Đây là ý kiến của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành tốt sản xuất (GMP) với thực phẩm chức năng, tổ chức ngày 29-3 tại Hà Nội.
Theo ông Phong, hiện có trên 20.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đã công bố tiêu chuẩn chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm, trong số này có 60-65% sản phẩm sản xuất tại VN, 35-40% sản phẩm nhập ngoại.
Trong số trên 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng trong nước, ông Phong cho biết qua kiểm tra phát hiện nhiều cơ sở có dây chuyền sản xuất sơ sài, chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, sản xuất các sản phẩm mắc lỗi, không đạt về hàm lượng hoạt chất...
“Việc áp dụng tiêu chuẩn GMP với thực phẩm chức năng cũng là nhằm tăng cường chất lượng sản phẩm. Mục tiêu của Bộ Y tế là giữa năm 2017 có thể ban hành tiêu chuẩn này với thực phẩm chức năng, nhưng chúng tôi không quy định cứng ngay để tránh cho doanh nghiệp không đủ điều kiện áp dụng, quy định thành ra khó khả thi, mà sẽ có lộ trình. Khi áp dụng chính thức, khoảng hơn 1/2 doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất và họ có thể phải thuê gia công sản phẩm tại nhà máy đạt GMP như với thuốc hiện nay” - ông Phong cho biết.
Theo ông Lê Văn Truyền - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, năm 1996 VN bắt đầu áp dụng GMP với sản xuất dược phẩm và đã có nhiều ý kiến chuyên gia và nhà quản lý bất đồng với quy định này, cho rằng doanh nghiệp VN chưa đủ khả năng và điều kiện để sản xuất theo tiêu chuẩn GMP.
Nhưng đến nay thực tế cho thấy áp dụng GMP trong sản xuất thuốc là hợp lý và nhằm mục tiêu bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận