29/12/2016 20:45 GMT+7

Sẽ xử lý vi phạm những trường hợp cố tình đi vào làn BRT

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Sau thời gian vận hành thử nghiệm không tải, ngày 29-12 cơ quan chức năng của Hà Nội đã đưa 24 trên tổng số 35 xe buýt nhanh (BRT số 1) tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa vào vận hành.

Hai xe buýt nhanh BRT nối đuôi nhau không thể di chuyển trên đường Lê Văn Lương - Ảnh: NAM TRẦN
Hai xe buýt nhanh BRT nối đuôi nhau không thể di chuyển trên đường Lê Văn Lương - Ảnh: NAM TRẦN

Việc vận hành sẽ theo đúng biểu đồ luồng tuyến nhằm chuẩn bị chính thức đưa vào khai thác từ ngày 31-12. Những hành khách có nhu cầu đi BRT cũng được mời trải nghiệm.

Ông Vũ Hà, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị (đại diện chủ đầu tư dự án BRT Hà Nội), cho biết trong ngày 29-12 đã chọn 2 cung giờ cao điểm để đi nhằm đánh giá khả năng vận hành của BRT trong điều kiện giao thông trên tuyến.

Theo đó, buổi sáng xe BRT xuất phát lúc 7g18 từ bến Yên Nghĩa và đến Kim Mã lúc 8g12 (mất 54 phút di chuyển cho cả hành trình 14,7km). Buổi chiều mất 56 phút.

Theo ông Hà, trong điều kiện người tham gia giao thông trên tuyến chưa quen, còn lấn làn, đi vào làn đường dành riêng của BRT và còn ùn tắc tại một số nút giao thông thì tốc độ vận hành ngày đầu như vậy cơ bản đạt được mục tiêu bước đầu.

Về việc người dân phản ảnh còn khó tiếp cận với BRT ở một số nhà chờ do chưa có cầu vượt kết nối để người đi bộ từ vỉa hè tới nhà chờ BRT ở dải phân cách giữa đường, ông Hà cho biết đã nghiên cứu và cố gắng tận dụng hạ tầng để làm cầu vượt kết nối với nhà chờ.

Hiện nay trên tuyến có 10 trong số 21 nhà chờ có cầu vượt để kết nối. Còn những vị trí khác đã khảo sát nhưng không thể làm cầu vượt vì vướng các công trình ngầm, nổi. Vì vậy đã kẻ vạch sơn, lắp đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường tới nhà chờ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải (giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội) cho biết qua đợt chạy thử ngày 29-12 cho thấy một số vấn đề cần khắc phục như điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu theo hướng ưu tiên thời lượng cho hướng BRT chạy để qua các nút giao thông nhanh hơn; điều hành giao thông để các phương tiện khác không đi vào làn ưu tiên cho BRT; tăng cường lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông điều phối giao thông.

“Thực tế có ùn ứ một số nút giao thông có mật độ đông khi BRT đi qua. Nhưng chúng tôi kêu gọi mọi người nhường nhịn, ưu tiên BRT để thuận tiện thu hút nhiều người đi BRT hơn. Nếu những người đi BRT mà sử dụng xe máy, ôtô cá nhân thì đường còn đông hơn nữa nên chúng tôi mong các phương tiện khác tạo điều kiện cho BRT” - ông Hải nói.

Về tình trạng BRT dù được bố trí làn đường riêng vẫn phải chen lấn với nhiều ôtô, xe máy, ông Hải cho rằng vẫn có một số người chưa tuân thủ làn đường riêng cho BRT.

“BRT có làn đường riêng thì có nghĩa là đã phân làn đường theo phương tiện. Theo nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, xe khác đi vào làn BRT sẽ vi phạm đi sai làn đường. Đây là chế tài để xử lý. Bên cạnh tuyên truyền, nhắc nhở, lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm những trường hợp cố tình đi vào làn BRT” - ông Hải lý giải.

Tại buổi kiểm tra hiện trường tổ chức khai thác BRT ngày 29-12, ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã yêu cầu Sở GTVT Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội và các đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục các bất cập về hạ tầng, tổ chức giao thông và vệ sinh các nhà chờ; Phòng cảnh sát giao thông rà soát, điều chỉnh lại chu kỳ đèn tại một số nút giao thông theo hướng ưu tiên cho BRT hoạt động...

 

 

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên