh tập trung làm việc nhắc nhở bạn không sao nhãng với việc học của mình.

Sinh viên "cắm đêm" tại quán cà phê với hình thức ghế ngồi (trái) và "ghế lười" (phải) - Ảnh: BẢO TIÊN

Nguy cơ mất ngủ mãn tính

Nhận thấy các bạn trẻ có nhu cầu về không gian làm việc xuyên đêm, anh Lê Công Lâm - chủ quán cà phê 24/7 trên đường Lương Định Của, TP Thủ Đức - đã nới rộng thời gian phục vụ của quán thành cả ngày.

Quan sát thấy các bạn sinh viên mỏi mệt, bơ phờ sau một đêm ngồi ghế làm việc, anh trang bị thêm "ghế lười" - dạng ghế dài được độn dày bông - để các bạn có thể ngả lưng nghỉ ngơi khi mệt mỏi, buồn ngủ.

Chi phí "cắm đêm" thường dao động từ 20.000 - 40.000 đồng cho một món nước, và phí phụ thu khoảng 10.000 với phòng ghế ngồi, hoặc khoảng 30.000 đồng với "phòng lười". Sinh viên còn có thể được cấp chăn mền những lúc muốn chợp mắt.

Tuy nhiên, học đêm lâu dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Về việc này, ThS.BS Hà Thanh Đạt - giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - chia sẻ sau một ngày dài làm việc, người trưởng thành cần ngủ trung bình 8 tiếng mỗi đêm để "sạc pin". Ban đêm là thời điểm các cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi để quay trở lại trạng thái tốt nhất cho những hoạt động của ngày tiếp theo.

Sinh viên ngồi học tại các quán cà phê từ đêm (phải) đến rạng sáng (trái) - Ảnh: BẢO TIÊN

"Giấc ngủ đêm còn tăng cường hệ miễn dịch, giúp chúng ta tránh khỏi bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường... Nếu thức khuya lâu dài, chúng ta có thể bị chứng mất ngủ mãn tính. Trong trường hợp nặng, bạn phải tìm đến chuyên gia để lấy lại nhịp sinh học bình thường", ông Đạt nói.

Trong trường hợp các bạn sinh viên bất đắc dĩ phải thức khuya để học tập, ThS.BS Hà Thanh Đạt khuyên để giúp cơ thể không bị mệt và tối ưu hóa sự tập trung, các bạn nên thư giãn 5 - 10 phút sau khoảng 45 - 50 phút tập trung cao độ.

Trong khoảng nghỉ này, các bạn có thể hít thở sâu, uống nước, nghe nhạc hoặc vận động nhẹ nhàng. Và các bạn nên có những giấc ngủ khoảng 30 - 45 phút sau 2 tiếng học tập. Với giấc ngủ ngắn, các bạn sẽ vừa đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, vừa không bị mộng mị như khi tỉnh dậy từ giấc ngủ sâu.

Thức trắng đêm giáp Tết cùng SOS Cam LâmThức trắng đêm giáp Tết cùng SOS Cam Lâm

Với túi cứu thương, thùng đồ sửa xe, bốn bộ đàm, chiếc xe hút đinh đi trước, ba xe còn lại nối đuôi, hằng đêm, đội SOS Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) lại lên đường hỗ trợ người dân gặp sự cố về xe cộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên