Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: M.Đức |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nói:
- Để giải quyết phần nào những khó khăn về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định 33 thay thế quyết định 20 về chương trình kích cầu của TP nhằm bổ sung, mở rộng đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất.
Chương trình đặc biệt tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp hiện đại hóa công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm mới có giá trị gia tăng để thay thế dần hàng nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm cho thị trường cũng thuộc diện hỗ trợ này. Một hỗ trợ khác được triển khai thực hiện quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ để bảo lãnh vốn cho doanh nghiệp những dự án khả thi, hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục cần thiết nhằm tiếp cận vốn ngân hàng nhanh chóng.
Trong chính sách phát triển thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối, mở thêm nhiều điểm bán cửa hàng văn minh tiện lợi chuyên bán sản phẩm chất lượng, đúng giá, đặc biệt là đưa hàng Việt vào khu công nghiệp - khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa.
Phóng to |
Hàng Việt Nam hiện chiếm tỉ lệ 80-90% tại nhiều siêu thị - Ảnh: L.Q.N |
* Để hàng Việt có thêm sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian tới UBND TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động gì, thưa bà?
- Mới nhất, kênh truyền hình phục vụ mua bán và quảng bá các sản phẩm Việt HTV Coop18 đã được chạy thử nghiệm từ cuối tháng 6-2011, doanh nghiệp sẽ có kênh quảng bá sản phẩm với chi phí thấp hơn. UBND TP.HCM đang chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thiện các quy định hoạt động kênh truyền hình nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm.
Cổng thông tin thương mại do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thực hiện đã thu hút trên 2.000 thành viên là các doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi thông tin, đồng thời cập nhật thị trường phục vụ công tác tìm kiếm thị trường mới, mở rộng thị phần.
Ngoài ra, thông qua những cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp định kỳ hằng tháng, hằng quý, UBND TP mời các sở, cơ quan chức năng để ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời có biện pháp, đề xuất tháo gỡ. Hiện ban chỉ đạo cuộc vận động cũng đã kiến nghị lên cơ quan trung ương xây dựng các cơ chế chính sách về thuế, phí... mà không trái với các quy định của WTO, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, khảo sát thị trường, xây dựng thương hiệu...
___________________
Mẫu mã vẫn là điểm yếu của hàng Việt
Tại buổi tọa đàm “Để người Việt gần với hàng Việt” do báo Đại Đoàn Kết phối hợp với Bộ Công thương và một số đơn vị diễn ra ngày 29-7, ông Vũ Vinh Phú - chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - cho biết tại các siêu thị và trung tâm thương mại ở Hà Nội, hàng Việt đã chiếm tỉ lệ phổ biến từ 80-90% tùy mặt hàng. Tuy nhiên ở các chợ, cửa hàng bán lẻ hàng Việt lại chưa tiếp cận được nhiều. Lấy ví dụ về chợ truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội là Đồng Xuân, ông Phú cho biết ở đây 70% là hàng Trung Quốc.
Theo ông Phú, hàng Việt chưa có chiến lược nghiên cứu cụ thể tỉ mỉ từ sản xuất đến phân phối, giá trị gia tăng trong hàng Việt chưa cao. Đặc biệt, nhiều mặt hàng thua về giá, kém về mẫu mã, năng suất lao động thấp hơn 15-17 lần so với các nước trong khu vực, tạo điều kiện cho hàng Trung Quốc, Thái Lan... tràn vào. “Muốn phát triển hàng Việt phải giải quyết được khâu thiết kế mẫu mã, đồng thời chú trọng về chất lượng, độ ổn định của hàng hóa” - ông Vinh nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho biết hiện nay ở nhiều nơi loại hàng hóa không xuất xứ, cấp thấp đang bị hàng VN lấn dần, đặc biệt các mặt hàng thực phẩm đóng hộp, hàng gia dụng. Ngoài ra, nhiều loại mặt hàng cũng đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng như hàng may mặc, bánh kẹo, đồ chơi, trái cây... Hàng VN không khó tiêu thụ như trước đây. Lấy ví dụ về huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trước đây hàng hóa toàn là hàng Trung Quốc nhưng nay nhiều mặt hàng Việt đã chiếm lĩnh. “Đây là kết quả nỗ lực của nhiều doanh nghiệp trong nước. Vì vậy chúng ta phải cần những hành động thiết thực hơn nữa trong cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng Hàng Việt” - bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, đề nghị.
Theo bà Hạnh, sau gần ba năm hoạt động tính từ tháng 3-2009 đến giữa tháng 7-2011, hội đã đổ chức được 65 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại 23 tỉnh thành trên cả nước, thu hút gần 1 triệu lượt người đến tham quan và mua sắm. Đặc biệt, có 70 doanh nghiệp cam kết đồng hành thường xuyên trên ba miền Tổ quốc. Từ mục tiêu đề ra của phiên chợ hàng Việt, hội đã xây dựng hệ thống phân phối tại nông thôn, cơ bản vẽ ra bản đồ phân phối, tạo mạng lưới cho các doanh nghiệp đưa hàng Việt đi về nhiều vùng nông thôn.
_______________
Gỡ khó cho chợ truyền thống
Sở Công thương TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với một số đơn vị xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho ban quản lý chợ về công tác quản lý, kinh doanh khai thác chợ, làm quen và học tập mô hình kinh doanh chợ hiện đại của các nước thông qua chương trình đào tạo bài bản. Đây được xem như là nỗ lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống trên địa bàn.
Hiện nay hoạt động của các chợ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, đa số chợ được hình thành lâu đời, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu mặt bằng giữ xe, nhà vệ sinh công cộng...
Theo Sở Công thương, tính đến 6-2011 thành phố có 247 chợ, trong đó có thêm sáu chợ mới, chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại thành, quận ven hình thành khu dân cư mới. Trong quy hoạch mạng lưới chợ giai đoạn 2011-2015, toàn thành phố có 233 chợ, giảm 14 chợ so với năm 2010, trong đó 19 chợ được chuyển đổi công năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận