Phóng to |
Lực lượng chức năng giám sát việc cưỡng chế tại kho Công ty Trường Ngân chiều 11-12 - Ảnh: Bá Sơn |
Một NH thậm chí tiếp tục thuê xe tải đậu chắn ngang các kho hàng này để đề phòng các NH khác “cướp” cà phê. Mỗi khoang hàng cũng có thêm một ổ khóa mới được một NH thêm vào bên cạnh ổ khóa hiện hữu.
Bán đấu giá để trả nợ
Một NH theo dõi việc cưỡng chế cho biết tổng số hàng bị cưỡng chế là 60 xe tải (trong đó có khoảng 22 xe “rác”) với khối lượng gần 1.500 tấn (trong đó chỉ có khoảng 650 tấn là hạt cà phê). Số cà phê này thấp hơn nhiều so với quyết định cưỡng chế số lượng cà phê cần cưỡng chế lên tới 3.360 tấn đủ điều kiện xuất khẩu.
Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An cho biết số cà phê này sẽ tiếp tục được bảo quản tại một kho hàng khác do Chi cục Thi hành án thuê để chờ giám định và bán đấu giá. Ông Hồ Quý Sơn - chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An - cho biết tới chiều 11-12, chi cục vẫn chưa nhận được văn bản nào mới của các cơ quan chức năng về việc có tranh chấp tại lô hàng bị cưỡng chế nên việc thi hành án sẽ vẫn tiến hành bình thường.
Số cà phê sau khi bán đấu giá sẽ được dùng để trả nợ cho OCB theo quyết định của TAND Q.4. Theo ông Hồ Quý Sơn, thông tin TAND Q.4 cung cấp tới lực lượng thi hành án cho biết sơ đồ lô hàng Trường Ngân cầm cố cho OCB không trùng với lô hàng cầm cố của các NH khác cũng đang kiện công ty này tại TAND Q.4. Tuy nhiên theo ông Sơn, sẽ phải giám định cụ thể chất lượng hàng hóa, nhưng ước lượng qua thực tế có thể có tới hơn một nửa kho hàng bị cưỡng chế là “rác”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn cho biết phải đến ngày 12-12 mới biết chính xác có bao nhiêu cà phê trong số hàng đã cưỡng chế tại kho của Công ty Trường Ngân. Tuy nhiên theo ông Tuấn, số hàng thực tế cưỡng chế ít hơn nhiều so với con số 3.360 tấn, trong đó có khá nhiều là vỏ cà phê được trà trộn.
Không thể đòi nợ bằng luật... rừng
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn cho rằng chuyện bảy NH giành nhau kho hàng tại Trường Ngân là hậu quả của việc quá dễ dãi trong việc bơm vốn cho doanh nghiệp. Nhiều NH cho vay khá lỏng lẻo, chỉ dựa trên “hàng lưu kho bình quân” là số dư hàng tồn kho có trên bảng cân đối mà chẳng biết có hàng thế chấp thật sự hay không, hàng thế chấp nằm ở đâu. Đến khi sự việc xảy ra thì NH nào cũng nhảy vào giành là hàng của mình.
“Từ vụ việc Trường Ngân, vừa rồi NH đã ra quy định mới là nếu doanh nghiệp thế chấp hàng hóa cho NH thì NH sẽ đi thuê kho khách hàng đem hàng gửi vào kho của NH để NH quản lý. Tôi nghĩ các NH nên thay đổi cách quản lý hàng hóa thế chấp, tỉnh táo hơn trong việc đưa tiền quá nhiều cho doanh nghiệp” - vị này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo NH Nhà nước TP.HCM cho biết tại buổi làm việc với các NH liên quan, NH Nhà nước TP đã đặt ra ba câu hỏi nhưng các NH không trả lời được. “Tôi hỏi các NH rằng các anh nói cho vay thế chấp có tài sản đảm bảo, NH nào cũng thuê bảo vệ mà doanh nghiệp lấy hàng bán khi nào NH không biết. Rồi quy trình đăng ký tài sản đảm bảo của các NH thế nào, thế chấp ra sao, NH xuất tiền ra doanh nghiệp có nhập hàng về hay không, có hóa đơn, chứng từ, có đối chiếu hóa đơn sổ quỹ không và tại sao ba năm nay không có báo cáo tài chính của đơn vị mà NH nói là có hàng?” - vị đại diện này nói.
Ông này cũng cho biết chứng từ của các NH toàn chữ ký của bảo vệ với thủ kho, không có chữ ký của chủ doanh nghiệp, khi kiểm tra thì NH giao cho nhân viên, không có chữ ký giám đốc, không thể hiện lô hàng ở đâu, gồm mấy kiện, phiếu nhập hàng số mấy, không có sổ sách đối chiếu.
Theo quy định, khi không đòi được nợ thì NH phải khởi kiện ra tòa hoặc chuyển hồ sơ qua cơ quan công an nếu doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, nhưng NH không làm như vậy là tự bôi nhọ danh dự của mình trên thương trường. “NH Nhà nước đã có văn bản chấn chỉnh, nếu lãnh đạo các NH vẫn để giám đốc công ty xử lý nợ dùng luật rừng như vừa qua thì phải tự chịu trách nhiệm trước thống đốc” - vị này nói.
TS LÊ ĐĂNG DOANH: Xem xét lại chất lượng các tài sản thế chấp Vụ xiết nợ Công ty Trường Ngân vừa qua chỉ mới là một điển hình bị phơi bày nhưng là phần nổi của tảng băng chìm. Tài sản thế chấp của các NH đâu chỉ có kho hàng này mà còn nhiều kho hàng khác, vậy chất lượng của những kho hàng khác ra sao? NH Nhà nước không nên coi đây là một trường hợp riêng lẻ mà nhân vụ việc này nên có thẩm định lại, xem xét một cách nghiêm túc về chất lượng tài sản thế chấp của các NH trong thời gian qua. Rộng hơn là phải đánh giá lại những khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN mua về trong thời gian qua có bao nhiêu tài sản tương tự như kho cà phê của Trường Ngân. |
Vụ xiết nợ đầu tiên tại Công ty Trường Ngân diễn ra đầu tháng 6-2013. Ngân hàng Quân đội (MB) đã huy động lực lượng tới kho hàng của Công ty Trường Ngân để vận chuyển 615 tấn cà phê mà công ty này cầm cố vay vốn của MB. Tuy nhiên, năm trong sáu ngân hàng còn lại (trừ Agribank) đã tập trung rất đông nhân viên và bảo vệ để phản đối. Do đó, Công an thị xã Dĩ An phải tới bảo vệ hiện trường và niêm phong kho hàng. Ngày 3-12, khi Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An, Bình Dương cưỡng chế kho hàng để trả nợ cho OCB thì bị một số ngân hàng khác cũng tập trung phản đối. Tới chiều 6-12, khi lực lượng thi hành án tạm nghỉ làm việc đã xảy ra xô xát giữa bảo vệ của các ngân hàng khi bảo vệ của một ngân hàng muốn cưa bỏ ổ khóa mới xuất hiện. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Vụ 7 ngân hàng xiết nợ một công ty: Tình hình căng như dây đànMột kho cà phê “qua mặt” nhiều ngân hàngĐề nghị kháng nghị vụ cưỡng chế tại Công ty Trường Ngân7 ngân hàng lớn cùng đòi lấy cà phê xiết nợ một công tyCác ngân hàng nộp hồ sơ cho công anCưỡng chế kho hàng vụ “7 ngân hàng xiết nợ một công ty”Xiết nợ không thành, 7 ngân hàng "cầu cứu" công an
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận