22/10/2018 10:46 GMT+7

'Siết' biệt phái, phòng giáo dục thiếu người làm việc

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Nhiều phòng giáo dục - đào tạo ở Đà Nẵng đang gồng mình xoay xở với việc bị 'siết' viên chức biệt phái từ trường học lên phòng, dẫn đến thiếu người làm việc.

Siết biệt phái, phòng giáo dục thiếu người làm việc - Ảnh 1.

Hiện Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn có 7 người phải làm việc của 19 người - Ảnh: Đ. CƯỜNG

phòng giáo dục - đào tạo (phòng GD-ĐT) trước đây có 19 nhân sự nhưng từ năm 2017, khi Sở Nội vụ quy định số lượng biệt phái không quá 30% số biên chế được giao của phòng thì nay nhân sự chỉ còn có... 7 người.

7 người làm việc của 19 người

Trong cuộc làm việc trước thềm năm học mới của bí thư Thành ủy Đà Nẵng với Sở GD-ĐT, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã nêu công văn ngày 14-9-2017 của Sở Nội vụ Đà Nẵng, quy định số lượng biệt phái viên chức công tác tại phòng GD-ĐT không quá 30% số biên chế công chức được giao tại phòng.

Tuy nhiên, thực tế nhiều phòng GD-ĐT áp dụng theo quy định biệt phái này không đảm bảo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành hoạt động chuyên môn các bậc học của quận.

Ông Nguyễn Lâm - trưởng Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn - cho biết trước năm 2017, các phòng GD-ĐT gần như được quyền trưng tập, biệt phái giáo viên của các trường về phòng GD-ĐT.

Theo quy định của Luật viên chức, mỗi giáo viên được biệt phái không quá 3 năm. Trên cơ sở này, Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn biệt phái lên phòng đủ người để làm việc với 12 người biệt phái. "Với số lượng này đủ người phụ trách các mảng, các công việc của phòng" - ông Lâm cho biết.

Tuy nhiên, theo quy định của Sở Nội vụ, Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn đã tiến hành trả 12 người về lại các trường học.

Theo ông Lâm, 7 người của phòng hiện đang phải đảm đương công việc tương đương với 19 người của trước năm 2017. Đến nay, Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn mới bổ sung được 1 người biệt phái từ trường lên.

Với số lượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên nên hiện nay có lãnh đạo phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, có phó phòng vừa phụ trách THCS kiêm luôn việc liên quan đến khuyến học, cựu giáo chức, hoạt động ngoài giờ, họp hành... khi chuyên viên phụ trách lĩnh vực lại không có.

"Phòng GD-ĐT mà không có những người làm công tác chuyên môn làm sao việc dạy học ở các trường ổn định được. Phải xác định là giáo dục đặc thù hơn so với các phòng - ban khác vì còn có các cơ sở trực thuộc nên phải bố trí nguồn nhân lực vừa đủ cho phòng giáo dục hoạt động được. Phòng hoạt động được thì chất lượng giáo dục toàn diện mới nâng lên được" - ông Lâm nêu ý kiến.

Giải pháp mà Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn đang làm hiện nay là phân công các phó phòng làm công tác chuyên môn. Tại các trường học "có cánh tay nối dài" bằng cách thành lập các tổ chuyên môn cốt cán trực thuộc quản lý của phó phòng.

Dù sử dụng giải pháp này nhưng ông Lâm vẫn cho rằng với đặc thù của ngành giáo dục, phải có một số chuyên viên biệt phái. Người được biệt phái khi đi tiếp thu chuyên đề nào đó vẫn chuẩn hơn.

Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn hiện cần thêm khoảng 7 người có chuyên môn để trực tiếp thực hiện các mặt chuyên môn.

Sẽ giảm tải cho phòng GD-DT

Bà Trần Thị Thúy Hà - trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu - cho biết hiện phòng có 13 người và 4 người được biệt phái nhưng vẫn không kham nổi công việc bởi có quá nhiều nội dung, hoạt động...

Ví dụ bậc mầm non hiện có 46 trường, hơn 90 nhóm trẻ nhưng chuyên viên lại quá mỏng. Theo bà Hà, 4 giáo viên biệt phái vẫn phải đi dạy dưới trường. "Vừa dạy vừa phải lên phòng làm việc nên rất cực" - bà Hà cho hay.

Lý giải việc cắt chế độ biệt phái, tại cuộc làm việc của bí thư Thành ủy Đà Nẵng với Sở GD-ĐT, ông Võ Ngọc Đồng - giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng - cho rằng tình trạng giáo viên hiện thiếu rất nhiều nhưng biệt phái lên phòng giáo dục lại rất đông, thậm chí có nơi biệt phái tới 15-16 người.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Vĩnh - giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - cho biết trước đây các phòng GD-ĐT biệt phái khá nhiều, hơn quy định nhưng thực ra là trong chỉ tiêu mượn của trường.

Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, nhân sự tại các phòng GD-ĐT sẽ thực hiện việc đa năng ngay trong nội bộ như mỗi nhân sự sẽ thực hiện các chức danh kiêm nhiệm. Đồng thời, các phòng vẫn phải trưng tập số cán bộ giáo viên theo quy định không vượt quá 30%.

Ông Vĩnh cũng cho hay phía Sở GD-ĐT cũng hiểu khó khăn mà các phòng GD-ĐT đang gặp hiện tại. Vì thế trong công tác quản lý điều hành, sở sẽ giảm tải, hạn chế việc báo cáo, theo dõi. Các báo cáo đi sâu vào biểu mẫu, khoa học, không lời lẽ như trước đây. Công tác kiểm tra phải tổ chức để không chồng chéo, có trọng tâm, trọng điểm.

"Sở đang tính toán lại về công tác kiểm tra, ví dụ nếu trước đây kiểm tra công tác chuyên môn theo kiểu từng ngày riêng cho mầm non, tiểu học rồi đến THCS, trong tình hình ở phòng chỉ còn một phó phụ trách cả ba khối, tới đây sẽ đi kiểm tra một lần luôn cho gọn, giảm tải cho phòng và cho trường" - ông Vĩnh cho biết thêm.

Giáo viên e ngại được biệt phái

Đại diện một phòng GD-ĐT lo ngại khi phòng này có 11 người, trong đó có 3 giáo viên biệt phái nhưng phải "quán xuyến" địa bàn với gần 40.000 học sinh, cùng 60 đơn vị, 3.000 giáo viên là rất khó khăn, nặng nề. "Cũng như ban nhạc vậy, không thể bắt một người chơi tất cả các loại nhạc cụ cùng lúc, người phụ trách mảng THCS không thể làm tiểu học hoặc mầm non" - vị đại diện này cho hay.

Trở ngại khác là giáo viên rất e ngại khi biệt phái bởi thu nhập thua giáo viên đứng lớp. Khi họ lên phòng GD-ĐT nhưng thu nhập lại eo hẹp vì vẫn nhận lương từ trường, không có phụ cấp đứng lớp, không có thâm niên... nên bài toán nhân lực cho các phòng GD-ĐT sẽ còn dai dẳng chờ lời giải - vị này nhìn nhận.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên