19/04/2019 14:53 GMT+7

Sẽ kiến nghị thí điểm tiết đọc sách tại các trường ở TP.HCM

HÀ BÌNH - TRỌNG NHÂN
HÀ BÌNH - TRỌNG NHÂN

TTO - Đó là kết luận của ông Từ Lương - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, tại tọa đàm 'Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?' do sở này phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức sáng 19-4.

Sẽ kiến nghị thí điểm tiết đọc sách tại các trường ở TP.HCM - Ảnh 1.

Ông Từ Lương - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - Ảnh: HÀ BÌNH

Tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, giáo dục, thư viện... để tìm ra các giải pháp, kiến nghị việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ.

Xây dựng tiết đọc sách

Sau khi nghe các tham luận, ý kiến tọa đàm, ông Từ Lương nói: "Việc đưa hoạt động đọc sách thường xuyên đầu giờ, hay những tiết đọc sách cố định tuần đầu, đầu tháng là giải pháp cần kiến nghị. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM tham mưu cho UBND TP.HCM tổ chức thí điểm các tiết đọc sách trong các trường công lập trên địa bàn TP".

Ngoài ra, ông Từ Lương cũng đề nghị "Hội Xuất bản Việt Nam kết hợp báo Tuổi Trẻ kiến nghị Bộ Sở Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan chức năng nghiên cứu chủ trương xây dựng tiết đọc sách, giờ đọc sách chính thức áp dụng với các trường cấp I, cấp II trên cả nước".

Bên cạnh đó, ông Từ Lương cũng cho rằng "chưa thấy ai nói về chuyện tôn vinh người đọc sách".

"Chẳng hạn ở Úc, học sinh tiểu học được đánh giá thông qua việc đọc sách hàng năm và thủ hiến của bang sẽ khen thưởng lớn, thậm chí có khi thủ tướng liên bang cũng tặng bằng khen.

Chúng ta chưa đặt ra việc đọc ở tầm quốc gia, ở thành phố, ở địa phương. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu, tham mưu thông qua các kênh truyền thông, tác động đến các kênh làm chính sách để làm được việc này" - ông Từ Lương nói thêm.

Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cũng nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không tìm cách để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé thì sau này khó mà tạo lập thói quen này".

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phát biểu tại buổi tọa đàm - Video: XUÂN ĐOÀN

Trẻ đọc sách sẽ thông minh hơn

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh - giảng viên khoa ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội, sáng lập và điều hành dự án Phát triển văn hóa đọc "Sách ơi mở ra" - dẫn nghiên cứu của Nagy và Herman cho thấy, những đứa trẻ dành thời gian đọc trung bình 20 phút một ngày sẽ thu được 1,8 triệu từ một năm và thường đạt kết quả loại A trong học tập.

Trong khi những đứa trẻ đọc trung bình 5 phút một ngày chỉ thu được 282.000 từ một năm và thường chỉ đạt kết quả học tập loại B. Những đứa trẻ chỉ đạt kết quả loại C trong học tập chỉ đọc trung bình một phút một ngày, và chỉ thu được một lượng từ vựng ít ỏi - 8.000 từ một năm.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp - giáo viên Trường song ngữ quốc tế Horizon, cũng chia sẻ: "Con trẻ khi được cha mẹ, ông bà cho tiếp xúc sớm với sách sẽ phát triển ngôn ngữ và nhận thức thế giới xung quanh tốt hơn. Khi đến trường học, trẻ đọc lưu loát, viết văn không phạm lỗi sai chính tả, ngữ pháp, ngôn từ phong phú và sớm hiểu biết so với bạn bè cùng trang lứa. Sách gieo giấc mơ đẹp cho tuổi thơ...".

Hình thành thói quen đọc sách là quan trọng nhưng hình thành sự minh triết, lòng hiếu tri còn quan trọng hơn, từ đó giúp việc đọc sách trở nên tự nhiên. Giữa sự đọc và sự học có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bàn về sự đọc thực chất là bàn về sự học. Do đó cần gắn kết việc học với việc đọc, việc làm và việc sống".

Ông Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện giáo dục IRED


Kiến nghị cho thư viện trường học

Sẽ kiến nghị thí điểm tiết đọc sách tại các trường ở TP.HCM - Ảnh 4.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Tôi luôn luôn bắt gặp mình cảm động khi trông thấy một em bé ngồi say sưa đọc sách" - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết - cán bộ thư viện Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.11, TP.HCM) đưa ra một số kiến nghị cho thư viện trường học.

Thứ nhất, ưu tiên kinh phí bổ sung sách và cơ sở vật chất thư viện. Sách càng phong phú học sinh càng có nhiều sự lựa chọn. Không gian đọc càng tiện nghi càng tạo sự hứng thú nơi học sinh. Những trường được xây mới nên để phòng thư viện ở tầng trệt. Khi xây thư viện ở tầng 3, 4 sẽ không thuận lợi cho người đọc, dù sau này chuyển xuống đất thì không gian và những tiện ích cũng không bằng như khi được thiết kế từ lúc đầu.

Thứ hai, nhân viên thư viện cần người chuyên trách và có nghiệp vụ giúp thư viện ổn định lâu dài và hoạt động hiệu quả hơn. Họ sẽ hiểu bạn đọc mình cần gì và làm cách nào tốt nhất cho bạn đọc. Có những bạn trẻ chỉ xem thư viện là một chỗ tạm dừng chân trước khi tìm công việc khác tốt hơn nên công việc luôn gián đoạn gây bất lợi cho người đọc.

Thứ ba, cần có một chế độ đãi ngộ tốt hơn cho người làm thư viện vì lương quá thấp. Có nhiều bạn học chuyên ngành thư viện bỏ việc vì lương quá thấp và ngành thư viện cũng rất khó tuyển sinh. Nhân viên thư viện cần đươc trang bị thêm kỹ năng bằng những lớp bồi dưỡng miễn phí vì có những bạn không đươc cấp kinh phí để đi học.

Sẽ kiến nghị thí điểm tiết đọc sách tại các trường ở TP.HCM - Ảnh 5.

Nhà báo Lê Nam: "Con tôi đi học về khoe được tặng một huy chương có dòng chữ Star Reader (Ngôi sao đọc) và cháu rất hứng thú, hãnh diện về việc này" - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cách khuyến khích trẻ đọc sách ở Singapore

Nhà báo Lê Nam - có con đang học tiểu học tại Singapore - kể câu chuyện đọc sách ở trường con mình: "Ở trường của con tôi, mỗi ngày mỗi tuần bắt buộc có giờ đọc sách do cô đọc cho cháu nghe và các cháu đọc cho nhau nghe. Sau đó, các cháu sẽ trình bày về cuốn sách, nhân vật trong sách mà mình tâm đắc. Trong một học kỳ (khoảng 2,5 tháng) học sinh phải làm báo cáo đọc bao nhiêu cuốn sách, nội dung là gì".

Nhà báo Lê Nam kể thêm trường có hoạt động khuyến khích học sinh đọc sách như thi nhau giữa các dãy nhà; mượn sách được cộng điểm và tuyên dương vào mỗi học kỳ. "Con tôi đi học về khoe được tặng một huy chương có dòng chữ Star Reader (Ngôi sao đọc) và cháu rất hứng thú, hãnh diện về việc này. Những việc như vậy rất khuyến khích cho học sinh đọc sách" - nhà báo Lê Nam kể thêm.

Mỗi gia đình, nhà trường cần xây dựng môi trường cho trẻ đọc sách Mỗi gia đình, nhà trường cần xây dựng môi trường cho trẻ đọc sách

TTO - Trước thực trạng văn hóa đọc của người Việt Nam chưa cao, ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, nhấn mạnh mỗi gia đình, nhà trường cần xây dựng môi trường cho trẻ đọc sách.

HÀ BÌNH - TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên