Cầu Bình Lợi mới hoàn thành giúp tàu thuyền trên 1.000 tấn qua lại dễ dàng - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Ban quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) cho biết thời gian qua đơn vị đã đốc thúc nhà đầu tư bằng mọi giải pháp, tập trung khắc phục khó khăn để sớm hoàn thành dứt điểm công trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tàu thuyền có trọng tải lớn qua lại; góp phần phát triển giao thông đường thủy.
Đến nay, mục tiêu chính của dự án đã hoàn thành là đưa vào khai thác cầu đường sắt Bình Lợi mới.
Năm 2020 đã hoàn thành tháo dỡ các nhịp cầu sắt cũ và thanh thải lòng sông khu vực cầu cũ. Hiện các tàu thuyền đi lại rất thuận tiện, không phải nằm chờ nước rút mới thông qua như trước đây. Phần còn lại của dự án là cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi (TP.HCM) đến cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương) có chiều dài khoảng 70km vẫn chưa hoàn thành.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án 7, dự án đang gặp khó khăn về huy động vốn đầu tư và phương án thu phí hoàn vốn hiện chưa khả thi.
"Ban cũng đã nhận được kiến nghị của nhà đầu tư, sắp tới lãnh đạo ban sẽ đồng hành cùng với nhà đầu tư làm việc với các bộ ngành và địa phương có dự án đi qua để tìm hướng tháo gỡ", lãnh đạo Ban quản lý dự án 7 cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi lập dự án BOT đường thủy Bình Lợi, tỉnh Bình Dương cam kết cho nhà đầu tư vay 300 tỉ đồng, không tính lãi nhưng đến nay dự án chưa giải ngân hết số vốn theo cam kết. Đặc biệt, các cảng - nơi để thu phí thu hồi vốn cho dự án, chưa được xây dựng đồng bộ như quy hoạch, vì vậy không có cảng để thu phí hoàn vốn nên hợp đồng tín dụng với ngân hàng cũng bị "đóng băng".
Do tìm kiếm nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án chưa có kết quả, nhà đầu tư xin dừng dự án và kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh hình thức đầu tư bằng vốn ngân sách.
Các doanh nghiệp kiến nghị chưa thu phí
Cũng liên quan đến dự án này, trước đó nhiều doanh nghiệp ICD/cảng khu vực TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai đã có đơn kiến nghị tập thể gửi các bộ ngành và địa phương kiến nghị về việc chưa thu phí ở dự án BOT đường thủy nêu trên.
Theo các doanh nghiệp, hiện đường bộ đang quá tải, vận tải thủy đã và đang góp phần rất lớn để chia sẻ gánh nặng cho đường bộ nên việc áp dụng thêm một khoản thu tại BOT Bình Lợi sẽ làm giảm đi cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đông Nam Bộ và các khu vực lân cận.
Các doanh nghiệp lo ngại khi thu phí hoàn vốn ở BOT Bình Lợi, lượng hàng hóa có khả năng sẽ được chuyển qua đường bộ, làm tăng thêm hàng ngàn chuyến xe/ngày để giải phóng lượng container đang được sà lan vận chuyển.
Điều này sẽ gây ách tắc nghiêm trọng đến các trục đường như quốc lộ: 1, 51, 13, 1K; tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn và tác động dây chuyền đến toàn bộ hệ thống giao thông khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận