13/09/2019 14:00 GMT+7

Shark Liên và Shark Bình tranh giành startup làm ống hút cỏ

P.Q
P.Q

Startup có mô hình kinh doanh đáp ứng đúng nhu cầu nhức nhối của xã hội là bảo vệ môi trường khiến hai 'cá mập' là Shark Liên và Shark Bình tranh nhau xuống tiền đầu tư.

Shark Liên và Shark Bình tranh giành startup làm ống hút cỏ - Ảnh 1.

Nguyên Võ - Founder & CEO của Green Joy Straw

Mở màn phần thuyết trình, Nguyên Võ - Founder & CEO của Green Joy Straw giới thiệu sản phẩm ống hút cỏ, một trong những nguyên liệu thân thiện với môi trường và sẽ thay thế ống hút nhựa trong tương lai.

Theo Võ, Green Joy Straw không chỉ góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường bên ngoài mà còn phần nào giúp bà con nông dân hiện đang sống tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long ổn định việc làm.

Cô cho hay các sản phẩm của Green Joy Straw nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng và hiện đã có mặt tại hơn 100 chuỗi nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam.

Gặp startup có mô hình kinh doanh đáp ứng đúng nhu cầu nhức nhối của xã hội là bảo vệ môi trường, dù Nguyên Võ vẫn chưa kịp đưa ra lời mời đầu tư, Shark Bình đã "chốt deal" ngay.

Thể hiện sự thiện chí với nhà sáng lập của Green Joy Straw , "bà ngoại U60" Đỗ Liên cũng bộc lộ ý định đầu tư cho Nguyên Võ khi nhận xét: "Tôi đánh giá cao về ý thức của bạn! Các bạn đã có ý tưởng biến cỏ thành tiền, đấy là ý tưởng rất khác biệt và tôi trân trọng điều đó. Bạn nghĩ đến môi trường là điều tôi rất thích, kiếm được tiền đã rất vui nhưng kiếm tiền mà còn hạnh phúc nữa còn gì bằng".

Nguyên Võ cũng cho hay doanh số sau 8 tháng thành lập của Green Joy Straw đang là 830 triệu. Quý 4-2019, công ty đang có đơn đặt hàng lớn đến từ Mỹ và Châu Âu. Dự tính doanh số cuối 2019 đạt 13 tỷ với lợi nhuận là 45%, 2020 là 150 tỷ, 2021 là 350 tỷ và 2022 là 600 tỷ.

Về mô hình kinh doanh ống hút cỏ, Nguyên Võ cho biết đã có 6 doanh nghiệp nhảy vào thị trường này. So với các sản phẩm ống hút gạo, ống hút tre, ống hút giấy…, ống hút cỏ Green Joy Straw đã có giấy kiểm nghiệm về mẫu đất, mẫu nước, test vi sinh… để có thể xuất khẩu sản phẩm sang Châu Âu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang sở hữu vùng nguyên liệu tại Long An. Dự tính với 100ha diện tích đất, Green Joy Straw có thể cung cấp 1 tỷ ống hút trong vòng 5 năm tới, khả năng xuất khẩu từ 100 - 200 container/ tháng.

Tuy nhiên, startup đang gặp vấn đề về giá khi ống hút nhựa chỉ dao động từ 50 – 100 đồng/ống, còn ống hút cỏ đang có giá bán sỉ lên đến 630 đồng.

Kêu gọi thành công 2 tỷ đồng, Nguyên Võ muốn mở rộng quy mô sản xuất để giảm giá thành xuống mức 300 đồng/ ống.

Dựa trên con số startup cung cấp, Shark Dzung Nguyễn đưa ra đề nghị đầu tư 2 tỷ cho 20% với điều kiện startup phải thực hiện được 80% giá trị hợp đồng của đơn đặt hàng sang Mỹ, Châu Âu.

Shark Liên cũng đưa ra lời đề nghị 2 tỷ cho 20% cổ phần của Green Joy Straw với mong muốn startup phải làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Lợi nhuận chia cho nhà đầu tư sẽ được chuyển thẳng vào Quỹ Môi trường xanh. Shark sẽ dùng số tiền trên để hỗ trợ các startup về môi trường của Việt Nam.

Những lời đề nghị hấp dẫn của Shark Dzung Nguyễn và Shark Đỗ Liên khiến Shark Nguyễn Hòa Bình không thể ngồi yên. Shark Bình lập tức rời ghế nóng để đứng bên thuyết phục startup về đội của mình.

Shark Liên và Shark Bình tranh giành startup làm ống hút cỏ - Ảnh 2.

Shark Liên đưa ra lời đề nghị đầu tư với mong muốn startup làm ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng

Màn tranh giành startup của các "cá mập" càng ngày càng quyết liệt hơn nữa khi Shark Đỗ Liên tuyên bố nếu Nguyên Võ chọn mình, bà sẵn sàng ký séc cho startup ngay tại chỗ, đồng thời lôi kéo được Shark Hưng đặt trước 2 tỷ để bao tiêu đầu ra ở thị trường Châu Âu.

Đối mặt với sức ép dồn dập đến từ các "cá mập", Nguyên Võ phải xin hội ý cùng các cổ đông.

Nữ CEO 9x chia sẻ cô cảm mến Shark Bình vì cần một phần tự động hóa để đưa quy trình sản xuất mở rộng một cách nhanh nhất. Lý do này đã khiến cả hai "cá mập" còn lại cảm thấy bất công vì họ cũng sở hữu lợi thế cùng hiểu biết về công nghệ không hề thua kém "cá mập tri kỷ".

Không muốn mất ai, Nguyên Võ đưa ra đề nghị xin nhận đầu tư chung từ Shark Bình và Shark Đỗ Liên với 4 tỷ cho 40% cổ phần.

Tuy nhiên, tuyên bố muốn giúp Nguyên Võ trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến phụ nữ Việt Nam và vì môi trường, Shark Đỗ Liên sẵn sàng đầu tư cho startup 4 tỷ đồng mà không cần "nhìn thấy Shark Bình trong deal này".

Cuối cùng, màn tranh cãi giữa các "cá mập" đã khép lại khi startup lựa chọn về đội Shark Đỗ Liên với mức 4 tỷ cho 33% cổ phần.

Shark Liên và Shark Bình tranh giành startup làm ống hút cỏ - Ảnh 3.

Green Joy Straw được Shark Đỗ Liên rót vốn đầu tư với mức 4 tỷ cho 33% cổ phần

"Bản thân tôi có rất nhiều đối tác nước ngoài muốn nhờ tôi nhập ống hút cỏ sang thị trường Châu Âu, đặc biệt là Đức. Tôi nghĩ khi tôi đầu tư, tôi sẽ giúp rất nhiều không chỉ thị trường trong nước mà còn trênn phạm vi quốc tế" - Shark Đỗ Liên chia sẻ thêm về dự định hỗ trợ startup.

P.Q
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên