08/06/2013 05:14 GMT+7

Các ngân hàng nộp hồ sơ cho công an

BÁ SƠN - ÁNH HỒNG
BÁ SƠN - ÁNH HỒNG

TT - Ngày 7-6, kho hàng cà phê dùng để cầm cố vay vốn ngân hàng của Công ty TNHH Trường Ngân (có trụ sở tại Q.4, TP.HCM, kho hàng tại thị xã Dĩ An, Bình Dương) vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt, bị niêm phong chờ quyết định của các cơ quan chức năng mở ra kiểm tra. Công an thị xã Dĩ An yêu cầu bảy ngân hàng liên quan đến vụ việc (gồm MB, VIB, OCB, Techcombank, MSB, Vietinbank, Agribank) sớm nộp các hồ sơ chứng minh quyền của mình với các tài sản cầm cố để cơ quan công an điều tra làm căn cứ xử lý kho hàng cà phê. Hiện nay đã có một số ngân hàng nộp hồ sơ, trong đó Ngân hàng Quân đội (MB) đã nộp hồ sơ từ chiều 6-6.

* Ngân hàng Nhà nước họp khẩn với 7 ngân hàng

7 ngân hàng lớn cùng đòi lấy cà phê xiết nợ một công ty

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-6, ông Nguyễn Xuân Bình - giám đốc Công ty Trường Ngân - cho biết số cà phê trong kho tại Bình Dương hiện có trị giá khoảng 100 tỉ đồng. Để giải quyết số nợ với các ngân hàng, ông Bình cho biết thời gian tới sẽ làm việc với các ngân hàng đề nghị cho phép Công ty Trường Ngân sử dụng số hàng cầm cố trong kho để xuất khẩu, tiếp tục kinh doanh lấy tiền trả cho các ngân hàng. Ông Bình cho rằng hiện công ty không còn sức ép trả lãi và các nghĩa vụ tài chính hằng tháng với ngân hàng nên nếu có số cà phê nói trên công ty sẽ kinh doanh có lãi.

Trong khi đó, ông Hoàng Trúc Hùng - phó tổng giám đốc Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản MB, giám đốc chi nhánh TP.HCM (MB là ngân hàng đầu tiên đến định vận chuyển hơn 600 tấn cà phê từ kho của Công ty Trường Ngân và đã bị các ngân hàng còn lại phản đối) - cho rằng ngân hàng sẵn sàng cùng Công ty Trường Ngân giải quyết nợ vay. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào sự chủ động và thiện chí của Công ty Trường Ngân. Về số cà phê cầm cố, MB cũng sẽ tạm dừng ý định vận chuyển để chờ thông báo mới từ phía công an.

Sáng 7-6, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã triệu tập cuộc họp với đại diện của bảy ngân hàng tham gia vụ xiết nợ Công ty Trường Ngân vào trưa 6-6. Lãnh đạo một ngân hàng tham dự cuộc họp này cho biết Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng là chủ nợ của Công ty Trường Ngân không được hành xử như vừa qua, đồng thời yêu cầu các ngân hàng nộp lại hồ sơ giấy tờ và giải trình để Ngân hàng Nhà nước nắm được diễn tiến sự việc.

Theo chủ tịch HĐQT một ngân hàng đang là chủ nợ của Công ty Trường Ngân, nếu biết doanh nghiệp này đem tài sản thế chấp cho nhiều ngân hàng như thế thì ngân hàng này sẽ không bao giờ cho vay. Tuy nhiên có thể các khoản vay này đã có từ lâu, ngay từ ban đầu khi vay vốn doanh nghiệp chỉ có mục đích dùng vốn để kinh doanh chứ không có ý định lừa đảo ngân hàng. Tuy nhiên trong quá trình kinh doanh thì gặp khó khăn dẫn đến thua lỗ, từ đó doanh nghiệp đã làm hàng loạt động tác để qua mặt ngân hàng dẫn đến hậu quả bảy ngân hàng cùng tranh nhau xiết nợ như ngày hôm nay.

Theo chủ tịch HĐQT một ngân hàng đang là chủ nợ của Công ty Trường Ngân, thời gian qua các ngân hàng rất linh hoạt trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, do vậy ngoài bất động sản, nhà xưởng, máy móc..., các ngân hàng còn nhận cầm cố cả hàng hóa. Với hàng hóa thế chấp, có ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải tách riêng ra một khu vực, việc xuất nhập kho đều được ngân hàng giám sát. Có ngân hàng “thoáng” hơn: cho vay theo hàng tồn kho luân chuyển và cho doanh nghiệp nhập xuất trên cơ sở doanh nghiệp khai. Từ đó vỡ ra nhiều trường hợp cùng một hàng hóa nhưng doanh nghiệp thế chấp cho nhiều ngân hàng khác nhau để vay số vốn lớn hơn rất nhiều so với giá trị hàng hóa thế chấp.

BÁ SƠN - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên