Theo đó, Bộ Y tế cho biết đã bổ sung quy định nghiêm cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung phòng bệnh, chữa bệnh, giảm nhẹ bệnh, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý của cơ thể đối với sản phẩm không phải là thuốc, ngoại trừ trang thiết bị y tế vào dự thảo Luật dược sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 3 này.
Nếu Luật dược sửa đổi thông qua quy định kể trên, tức nghiêm cấm quảng cáo, thông tin, ghi nhãn có nội dung phòng, chữa bệnh, giảm nhẹ bệnh... ở sản phẩm không phải là thuốc, tất cả sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường sẽ buộc phải thay đổi toàn bộ nhãn hàng và hình thức quảng cáo, tiếp thị.
Bộ Y tế cũng dẫn thông tin từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Singapore, New Zealand... cho rằng họ đều quản lý rất chặt tác dụng phòng, trị bệnh trong quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm chức năng. “Ở Anh, nếu thực phẩm chức năng nào quảng cáo có tác dụng phòng, trị bệnh thì cấp phép và quản lý như quy định đối với thuốc” - đại diện Bộ Y tế cho biết.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Thực phẩm chức năng VN vừa có văn bản khẩn gửi Quốc hội, kiến nghị về dự thảo Luật dược sửa đổi. Theo đó, ông Trần Đáng - chủ tịch hiệp hội - cho rằng trong điều 1 dự thảo Luật dược sửa đổi quy định luật này điều chỉnh các hoạt động liên quan đến thuốc. “Cớ sao lại đưa vấn đề không phải là thuốc vào dự thảo? Các sản phẩm không phải là thuốc đã có luật khác, ví dụ Luật an toàn thực phẩm điều chỉnh” - ông Đáng chất vấn.
Tuy nhiên Bộ Y tế lại cho rằng thực phẩm chức năng dù được quy định trong Luật an toàn thực phẩm nhưng chỉ có vài điều đơn sơ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý hiện nay.
“Thực tế có việc thổi phồng quảng cáo thực phẩm chức năng khiến người dân tưởng đó là thần dược, mua bán tràn lan thực phẩm chức năng giả mạo, nhập lậu qua mạng khiến thị trường khó phân biệt thật giả. Siết quản lý thực phẩm chức năng là cần thiết, nhưng để tránh chồng chéo với Luật an toàn thực phẩm thì cần có quy định hạn chế lạm dụng thực phẩm chức năng, lâu dài cần có luật riêng về thực phẩm chức năng” - đại diện Bộ Y tế đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận