Dư luận cho rằng các em đã thi vào trường sư phạm, đã được hưởng chế độ miễn học phí, thế mà khi sắp ra trường lại do dự không muốn đi dạy là một việc đáng chê trách. Có người cực đoan hơn còn quy chụp cho các em “mất tư cách” và đòi phạt thật nặng. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trong thời buổi “thừa kinh tế ế sư phạm” này, khi đầu vào tuyển sinh sư phạm đang “tuột dốc không phanh”, thậm chí có trường hợp “con thi sư phạm mẹ đòi chết” như báo chí đã đưa tin, việc các em can đảm chọn trường sư phạm đã là một việc đáng ghi nhận.
Còn ngành giáo dục, liệu biện pháp “bắt cam kết” để giữ chân đã phải tối ưu chưa hay chỉ là giải pháp tình thế? Nếu cứ tiếp tục “thu hút nhân lực” bằng biện pháp “trói chân” này thì đội ngũ giáo viên sẽ vẫn mãi yếu và mãi thiếu.
Những năm 1990 khi Chính phủ bắt đầu thực hiện chính sách ưu đãi cho ngành giáo dục, số sinh viên thi vào ngành sư phạm khá cao và đương nhiên điểm thi tuyển vào ngành sư phạm luôn cao hơn so với các ngành khác. Thời đó, chỉ những học sinh khá giỏi mới dám thi tuyển vào sư phạm với tỉ lệ chọi rất cao.
Những tưởng nền giáo dục từ đó sẽ chiêu mộ được nhiều người tài giỏi và có tâm huyết, chấm dứt thời kỳ “chuột chạy cùng sào lao vào sư phạm”. Nhưng, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, do những chính sách ưu đãi cho ngành giáo dục không theo kịp đà phát triển đó, số lượng người chọn nghề sư phạm ngày càng rơi rụng dần, đến nay ngay cả những “con chuột chạy cùng sào” đã gần đến đích cũng do dự, không muốn phục vụ trong ngành sư phạm nữa!
Không chỉ những người đang lấp ló ngoài ngành ngại bước chân vào sư phạm, chính bản thân những người trong ngành như chúng tôi đây cũng đang rất bối rối và không ít người đã đành đoạn “bỏ trường, bỏ lớp”. Ngân sách đầu tư cho giáo dục năm sau bao giờ cũng nhiều hơn năm trước, nhưng khoản ngân sách đầu tư cho những người trực tiếp tham gia công tác giáo dục thì vẫn giậm chân tại chỗ. Các cấp quản lý than rằng lực lượng giáo viên đông quá, không ngân sách nào bù xuể. Đúng là đang có vấn đề, dường như ngành giáo dục đang chú trọng về số lượng hơn là chất lượng nhân lực!
Một giáo viên trung học phổ thông có số tiết tiêu chuẩn là 18 tiết/ tuần, nghĩa là mỗi ngày chỉ dạy trung bình ba tiết. Với số tiết tiêu chuẩn như vậy, các trường học phải tuyển rất nhiều giáo viên mới đủ biên chế đứng lớp. Trong lúc đó, mỗi giáo viên dạy xong số tiết tiêu chuẩn ở trường phải chạy đôn chạy đáo, người đi dạy hợp đồng, người thì dạy thêm, người nhận thêm việc này việc nọ... nghĩa là vẫn phải lao động thêm để đủ sống.
Dù muốn dù không, một khi đã làm việc chân trong chân ngoài thì công tác chuyên môn sẽ ít nhiều bị sao nhãng. Sao các cấp quản lý không tính tới chuyện tinh giản biên chế, tăng số tiết tiêu chuẩn lên, tăng lương giáo viên lên. Như vậy đời sống giáo viên vừa được đảm bảo, giáo viên khỏi phải làm cái việc chẳng đặng đừng là bươn chải kiếm thêm thu nhập, mà chất lượng chuyên môn chắc chắn cũng sẽ được nâng lên.
Một người thầy tốt không chỉ có trình độ chuyên môn, mà còn cần phải có lòng nhiệt tình và rất nhiều tâm huyết với nghề nghiệp. Nếu các cấp quản lý không nghĩ ra thêm biện pháp nào để tăng sức thu hút của ngành sư phạm với các nhà giáo tương lai (và cả hiện tại nữa) ngoài việc bắt cam kết để cầm chân, e rằng sẽ chỉ tuyển dụng được những thợ dạy học mà thôi. Lòng nhiệt tình và tâm huyết không có bản cam kết nào có thể bảo đảm được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận